Hiến kế xóa ‘vùng trũng’ văn học

Minh Quân 13/12/2021 06:20

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang thực hiện xây dựng 3 Đề án là Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2021 - 2025; Giải thưởng văn học quốc gia (giai đoạn 1 từ 2021 - 2023, giai đoạn 2 từ 2024 - 2025) và Phát triển tài năng trẻ về văn học. Đây được xem là giải pháp cần thiết để có nhiều tác phẩm văn học giá trị, cũng như xây dựng cơ chế đặc thù thu hút năng khiếu sáng tác văn học.

Nỗi lo về nhân lực

Theo báo cáo của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), hiện nay đội ngũ làm công tác văn học, nghệ thuật khá hùng hậu. Hiện Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 74 tổ chức thành viên với trên 40.000 văn nghệ sĩ. Hội Nhà văn Việt Nam hiện có 1.151 hội viên… Tuy nhiên, trước những thay đổi lớn, những bước ngoặt của đất nước những năm gần đây, người cầm bút ít theo kịp chuyển biến trong việc tiếp thu với cái mới, với sự đa chiều, phức tạp của hiện thực. Điều này đã ảnh hưởng tới tư tưởng, cảm hứng sáng tác và chất lượng nghệ thuật tác phẩm.

Một số cuộc thi của các hội chuyên ngành một vài năm gần đây đã không tìm được tác phẩm xứng đáng để trao giải. Thế hệ các nhà văn đi trước, trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vẫn nổi trội, số lượng tác phẩm đáng kể song chưa có nhiều bứt phá. Thế hệ các nhà văn trẻ nhiệt huyết, khát khao cống hiến song tác phẩm chưa được đánh giá cao. Tình trạng này cũng diễn ra ở đội ngũ làm công tác lý luận phê bình.

Với vai trò là đơn vị xây dựng Đề án, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn bày tỏ, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do hiện nay chưa có cơ sở pháp lý quy định để điểu chỉnh công tác văn học. Bên cạnh đó, đội ngũ viết văn hiện nay tương đối đông, song chủ yếu là các cây bút nghiệp dư, phần lớn không công tác trong các cơ quan nhà nước do đó ít chịu sự quản lý chặt chẽ bởi luật pháp.

Cũng theo ông Dương, hiện chúng ta chưa có định hướng để phát triển ngành, trong đó có việc đào tạo đội ngũ kế cận trẻ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viết văn hiện nay còn bộc lộ nhiều bất cập. Các đề án đào tạo với nước ngoài chưa có nguồn tuyển sinh. Khoa Viết văn thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội chưa phát huy được truyền thống của Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây. Do đó, chưa đáp ứng được những đòi hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.

Ngoài ra, kinh phí đầu tư về phát triển lĩnh vực văn học chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Thiếu các đề án mang tính chuyên sâu, giải quyết những vướng mắc về chất lượng nguồn nhân lực, về nâng cao trình độ chuyên môn. “Trong lĩnh vực giao lưu học hỏi kinh nghiệm quản lý, sáng tác với quốc tế cũng không được chú ý dẫn đến tính hội nhập không cao, các phương pháp sáng tác, quản lý không theo kịp với thời cuộc, không quảng bá được các tác phẩm ra công chúng nước ngoài” - ông Dương nói.

Xóa bỏ “vùng trũng” của văn học

Có thể nói, với một nền văn học đậm đà bản sắc thì lực lượng sáng tác lại đang tạo nên những “vùng trũng” cần được san lấp. PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, việc phối hợp quản lý và thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật giữa Bộ VHTTDL với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần chặt chẽ, hiệu quả, có chiến lược và phân công nhiệm vụ rõ ràng để hỗ trợ tốt nhất cho văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng.

Ông Quân cũng bày tỏ, rất đau lòng và xấu hổ khi gần đây chúng ta chưa có được những bài hát hay. Tuy nhiên, với sự đầu tư của Nhà nước, sự quan tâm của Bộ VHTTDL, đây sẽ là thời cơ để các nghệ sĩ trả lời rằng: “Chúng tôi sẽ phấn đấu để có những tác phẩm hay”.

Để Đề án phát huy được hiệu quả, ông Quân cũng góp ý, cần được đưa vào Chương trình mục tiêu về văn hóa để tạo cú hích cho sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà. “Nếu Chương trình được Thủ tướng phê duyệt, được Quốc hội thông qua trong năm 2022, từ đó các bên bắt tay, liên kết sáng tạo giữa nhà quản lý với giới văn học nghệ thuật thì sẽ tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ” -ông Quân nói.

Đồng quan điểm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Đề án này của Cục Nghệ thuật biểu diễn làm rất kỹ lưỡng nhưng nó không phải chỉ dành riêng cho một lĩnh vực. Bộ VHTTDL là người dựng ra đại lộ mà văn nghệ sĩ như là xe chuyển động trên đại lộ đó. Đại lộ đúng thì chuyển động đúng, đại lộ sai thì chuyển động sai, đại lộ quá hẹp thì chen chúc tắc đường. Chính vì thế, Bộ VHTTDL phải có Đề án dài rộng hơn cho tương lai.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng dẫn chứng, cách đây vài năm chúng tôi có nhận lời đề nghị của các bậc phụ huynh rằng: Các ông hãy viết một cuốn cẩm nang có bao nhiêu cạm bẫy trong cuộc đời để khi bước ra, các con của chúng tôi biết để né tránh. Nhưng nói thật, chúng tôi viết cuốn cẩm nang có 1.000 cạm bẫy thì ra đời nó lại gặp cạm bẫy thứ 1.001 và nó sẽ “chết” ngay ở cái cạm bẫy 01 đó. Chỉ khi chúng ta gieo vào những đứa trẻ, những bài học nhân văn, mỹ học và bao nhiêu điều khác, chúng mới phân biệt được đâu là ác, đâu là thiện. Đó mới là cuốn cẩm nang xuyên thời gian, xuyên qua mọi thách thức, chúng sẽ vững bước trong cuộc đời, không bị sa ngã. Văn hoá chính là làm ra cuốn cẩm nang đó.

NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Chọn người uy tín để đặt hàng

Tôi từng đề xuất thay đổi cách thức đặt hàng nhưng về phần kinh phí lại gặp khó khăn. Ví dụ như một trại sáng tác dàn đều kinh phí ra, một năm có 15 văn nghệ sĩ đi trại, phần lớn các hội cử đi những bác lớn tuổi, có nhu cầu đi gặp gỡ giao lưu là chính, phần sáng tác vừa phải, thế nên các tác phẩm xuất sắc chưa có. Vậy nên phải có hình thức đặt hàng khác, phải lựa chọn người có uy tín đặt hàng, chúng ta phải tin tưởng các nghệ sĩ đã thành danh, mạnh dạn đặt các tác phẩm theo yêu cầu của chúng ta. Phải mở trại sáng tác có yêu cầu cụ thể, viết theo cảm hứng thì không trúng vấn đề; phải có cú hích cho sáng tác như phải có hệ thông giải thưởng văn học, giải thưởng cho tài năng trẻ, văn học quốc gia,... hệ thống giải thưởng phải lớn, chứ bao năm qua bèo bọt quá.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Không nên tiếc tiền đầu tư cho văn hóa

Văn học nghệ thuật tựa như một thứ “sữa” để nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người. Vì lẽ đó, khi đã xác định đầu tư cho văn học nghệ thuật phát triển xứng tầm thì không thể… tiếc tiền. Nhà thơ Nguyễn Duy đã có những câu thơ lay động lòng người trong bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”: Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn. Có nghĩa là một đứa trẻ lớn lên nhờ hai phần, sữa và lời ca tiếng hát chính là văn học nghệ thuật. Đứa trẻ suy dinh dưỡng nhìn biết ngay, đứa trẻ què quặt tâm hồn thì không thể biết ngay được, và khi ta biết được thì nó đã thành những người phạm tội mất rồi. Thế nên không thể tiếc tiền, không cân đo đong đếm khi đầu tư cho văn hoá.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam: Cần phân bố lại thời gian các trại sáng tác

Bộ VHTTDL quan tâm đến các văn nghệ sĩ khi mở các trại sáng tác là rất tốt. Nhưng hiện nay, tình trạng phân chia thời gian ở các trại sáng tác không hợp lý. 80% anh em văn nghệ sĩ dự các trại sáng tác là để gặp gỡ, giao lưu. Vì thế, thời gian tổ chức 7 ngày, 15 ngày… không đủ cho mọi người có độ lắng để tìm tòi ý tưởng và thể hiện ra bằng tác phẩm. Ngày xưa, các nhà văn lớn đi thực tế 3 tháng mới ra được tác phẩm lớn. Ngày nay tham gia trại sáng tác 7 ngày, 15 ngày không viết được gì cả.

Hoàng Minh(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiến kế xóa ‘vùng trũng’ văn học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO