‘Hiện đại hóa’ đường sắt

Tinh Anh 01/11/2021 10:30

Bắt đầu từ ngày 31/10, theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hành khách đi tàu hỏa không còn phải khai báo y tế giấy mà thay vào đó là khai báo điện tử trên phần mềm PC-Covid. Bộ GTVT kỳ vọng quy định này sẽ giảm thiểu được ùn tắc, tập trung đông người nơi nhà ga khi khai báo y tế bằng giấy, đồng thời giảm phiền hà, mất thời gian cho hành khách.

Từ khi các loại hình giao thông vận tải, trong đó có tàu hỏa hoạt động trở lại, tình trạng ùn ứ thường xuyên diễn ra tại các nhà ga, bến xe, sân bay bởi hành khách buộc phải khai báo y tế bằng... giấy. Thử hình dung, mỗi hành khách có nhanh cũng phải mất vài phút để ghi chép trên biểu mẫu khai báo y tế giấy, không ùn tắc mới là chuyện lạ.

Thậm chí, tại các đầu mối giao thông quan trọng như sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), hiện số lượng hành khách mới chỉ đạt khoảng dưới 50% so với khi chưa bùng phát làn sóng dịch lần thứ 4, nhưng đã có dấu hiệu quả tải vì khai báo y tế bằng giấy. Làm sao có thể không mất thời gian khi mỗi người một tờ khai?

Nay thì Bộ GTVT đã bỏ khai báo y tế bằng giấy để khai báo điện tử trên phần mềm PC-Covid đối với hành khách đi tàu hỏa. Nói một cách dễ hiểu, Bộ GTVT đang thí điểm “hiện đại hóa” ngành đường sắt ở khâu... khai báo y tế. Và hành khách sẽ được nhân viên đường sắt phục vụ tận tình, giúp khai báo y tế hộ nếu chưa biết cách.

Dư luận xã hội cũng mừng cho hành khách đi tàu hỏa khi được quan tâm đến vậy. Song, vẫn còn nhiều ý kiến e ngại bởi phần mềm PC-Covid vẫn còn chưa thực sự hoàn thiện, dễ dẫn đến phát sinh lỗi ngoài ý muốn. Thực tế có người khi cài đặt PC-Covid đã thực hiện khai báo y tế, nhưng phần mềm này vẫn thông báo: Chưa bao giờ khai báo y tế.

Nếu hành khách khai báo y tế điện tử trước khi lên tàu rồi, nhưng do lỗi phần mềm lại phải thực hiện khai báo lại thì cũng phiền hà không kém khai báo y tế bằng giấy.

Nói như vậy không có nghĩa “bàn lùi” đối với chủ trương số hóa trong khai báo y tế của ngành đường sắt. Chỉ là đưa ra mọi khả năng, tình huống có thể phát sinh để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp vận tải có thể lường trước được từ đó có giải pháp ứng phó. Tránh tình trạng để sự việc xảy ra rồi mới lại loay hoay tìm cách tháo gỡ.

Nói chung, việc Bộ GTVT chủ trương giảm tối đa phiền hà, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hành khách di chuyển bằng các loại hình vận tải là điều đáng quý, đáng trân trọng. Song, cũng phải lường trước được mọi khả năng, tình huống có thể xảy ra để chủ động ứng phó với điều xấu nhất khi cần. Có như vậy mới đảm bảo an toàn phòng dịch.

Một số ý kiến lại “được voi đòi tiên” khi cho rằng, số hóa khai báo y tế giúp giảm phiền hà cho hành khách là tốt rồi, nhưng nếu Bộ GTVT nói chung, ngành đường sắt nói riêng đồng bộ hóa sự hiện đại thì tốt biết bao. Giá như đường sắt được đầu tư loại đường ray an toàn hơn như dự kiến hơn chục năm về trước, giá mà tàu chạy nhanh hơn...

Thực ra đòi hỏi như vậy là hơi quá, bởi muốn đầu tư hiện đại hóa đường sắt thì phải là cấp có thẩm quyền quyết định chứ không chỉ Bộ GTVT hay doanh nghiệp đường sắt là có thể làm được. Điều mà dư luận xã hội quan tâm là các doanh nghiệp đường sắt cần năng động hơn trong khai thác vận hành, để ít nhất thì cũng tự nuôi sống được đội ngũ nhân viên của mình, chứ không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước.

Hy vọng tới đây, ngành đường sắt sẽ ngày càng hiện đại hóa mọi khâu, đồng thời năng động hơn trong sản xuất kinh doanh. Bộ GTVT cũng nên giúp đỡ ngành đường sắt đứng vững bằng đôi chân của mình, chứ không phải chỉ “hiện đại hóa” một khâu khai báo y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Hiện đại hóa’ đường sắt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO