Xã hội

Ẩn hoạ từ Tiktok bài 1: 'Đu trend' - Vui ảo, tai họa thật

Văn Thanh - Hoàng Chiến 20/03/2023 18:30

Việc mải mê chạy theo những trào lưu, trend trên TikTok khiến không ít bạn trẻ chán nản với hiện tại, tìm kiếm sự thỏa mãn trên ứng dụng ảo, dần ảo tưởng về chính mình và bất chấp tất cả, thậm chí là sức khỏe, tính mạng để “câu” view, tăng tương tác.

“Mảnh đất” sáng tạo nội dung màu mỡ

Nền tảng video ngắn TikTok đang được vận hành bởi công ty công nghệ Trung Quốc Bytendance. Theo giới thiệu của TikTok, hiện nền tảng này đang thu hút không ít người dùng tại hơn 150 thị trường trên khắp thế giới. Tháng 1/2018, ứng dụng TikTok mới thu hút khoảng 55 triệu người dùng toàn cầu. Sau đó, con số này vọt lên 271 triệu vào cuối 2018, 507 triệu vào cuối 2019 và cán mốc hơn một tỷ người dùng trên ứng dụng sáng tạo nội dung này vào năm 2021. Tốc độ tăng trưởng đáng gờm của TikTok là lý do khiến những "ông lớn" mạng xã hội khác phải e dè.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng đang sử dụng ứng dụng TikTok tăng từ 34% (năm 2020) lên 62% (năm 2022), với thời lượng sử dụng tăng gấp đôi từ 4% đến 8%. Người dùng TikTok tập trung cao ở độ tuổi từ 18 đến dưới 30 tuổi. Một thống kê khác cũng chỉ ra rằng lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này.

Mấy năm trở lại đây, TikTok phát triển cực thịnh và trở thành mảnh đất màu mỡ để người dùng khai thác, phát triển nội dung nhằm tăng phạm vi ảnh hưởng. Tài khoản TikTok mọc lên như nấm sau mưa trên nền tảng này, bất kỳ ai cũng có thể khám phá, tạo và chia sẻ những nội dung mình yêu thích. Độ phủ sóng của TikTok là không thể chối cãi, đặc biệt là tầm ảnh hưởng sâu rộng của nó đến giới trẻ và thanh thiếu niên.

TikTok hấp dẫn nhiều người bởi nó không khắt khe về hình ảnh, phong cách, ngôn ngữ thể hiện, thoải mái đáp ứng tiêu chí “độc, lạ, vui" theo hàng loạt trào lưu đình đám.

Lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này.

Điểm hấp dẫn giới trẻ ở nền tảng TikTok còn nằm ở chỗ, người dùng có thể kiếm được thu nhập từ lượt xem, lượt theo dõi hay lượt thích.

Thậm chí, thời gian gần đây, TikTok được coi là một công việc, mang lại nhiều lợi ích cho người dùng khi có thể kiếm được thu nhập từ lượt xem, lượt theo dõi hay lượt thích mà vẫn thoải mái thời gian, không bị gò bó trong môi trường công sở.

Giữa tháng 10/2022, hãng phần mềm Adobe đã công bố báo cáo "Kiếm tiền trong nền kinh tế sáng tạo". Khảo sát được thực hiện ở nhiều quốc gia đã cho thấy một xu hướng mới của thế hệ genZ (những người ra đời từ năm 1997). Theo Adobe, 33% số người được khảo sát đã tham gia sáng tạo nội dung bán thời gian. 77% cho biết bắt đầu kiếm tiền từ nội dung trên nền tảng trực tuyến trong năm qua và 47% nói lĩnh vực này đóng góp hơn một nửa thu nhập hàng tháng của họ. Nhiều bạn trẻ đang đặt cược vào nền kinh tế sáng tạo và truyền cảm hứng cho việc theo đuổi các công việc phi truyền thống.

Bên cạnh đó, nhờ làm video liên quan đến lĩnh vực mình kinh doanh trên TikTok, một số người đã giúp cơ sở của mình tăng doanh thu mà không cần chạy quảng cáo.

Nhiều người trẻ còn kiếm tiền thông qua TikTok Influencer Marketing Platform, nền tảng tiếp thị người ảnh hưởng, đây là hình thức tiếp thị kết hợp thương hiệu và người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng, các influencers (người có sức ảnh hưởng) trên mạng Tiktok để quảng bá cho nhãn hàng.

