Hết thời khư khư ‘giữ ghế’

Nam Việt 10/11/2021 06:10

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 3/11/2021. Trong đó quy định rõ 6 trường hợp miễn nhiệm, 4 trường hợp xem xét từ chức đối với cán bộ.

Việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong các trường hợp: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao. Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm. Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

Việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng. Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

Đối với Quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức, Quy định 41 nêu rõ: Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc.

Quy định của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ một lần nữa cho thấy công tác cán bộ được Đảng hết sức coi trọng, để xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh. Đáng chú ý, cả việc miễn nhiệm và từ chức được xử lý nhanh, trong vòng 10 ngày và không kéo dài quá 15 ngày. Như vậy, sẽ không còn lý do để dây dưa, nhùng nhằng ảnh hưởng đến công việc chung. Quy định đó cũng chặn trước tất cả những tác động nào đó có thể làm tình hình trở nên phức tạp, cả với trường hợp miễn nhiệm lẫn từ chức.

Cũng cần nhắc lại, trước khi Quy định 41 của Bộ Chính trị được ban hành (ngày 3/11) thì Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TW (ngày 25/10/2021) về những điều đảng viên không được làm. Trước đó, ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tất cả những quy định này đều nhắm tới việc làm trong sạch đội ngũ, cùng đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự có đức, có tài để gánh vác việc dân, việc nước.

Nhìn lại cuộc chiến chống tham nhũng thời gian qua cũng như những quy định mới về công tác cán bộ càng cho thấy sẽ không còn đất cho những kẻ tha hóa, biến chất, lợi dụng chức quyền gây bè kéo cánh để trục lợi. Việc miễn nhiệm, từ chức là bước phát triển mới để rèn luyện cán bộ, chấm dứt việc đợi đến hết nhiệm kỳ thì “hạ cánh an toàn”. Trước, với những cán bộ gây hại cho đơn vị, người ta chỉ còn biết trông cho hết nhiệm kỳ. Nhưng nay, Quy định 41 đã chấm dứt điều đó. Không làm được việc, mất uy tín, suy thoái đạo đức... sẽ bị nhấc ra khỏi “chiếc ghế” tưởng chừng như vô cùng chắc chắn. Đã từng có ý kiến về “văn hóa từ chức” kêu gọi sự tự giác, lòng tự trọng thì nay Đảng đã có quy định rất rõ ràng để chấm dứt tình trạng khư khư “giữ ghế” của những người không xứng đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hết thời khư khư ‘giữ ghế’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO