Hình ảnh Việt Nam rất tốt đẹp đối với cộng đồng quốc tế

Nhóm PV (thực hiện) 01/02/2021 06:51

Ngày 30/1, bên hành lang Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Lê Hoài Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại  giao đã có cuộc trả lời báo chí.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về hình ảnh vị thế Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế thời gian qua?

Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Việt Nam vốn được biết đến và được yêu quý vì là đất nước có nền văn hóa rất đặc sắc, có nhiều cộng đồng dân tộc, có lịch sử lâu dài. Thế giới biết đến Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng là dân tộc bất khuất đã giành được thắng lợi trong việc bảo vệ nền độc lập của mình trong suốt thế kỷ XX.

Sau khi giành được độc lập, Việt Nam được biết đến nhiều về thành tựu của quá trình đổi mới về phát triển kinh tế - xã hội, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, là đối tác thương mại trên thế giới. Ấn tượng rất lớn khi Việt Nam đóng góp tích cực và có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế như đăng cai nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC 17, vừa qua là Chủ tịch của ASEAN 2020.

Năm 2020 chúng ta là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và được đánh giá có đóng góp tích cực. Trong điều kiện khó khăn nhưng trong điều kiện có thể, chúng ta đã hỗ trợ về nhân lực thiết bị và kinh nghiệm trong phòng chống Covid-19 với các nước. Phải nói rằng hình ảnh Việt Nam hiện nay rất tốt đẹp đối với cộng đồng quốc tế.

Bảo vệ lãnh thổ biên giới, chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo là một nhiệm vụ tiên quyết, trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta. Vậy vấn đề này được nhắc đến như thế nào trong các nghị quyết, thưa ông?

-Mục tiêu đường lối đối ngoại của Việt Nam là giữ được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, tranh thủ được tốt nhất điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới, cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó cũng là mục tiêu nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Một mục tiêu đã được đề ra rất quan trọng là chúng ta kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đây cũng là điều được khẳng định, giữ vị trí hàng đầu trong đường lối đối ngoại của chúng ta trong nhiều Đại hội qua và trong Đại hội này.

Khi nói tới vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thì ở khu vực biên giới trên bộ có những công việc rất quan trọng là thực hiện các điều ước đã được ký kết giữa Việt Nam với ba nước láng giềng liên quan đến công tác hoạch định biên giới, phân giới cắm mốc. Thứ hai là liên quan tới vấn đề quản lý đường biên giới, quản lý cọc mốc và cọc dấu. Thứ ba là liên quan đến quy chế quản lý cửa khẩu, cộng với đó là làm sao để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa phối hợp với các nước biên giới trên bộ láng giềng để chống các hình thức tội phạm, đảm bảo an ninh, an toàn ở biên giới. Đó là khâu công tác rất quan trọng và tôi hy vọng rằng trong thời gian tới Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm để có thể phát triển kinh tế tại các vùng biên giới chứ không phải đơn giản chỉ khu vực biên giới.

Còn tuyến trên biển, theo Công ước Luật Biển 1982, chúng ta và các quốc gia ở Biển Đông cũng có lợi ích về hàng hải, hàng không. Quan hệ hợp tác, lợi ích không phải chỉ vấn đề thương mại, đầu tư, hàng không, tàu bè qua lại trên Biển Đông mà ngay cả vấn đề về nghiên cứu khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu, chống tội phạm.

Cho nên nó có cả lợi ích và sự hợp tác của các nước trong khu vực, các nước ven bờ Biển Đông và các nước ngoài khu vực. Tôi rất mong muốn trong thời gian tới, chúng ta sẽ tăng cường hợp tác theo nghĩa rất rộng, từ vấn đề hợp tác để khai thác các nguồn tài nguyên trên biển cho đến vấn đề hợp tác bảo vệ môi trường, hợp tác về chống biến đổi khí hậu, hợp tác về nghiên cứu khoa học, hợp tác về chống tội phạm. Đấy là điều mà tôi rất mong muốn là khi nói đến vấn đề biên giới lãnh thổ, ta nói đến vấn đề thúc đẩy hợp tác.

Bên cạnh đó, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là mong muốn cùng các nước có liên quan giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông.

Vậy ngành ngoại giao sẽ có những giải pháp gì để hiện thực hoá mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, thưa ông?

-Bộ Ngoại giao cùng với các bộ ngành, địa phương đã có nhiều đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội, đặc biệt là nội dung về đối ngoại. Trước hết, nội dung Nghị quyết phải được quán triệt trong Bộ Ngoại giao, phổ biến tới các ngành, địa phương, các đối tượng khác nhau; trong đó tập trung về nội dung, phương hướng và các biện pháp chính được đề ra liên quan đến công tác đối ngoại trong nhiệm kỳ tới.

Trong bối cảnh trên thế giới có những diễn biến phức tạp của an ninh phi truyền thống như: biến đổi khí hậu, dịch bệnh thì ngành ngoại giao đã làm và trong thời gian tới phải làm tốt hơn trong cảnh báo đối với đất nước về những thách thức đó, đồng thời tranh thủ sự hợp tác quốc tế.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hình ảnh Việt Nam rất tốt đẹp đối với cộng đồng quốc tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO