Chỉ trong hơn 2 năm, bà con đồng bào người Dao tại thôn Thạch An, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, đưa Thạch An từ một thôn có tới 82% tỉ lệ hộ nghèo trở thành thôn xây dựng thành công mô hình nông thôn mới đầu tiên của xã.
Trong căn nhà cấp 4 bề bộn ngô, lạc hướng mặt ra con đường bê tông rộng hơn 6m, dẫn từ tỉnh lộ chạy xuyên qua thôn, chốc chốc lại có tiếng xe máy kéo chở ngô, keo từ phía đỉnh đồi chạy xuống, Bí thư Chi bộ thôn Thạch An, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) Triệu Quốc Đạt nói: “Đây là con đường thoát nghèo của bà con người Dao mình đấy”. Kể về hành trình thoát nghèo của cộng đồng người Dao tại thôn Thạch An, ông Đạt cho biết: Khoảng hơn 3 năm về trước, con đường trục chính chạy qua trước ngõ nhà ông cũng như các con đường nội thôn khác vẫn còn là lối mòn “chuột chạy”, trơn trượt, giao thông đi lại trong thôn vô cùng vất vả. Các nông sản như: Ngô, lạc và cây keo của bà con phải dùng trâu kéo, xe thồ “tăng bo” ra đường chính nếu muốn bán được giá cho các thương lái. Hàng chục năm trời, đời sống của người dân trong thôn bị bủa vây giữa muôn vàn khó khăn, cả thôn có chưa đầy 89 hộ dân với 416 nhân khẩu nhưng đã có tới 82% hộ thuộc diện… rất nghèo.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 năm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Thạch An đã đổi thay nhanh chóng. 100% đường làng ngõ xóm được bê thông hóa rộng từ 6 – 8m. Các loại xe tải, máy kéo đã có thể vào tận chân núi để chở nông sản, đẩy mạnh thông thương. Cũng từ đây, kinh tế người dân được cải thiện rõ rệt. Những căn nhà mái ngói, mái bằng mọc lên san sát. Tỉ lệ hộ nghèo trong thôn giảm xuống còn 1,3% và Thạch An trở thành thôn đầu tiên hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Cẩm Liên.
“Đấy là kỳ tích của đồng bào người Dao thôn Thạch An. Tất cả là nhờ vào chương trình xây dựng nông thôn mới” – ông Đạt khẳng định.
Vậy điều gì đã làm thay đổi tư duy của đồng bào người Dao tại Thạch An? Tôi hỏi Bí thư Chi bộ thôn Thạch An. “Tất cả đều nhờ vào tiếng nói, vai trò của người uy tín trong cộng đồng mà cụ thể ở đây là ông Bàn Văn Phòng”.
Bằng uy tín của mình, ông Bàn Văn Phòng đã đến từng nhà, gặp từng người để nói cho bà con hiểu về giá trị của chương trình xây dựng nông thôn mới. Muốn thoát khỏi cái nghèo chỉ có một con đường là cùng nhau xây dựng nông thôn mới. Ở đây, việc đầu tiên là hiến đất, mở rộng đường giao thông nội thôn. Để người dân tin và làm theo, ông Phòng tiên phong hiến hơn 400m2 đất, tự nguyện chặt cây, rỡ rào để mở rộng con đường trục chính trong thôn. Bên cạnh đó, em ruột ông là Bàn Văn Sơn cũng hưởng ứng bằng cách hiến hơn 800m2 đất cho công cuộc mở đường, xây dựng nông thôn mới.
“Ban đầu cũng khó khăn lắm.Người Dao mình cứ nghĩ rằng, hiến đất đi là mất nên không đồng ý. Chỉ đến khi ông Phòng bảo hiến đất mở đường là mở tương lai cho con cháu người Dao được ấm no, được văn minh thì người dân mới tin. Nhờ đó, chỉ trong hơn 2 năm, bà con trong thôn đã hiến hơn 6.000m2 đất để mở đường và bê tông hóa 100% đường giao thông nội thôn” – ông Đạt cho biết.
Ông Bàn Văn Phòng chia sẻ: “Mình có quan niệm, người uy tín trong đồng bào cũng giống như các Đảng viên, phải làm trước, gương mẫu, làm nhiều hơn nói thì người dân mới tin và làm theo. Khi người dân đã tin và làm theo không có gì là không làm được”.
Nói về vai trò của ông Bàn Văn Phòng – một người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số - trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của thôn Thạch An, Chủ tịch MTTQ xã Cẩm Liên Trương Công Huân khẳng định: “Bằng uy tín của mình, ông Phòng đã không ngại đến từng nhà vận động, tuyên truyền và hô hào bà con chung tay xây dựng quê hương, thôn bản. Có thể nói, trong thành công của thôn Thạch An hôm nay, có một phần đóng góp không nhỏ của ông Bàn Văn Phòng”.