Ở bất cứ mạng xã hội nào cũng đều có influencers với hàng trăm ngàn hay hàng triệu người theo dõi. Họ có cộng đồng người hâm mộ riêng và thực sự có sức ảnh hưởng lớn không chỉ đến nhận thức mà còn thôi thúc khách hàng mua sản phẩm của một thương hiệu.

Vui ảo, tai họa thật

Tuy nhiên, sự lan toả quá nhanh của TikTok lại như con dao 2 lưỡi đối với không ít người dùng. Mặc dù nền tảng này đã xóa hàng triệu video vi phạm liên quan đến bạo lực, khiêu dâm, tự gây hại... Thế nhưng, không ít trào lưu độc hại vẫn đang diễn ra mà nền tảng không kiểm soát hết được như: Veneer Vlog (mài răng), Benadryl Challenge (Uống nhiều thuốc dị ứng để tạo ảo giác. Nhiều bạn trẻ cho rằng Benadryl vô hại, thế nhưng, những loại thuốc này còn có nhiều tác dụng phụ khác, có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng), Penny Challenge (cắm hờ sạc điện thoại vào ổ điện, thả đồng xu vào khe hở để tạo tia lửa),…

Đơn cử như đầu tháng 3/2023, hàng loạt video cho thấy cảnh nhóm sinh viên Đại học Massachusetts uống borgs (hỗn hợp rượu, chất điện giải, hương liệu được pha chế và đựng trong bình lớn), một trào lưu uống rượu trên TikTok. Trào lưu uống borgs đã trở nên phổ biến trên TikTok đối với những người dùng ở độ tuổi đại học.

“Đu trend” uống borgs - nhập viện phút chốc.
“Đu trend” uống borgs. Ảnh cắt từ video TikTok.

Một số người cho rằng, hỗn hợp rượu này giúp bạn không bị say xỉn dù uống nhiều. Mặc dù việc bổ sung nước và chất điện giải vào đồ uống giúp làm chậm quá trình hấp thu rượu và giảm cảm giác nôn nao, nhưng kích thước bình rượu quá lớn lại dẫn đến việc uống say một cách nguy hiểm.

Được biết, ngay sau khi nhóm bạn trẻ “đu trend” uống borgs, 28 xe cứu thương đã phải đến đưa người đi cấp cứu. Mặc dù chưa thể khẳng định, liệu tất cả 28 trường hợp cấp cứu nói trên có liên quan đến việc uống rượu borg hay không, tuy nhiên, Đại học Massachusetts cho biết họ đang xem xét các sự kiện cuối tuần của sinh viên và cảnh báo sinh viên không học theo nhưng cách pha chế đồ uống lan truyền trên mạng.

Phía Đại học Massachusetts cho hay, nhà trường chưa bao giờ thấy nhiều đồ uống loại này như vậy tại sự kiện "Blarney Blowout", lễ kỷ niệm hàng năm của trường diễn ra trước Ngày Thánh Patrick.

Ngoài ra, trên Tiktok còn xuất hiện nhiều trào lưu với nội dung người dùng tự gây hại cho bản thân. Theo New York Post, nền tảng này đã phải xóa các nội dung chứa hastag #milkcratechallenge. Thử thách yêu cầu người dùng xếp các thùng sữa bằng nhựa theo hình kim tự tháp và cố giữ thăng bằng khi trèo lên đỉnh, sau đó bước xuống mà không bị ngã. Khi “đu trend” này, không ít người tham gia đã bị ngã và bị thương.

Do trào lưu trên mạng xã hội TikTok, nguồn cung thuốc Ozempic đã thiếu hụt, ảnh hưởng đến những bệnh nhân tiểu đường thực sự cần đến loại thuốc này.
Do trào lưu trên mạng xã hội TikTok, nguồn cung thuốc Ozempic đã thiếu hụt, ảnh hưởng đến những bệnh nhân tiểu đường thực sự cần đến loại thuốc này.

Còn nhớ hồi tháng 5/2022, một người phụ nữ sống tại Pennsylvania (Mỹ) đã đâm đơn kiện TikTok sau khi con gái 10 tuổi của bà tử vong vì thực hiện thử thách trên mạng xã hội. Bà cho biết con gái bà tham gia trò "Thử thách ngạt thở", yêu cầu người chơi thực hiện một số hành động gây ngạt để rơi vào trạng thái ngất xỉu tạm thời. Khi tỉnh lại, họ sẽ chia sẻ video lên nền tảng. Bé gái được phát hiện nằm bất động trong phòng ngủ và đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng tử vong sau đó 5 ngày.

Đơn kiện mô tả cô bé đã phát hiện thử thách thông qua các video về những xu hướng đang lan truyền, được gợi ý trên trang For You của TikTok.

Tại Việt Nam cũng có không ít những trào lưu nguy hiểm đến sức khỏe của người dùng khi tham gia thực hiện. Khoảng trung tuần tháng 2/2023, một trào lưu rầm rộ trên TikTok là kiểm tra sức khỏe lá phổi. Cụ thể, bạn chỉ cần hít sâu rồi nín thở và đếm thời gian. Nếu bạn nín thở qua 30 giây chứng tỏ sức khoẻ tim phổi của mình tốt.

Những clip này thu hút hàng triệu lượt xem, hàng trăm nghìn bình luận. Một số tài khoản tự bịt mũi, nín thở kèm theo đồng hồ bấm giờ để đánh giá phổi của mình rồi kêu gọi mọi người làm theo và khẳng định "nín thở càng lâu chứng tỏ phổi của bạn càng khỏe".

Tuy nhiên, theo một số bác sĩ chuyên khoa hô hấp, việc kiểm tra phổi bằng cách nín thở không có ý nghĩa và hoàn toàn không đúng về mặt y khoa. Việc kiểm tra chức năng của phổi phải dựa trên đánh giá toàn diện, các bác sĩ sẽ thực hiện đo công năng đường thở, dung tích phổi..., sau đó chẩn đoán mới chính xác.

Việc nín/ngưng thở kéo dài cần phải có quá trình tập luyện, phù hợp cho những đối tượng như vận động viên, bộ đội, thợ lặn... Trước khi tập ngưng thở, phải hít thở sâu để cơ thể có đủ một lượng oxy để duy trì hoạt động của phổi trong thời gian này.

Khoảng trung tuần tháng 2/2023, một trào lưu rầm rộ trên TikTok là kiểm tra sức khỏe lá phổi bằng cách nín thở. Tuy nhiên, theo một số bác sĩ chuyên khoa hô hấp, việc kiểm tra phổi bằng cách nín thở không có ý nghĩa và hoàn toàn không đúng về mặt y khoa.
Khoảng trung tuần tháng 2/2023, một trào lưu rầm rộ trên TikTok là kiểm tra sức khỏe lá phổi bằng cách nín thở. Tuy nhiên, theo một số bác sĩ chuyên khoa hô hấp, việc kiểm tra phổi bằng cách nín thở không có ý nghĩa và hoàn toàn không đúng về mặt y khoa.

Các bác sĩ cảnh báo, với những người mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh lý mạch vành, hoặc người bị suy hô hấp mãn tính nặng, người có nguy cơ bị đột quỵ, phụ nữ đang mang thai, người vừa trải qua đợt phẫu thuật... thì tuyệt đối không nên áp dụng phương pháp nín thở này bởi có thể nguy hiểm, gây thiếu oxy cho phổi.

Không chỉ có những thử thách gây hại, trên Tiktok còn hàng loạt các trend gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Đơn cử như trào lưu "nake challenge", nhiều cô gái quay cảnh lột đồ, khỏa thân trước mặt người yêu, bạn bè, người thân... chỉ để ghi lại phản ứng của họ.

Hay ví dụ trend vén áo, lắc hông khoe vòng bụng gợi cảm được rất nhiều bạn trẻ thực hiện. Thay vì nhận được sự khen ngợi, không ít nhân vật trong các video "đu trend" này lại trở thành tâm điểm chỉ trích vì bị cho là khoe thân quá đà, phản cảm, bất chấp tất cả để kiếm view. Không những vậy, cư dân mạng còn kêu gọi report những clip có nội dung khoe thân kiểu này.

Việc nổi tiếng, được nhiều người biết đến cũng khiến không ít người trẻ sa đà tạo những video nhảm với mục đích câu view, tăng tương tác. Vì những nút like, những lượt đăng ký mới mà không ít người sẵn sàng sản xuất nội dung nhảm nhí, phi giáo dục, phản cảm, hay nguy hiểm hơn là nội dung vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục trên nền tảng TikTok; xây dựng hình ảnh cá nhân có phần lệch lạc, đi ngược lại với chuẩn mực xã hội, tạo nên những vấn đề gây tranh cãi không đáng có.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ẩn hoạ từ Tiktok bài 1: 'Đu trend' - Vui ảo, tai họa thật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO