HIV/AIDS và cuộc chiến dập dịch

Miên Thảo 01/12/2020 08:30

Hôm nay, 1/12, Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS. Như vậy, đã qua 32 năm, kể từ ngày 1/12/1988, thế giới “có một ngày” cùng nhau chống đại dịch từng được cho là khủng khiếp nhất với nhân loại. Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS năm nay diễn ra vào lúc nhân loại đang phải gồng mình trước sự tàn phá của đại dịch Covid-19, với hơn 63 triệu người đã bị nhiễm cho tới thời điểm này.

Thế giới phát hiện người nhiễm HIV (từ đó thành bệnh AIDS) đầu tiên vào năm 1959. Tháng 12/1990, nghĩa là 31 năm sau Việt Nam cũng ghi nhận ca HIV đầu tiên, là một phụ nữ 30 tuổi. Vào thời điểm đó, HIV được coi là căn bệnh đáng sợ, vô phương cứu chữa, lây lan và gieo rắc cái chết cho những người xung quanh.

Người nhiễm HIV bị kỳ thị, xa lánh và đôi khi còn bị nguyền rủa. Ở Quảng Ninh, một thời gian dài những ngôi mộ với vòng hoa trắng của những người mắc AIDS chết trẻ thật thê lương vì không ai dám đến gần, kể cả người thân thích ruột rà.

Cũng chính sự kỳ thị bắt nguồn từ hiểu biết chưa đầy đủ về HIV/AIDS nên cuộc sống của những người nhiễm HIV hết sức cô độc. Bệnh tật lây lan nhiều hơn cũng từ chỗ thiếu hiểu biết.

Cùng nhân loại, Việt Nam bước vào cuộc chiến chống HIV/AIDS với tinh thần khẩn trương. Theo thời gian, nhận thức và hiểu biết về “căn bệnh thế kỷ” được nâng lên; cơ chế lây lan cũng được xác định cụ thể hơn, rõ ràng hơn; thuốc điều trị (ARV) cũng được dùng phổ biến hơn. Từ đó bệnh AIDS dần được khống chế, đẩy lùi.

Tới nay chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về những kết quả đạt được trong cuộc chiến chống Covid-19, thì có lẽ nhiều người đã quên thành tựu của Việt Nam trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Thực tế cho thấy, số ca lây nhiễm cũng như số người tử vong do AIDS ở nước ta thấp (tính trong tổng số dân); trong khi đó số người “sống chung với AIDS” một cách bình thường lại rất nhiều.

Nhìn lại, có thể thấy Việt Nam là một trong số ít những quốc gia có thành tích dập dịch tốt, trong đó có thể kể đến Covid-19, HIV/AIDS, SARS… Điều đó cho thấy y tế dự phòng của Việt Nam là rất tốt, cũng như quyết tâm chống dịch từ Chính phủ cho tới từng người dân là rất tốt.

Trở lại với đại dịch AIDS, một thông tin gần đây có thể coi là “đáng ngạc nhiên”. Đó là trường hợp của nữ bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam nhiễm HIV/AIDS, cách đây 30 năm, nay đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn có cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Cần nhắc lại rằng, y khoa thế giới từng cho biết kể từ khi phát hiện người mắc AIDS chỉ có thể sống được 5 đến 10 năm, cùng lắm là 20 năm. 1 ngày được sống đối với con người đã là quý, vậy mà tới 30 năm vẫn sống bình thường thì đó phải coi là điều kỳ diệu.

Điều kỳ diệu ấy đến từ nền tảng người nhiễm HIV/AIDS của nước ta được chăm sóc y tế tốt. Nếu một người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV sớm và tuân thủ điều trị thì vẫn có thể sống khỏe mạnh và có tuổi thọ tương đương người không nhiễm HIV.

Trong khi đó, thuốc ARV từng được cấp miễn phí tại bệnh viện huyện hoặc trạm y tế xã. Người nhiễm HIV có thể lĩnh thuốc hàng tháng về uống tại nhà; khi ổn định có thể 3 tháng đến cơ sở y tế lĩnh thuốc một lần. Việt Nam hiện là 1 trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thuỵ Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.

Câu chuyện về người đầu tiên nhiễm HIV vẫn sống khoẻ mạnh sau 30 năm ở ta cho thấy một điều rất cơ bản đó là phát hiện sớm và tuân thủ điều trị. Từ khi phát hiện có HIV, người bệnh này đã được theo dõi định kỳ và đến năm 1997 bắt đầu uống thuốc kháng virus (ARV).

Theo ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, nước ta hiện có khoảng 230.000 người nhiễm HIV, trong đó có 153.000 bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm nguy cơ tử vong.

10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; đồng thời kiểm soát tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.

Tới nay, nhận thức xã hội về HIV/AIDS đã được nâng cao, sự kỳ thị giảm hẳn và sự lây lan trong cộng đồng ở mức rất thấp. Điều đó một lần nữa cho thấy hệ thống y tế dự phòng lẫn điều trị của ta rất tốt, quyết tâm của Nhà nước trong ngăn chặn dịch, dập dịch rất cao, cùng đó là ý thức phòng dịch của người dân là rất đáng trân trọng.

Với tinh thần ấy, kết quả ấy, hy vọng cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của chúng ta sẽ kết quả hơn nữa, khi mà đến hôm nay, đã 90 ngày liên tục (đợt 2 của dịch) Việt Nam không phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng.

Hiện nay, HIV/AIDS được hiểu sâu sắc hơn như sau: HIV là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người. AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV được thể hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong. Thời gian từ khi nhiễm HIV đến biến chuyển thành bệnh AIDS tùy thuộc vào hành vi và đáp ứng miễn dịch của từng người, nhưng thông thường trung bình là trong khoảng thời gian 5 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    HIV/AIDS và cuộc chiến dập dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO