Hiếu học và bằng cấp

Hà Trọng Nghĩa 03/12/2020 13:30

Có thể nói, cơ sở đào tạo bán bằng, những đối tượng mua bằng đã xúc phạm đến truyền thống hiếu học của dân tộc.

Ảnh minh họa.

Ngày 1/12 tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016-2020. Các đại biểu thống nhất cho rằng các mô hình học tập của cả nước là những tấm gương sáng đẹp, tiêu biểu cho hàng triệu hội viên Hội Khuyến học, với 16 triệu gia đình, 84.000 dòng họ, 89.000 cộng đồng, 48.000 đơn vị học tập được bầu chọn từ cơ sở.

Phát biểu tại Đại hội, nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, vài chục năm trước nếu trong một dòng họ, một xã có một người học đại học là cả niềm vinh dự; thì hôm nay hầu hết con cháu các gia đình đều có thể học đại học, nếu vì lý do nào đó không thể đi học đại học ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông thì sau này vẫn có thể học đại học.

Tinh thần hiếu học được duy trì, thành tựu đã đạt được ngày hôm nay, theo Phó Thủ tướng đó là hồng phúc của đất nước. Cần phát huy tinh thần tự học, thực học và phải thấm sâu tinh thần “học không biết chán, dạy người không biết mỏi” như chỉ bảo của Bác Hồ.

Tới nay, không chỉ tự hào về thành tích của những đội tuyển dự thi Olympic quốc tế mà Việt Nam còn được thế giới đánh giá cao về phổ cập giáo dục. Từ mầm non cho đến bậc học phổ thông, ở đâu cũng có trường có lớp, kể cả những vùng cao, vùng sâu khó khăn vất vả.

Ngay cả ở những đảo nổi xa giữa sóng nước biển khơi cũng có trường lớp. Không đứa trẻ nào không được đến trường. Trẻ khuyết tật, trẻ bị di chứng chất dộc da cam cũng được học hành, đó là sự ưu việt của chế độ ta và cũng là tiếp nối truyền thống của dân tộc.

Thât tự hào và cảm động trước những bà mẹ ngày ngày đi nhặt ve chai bán lấy tiền nuôi con ăn học. Có những người cha không may lâm bạo bệnh, trước lúc nhắm mắt xuôi tay thì điều trăng trối cuối cùng cũng là con hãy cái cố gắng học để nên người.

Cha ông ta để lại cho muôn đời con cháu lòng hiếu học, trọng việc học. Không chỉ đến nay mới có tinh thần học suốt đời mà trong lịch sử nước nhà cũng đã có những tấm gương vằng vặc về việc học không bao giờ ngưng nghỉ.

Cụ Đoàn Tử Quang là người rất gần chúng ta thôi cũng là tấm gương sáng chói về sự học. Cụ sinh năm 1818, quê ở làng Phụng Đạt, xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ).

Mồ côi cha từ nhỏ, Đoàn Tử Quang lớn lên dưới sự dạy bảo của người mẹ đã thủ tiết thờ chồng nuôi con từ năm 20 tuổi và được triều đình ban biển “Tiết hạnh khả phong”. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lận đận trong thi cử, mãi tới năm 49 tuổi cụ mới lần đầu tiên thi đỗ Tú tài và đến năm 66 tuổi mới đỗ Tú tài lần thứ hai.

Khoa thi Canh Tý 1900, khi đã 82 tuổi, cụ Đoàn Tử Quang lại khăn gói lều chõng lên đường ứng thí. Tuổi cao như vậy nhưng cụ vẫn bền chí học hành thi cử, đỗ đạt với cụ không phải để ra làm quan theo lẽ thông thường mà để “tự mình khảo nghiệm sự học của bản thân”, như cách nói của chúng ta bây giờ.

Khoa thi năm ấy, cụ Đoàn Tử Quang ở vị trí 29 trong tổng số 30 người đỗ.

Từ chuyện của người xưa học tập suốt đời lại chạnh lòng nghĩ đến câu chuyện bằng cấp rất nóng những ngày qua. Đó là chuyện chỉ ở một trường đại học thôi (Trường ĐH Đông Đô) mà đã phát hiện ra 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh hoặc không đủ điều kiện. Trong số đó có 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.

Sự việc đáng xấu hổ này đã vấy bẩn môi trường học đường cao quý; đi ngược truyền thống hiếu học, thực học, tôn trọng học vấn của dân tộc. Họ không học nhưng lại muốn có thêm tấm bằng vừa “làm đẹp hồ sơ” vừa là để tìm cơ hội chiếm lẫy vị trí tốt để được bổ nhiệm, thăng chức, mua bằng để “làm quan”. Những “ông quan” như thế liệu năng lực thực đến đâu, giúp ích gì cho dân cho nước, hay chỉ để đục khoét làm giàu.

Có thể nói, cơ sở đào tạo bán bằng, những đối tượng mua bằng đã xúc phạm đến truyền thống hiếu học của dân tộc.

Nhân đây, cũng cần nói thêm một điều, đó là đã quá lâu rồi chúng ta vẫn duy trì việc tuyển dụng, bổ nhiệm dựa vào hồ sơ, trong đó có quy định nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ, mà bỏ qua việc thực học, thực tài. Cũng chính từ cách tuyển dụng, bổ nhiệm như vậy đã sinh ra nơi bán bằng, người mua bằng và cuối cùng là tạo ra lớp cán bộ không phải là công bộc của dân mà là đục khoét của dân.

Càng tự hào về những tấm gương học trò hiếu học, học giỏi; tự hào về những gia đình, dòng họ hiếu học thì lại càng căm phẫn những kẻ gian dối, tà tâm núp bóng con đường học vấn. Mà điều đó là không thể chấp nhận, phải thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiếu học và bằng cấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO