Hẻm ngày giãn cách

Đoàn Đại Trí 02/08/2021 10:00

Không hoang mang nhưng có phần lo lắng, không ồn ào nhưng âm thầm vận động, không thiếu thốn nhưng khá chật vật, không làm việc nhưng cũng không buông xuôi... cuộc sống trong hẻm nhỏ ở TP HCM những ngày giãn cách là một thế giới khác lạ, nhiều khi trái ngược đan xen. Với đủ tầng lớp từ người nghèo cho tới công chức, những con hẻm vô danh như phận người ấy buộc phải oằn mình vượt qua dịch bệnh theo cách của riêng mình.

1. Cuộc sống những ngày này ở thành phố thật lạ. Có cô bạn tôi quen ở gần chợ Bà Chiểu, người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất TP HCM này. Trước đó, mỗi tuần tôi thấy cô thường đăng vài tấm hình trên trang cá nhân như nhiều cô gái khác. Khi thì bận bộ đầm trắng, đeo kính đen, giày cao gót đứng bãi biển Kep (Campuchia), khi thì cô ngồi một góc quán cà phê nhìn xa xa là hàng cây lá kim của xứ sở băng tuyết xa xôi, lúc thì bức hình cô đang đứng ở một thành phố cổ kính với những tòa kiến trúc mà tôi đoán là ở tận Ấn Độ hay Bagan linh thiêng... Những tấm hình ghi lại một phần cuộc sống của cô, sang trọng và quý phái.

Trong mắt tôi, ngoài vài lần loáng thoáng gặp giữa đám đông bạn bè ngoài đời thì những hình ảnh trên trang mạng cá nhân đó đã định hình con người cô. Một người phụ nữ thành phố, làm việc ở ngân hàng, thường xuyên đi du lịch, biết lái xe hơi... Nhưng hôm tuần trước, trang mạng xã hội cá nhân của cô tràn ngập những hình ảnh khác lạ. Tôi phải bấm vào để nhìn cho rõ hơn khi thấy cô đang chặt thịt gà, thái bí đỏ, lột tỏi, bóc hành tím, xào xào nấu nấu... Rồi buổi tối, thấy có người bạn Tag những tấm hình cô chạy xe gắn máy, đằng sau là thùng xốp to tướng chứa hầu hết là đồ ăn. Cô đang lặn lội vào những con hẻm trao tận tay hộp cơm ấy cho những người cần.

Mấy ngày nay thành phố hay mưa chiều tối, nếu không nhìn kỹ, tôi không nhận ra cô bạn mình quen trong bộ áo mưa rộng thùng thình, khẩu trang kín mũi. Người dân ở TP.HCM là vậy, không chỉ có cô bạn bên chợ Bà Chiểu tôi quen mà nhiều người nữa, khi cuộc sống thay đổi theo hướng khó khăn hơn, họ có thể làm những công việc khó khăn hơn mà ngày thường người ta không ngờ tới. Họ không chỉ biết lái xe hơi, không chỉ đi du lịch châu Âu mà khi cần cũng có thể tất tả trong mưa, chạy xe vào những hang cùng ngõ hẻm... Điều đặc biệt nhất, họ làm những công việc ấy bằng sự đồng cảm, lòng trắc ẩn, sẻ chia, tự thân thấy cần thiết thay vì những điều gì cao cả hơn mà người ta hay nói.

Với hầu như tất cả, TP HCM là mảnh đất phồn hoa lộng lẫy đầy hào nhoáng. Ngay cả trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh với vô số những địa điểm cách ly phong tỏa, khi nhắc đến TP HCM người ta cũng đưa những tấm hình vắng vẻ ở nhà thờ Đức Bà, ở bưu điện, ở đường sách, ở hồ con rùa... Đây là điều hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ. Bởi chỉ ai sống đủ lâu để hiểu thành phố này mới biết, nơi đây còn những con hẻm. Những con hẻm vô danh, thậm chí không có cả trên cập nhật của ứng dụng giao hàng tiện ích đôi khi lại là một phần của thành phố. Một phần gần như không thể thiếu, đầy bao dung và tình người trắc ẩn. Họ chỉ là người nhặt ve chai, bán vé số, bảo vệ hay công chức bình thường... nhưng họ sống trọn vẹn cuộc sống của thành phố này. Cuộc sống mà người ta không bao giờ tìm thấy trên những bài phát biểu, bản tin, những thống kê, danh sách hỗ trợ...

Tôi không biết trong số mười mấy triệu dân của TP HCM này, ai và những nhóm người nào quan trọng hơn. Là đội ngũ kỹ sư xây dựng, tầng lớp đầu tư chứng khoán, là những giám đốc trẻ khởi nghiệp năng động, là tầng lớp quý tộc giàu có hay thị dân trong chung cư cao cấp... Hay là bà mua ve chai, người phụ bếp, nhân viên giao hàng... Không ai biết rõ, không có gì liên hệ những người ấy, ngoài những con hẻm mà có thể họ từng chung sống, một thời chung sống. Với nhịp sống quá nhanh và gấp gáp, đôi khi chỉ có thời gian giãn cách này những con hẻm mới kết nối họ với nhau, lặng lẽ bằng sợi dây san sẻ nào đó chứ không cần phải ngồi lại tụ tập cùng nhau.

Cư dân trong hẻm nhận đồ hỗ trợ từ các địa phương.

2. Cũng những ngày này, khi hầu hết mọi người đều phải ở trong nhà thì một anh bạn khác của tôi làm giám đốc một công ty xây dựng ở thành phố đang tất bật với những chuyến đi của mình. Thường ngày hầu hết anh chỉ ở trên công trường, chiều về ngồi lai rai với bạn bè một chút rồi về nhà với gia đình. Nhưng mấy bữa nay, anh chạy xe bán tải đi gom đủ thứ đồ ăn, đồ dùng, thực phẩm. Từ những bao đậu que, cải thìa, đậu bắp, bí xanh ở dưới Củ Chi gửi lên hay những bao bí ngô, khoai tây, cà rốt trên Tây Nguyên gửi xuống... Rồi những thùng nhãn, chôm chôm, ổi hay tôm khô, cá khô dưới miền Tây gửi lên. Mà cũng lạ, tôi cứ nghĩ một người đàn ông suốt ngày trên công trường, quen ăn uống bằng cách gọi món ở nhà hàng quán nhậu như anh nhưng chỉ thoáng cái anh biết sắp xếp từng loại rau củ quả, chia từng bịch đều nhau như một. Rồi anh chạy khắp thành phố, dừng xe ở đầu hẻm cẩn thận đặt từng bịch đã chia đều xuống, gọi điện cho ai đó ra lấy, đưa đều không thiếu một nhà nào. Những hình ảnh anh chia sẻ trên trang cá nhân, hàng chục người đứng xếp hàng giãn cách mà chỉ nhìn gương mặt cũng hiện lên sự khốn khó đang đợi để lấy phần quà của mình. Tôi có nhắn muốn xin viết đôi dòng về hoạt động của anh thì anh cười thân thiện nhưng từ chối. Anh bảo đó có phải đồ của anh cho đâu, bạn bè khắp nơi họ gửi về, anh có phương tiện nên đi chuyển giúp. Anh đưa những tấm hình trao nhận đầy tình người ấy lên mạng không phải để khoe khoang gì, mà để bạn bè phương xa biết đồ họ gửi đã đến đúng địa chỉ, kịp thời gian để họ an tâm. Toàn rau củ quả, đồ ăn cả, sợ để lâu nó hư hỏng thôi chứ có gì đâu. Anh ấy, và cô bạn tôi kể ở trên chỉ là một trong hàng trăm con người từng có một tuổi trẻ gắn bó với những con hẻm. Họ hiểu và cảm nhận được, khi nào thì cư dân trong hẻm cần, cần những gì để tiếp tục cuộc sống.

Thành phố những ngày này thật nhiều nỗi lo. Nỗi lo không đến từ những quầy rau củ quả trống trơn trọng siêu thị, không đến từ cái chợ quen thuộc phải đóng cửa, căng dây y tế, không đến từ những rào chắn bằng thép với tấm biển có dòng chữ vàng-đỏ hướng dẫn cách ly... Nỗi lo của hàng ngàn con người trong hẻm nhỏ nó bộn bề, không tên. Những nỗi lo mà không ai thấu hiểu nổi. Đó là nỗi lo của một gia đình 4 người từ ngoài Phú Yên vào thuê trọ để đi bán vé số, là nỗi bất an của hai vợ chồng già bán bánh mì đầu hẻm đang chăm con chạy thận, hay nỗi lo của cô gái trẻ quê tận Đắc Lắc vừa phải nghỉ việc vô thời hạn vì công ty ngừng hoạt động, của cô giáo mầm non nghỉ việc nửa năm nay không lương... Tất cả họ, khi thành phố tạm dừng hầu hết các hoạt động thì vô vàn nỗi lo tràn tới. Nhưng cái thiếu thốn ấy dường như chỉ làm những con người, thêm yêu thương, nương náu vào nhau. Cái sinh kế vốn đã khó khăn chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn. Câu hỏi làm sao để “trụ” lại ở thành phố là thứ thường trực ám ảnh nhiều con người. Sẽ không đúng nếu nói nhiều người dân TP HCM không bất an vì dịch bệnh nhưng với nhiều người, nhất là trong những con hẻm nhỏ bé kia, họ phải lo nhiều thứ hiện hữu hơn là lương thực, thực phẩm.

Trong những con hẻm ấy, mỗi người một nỗi lo và không ai có thể biết. Người ta có thể dễ dàng thống kê bao nhiêu doanh nghiệp phá sản sau thời gian dịch bệnh, bao nhiêu lao động mất việc làm nhưng không ai thống kê được bao nhiêu người đã rời bỏ thành phố này vì khốn khó ấy. Họ lặng lẽ lên chuyến xe đò, ngồi chuyến tàu chợ rời thành phố, bỏ lại sau lưng tất cả những phồn hoa cùng nuối tiếc. Đó là chọn lựa cuối cùng khi những con hẻm đầy ắp tình người cũng khó có thể cưu mang họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hẻm ngày giãn cách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO