Hộ chiếu vaccine, cũng không dễ

Minh Thủy 25/05/2021 07:21

Với việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19 nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, nhiều nước trên thế giới; trong đó có khối EU dự định áp dụng hộ chiếu vaccine từ 1/7 tới, nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại cũng như khôi phục hoạt động kinh tế. Ở Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng cũng có thể áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Tuy nhiên, vẫn còn những cách đặt vấn đề khác nhau.

Ảnh minh họa.

Chưa ngã ngũ

Theo Chủ tịch Ủy ban Tự do dân sự của Nghị viện châu Âu Juan Lopez Aguilar, hộ chiếu vaccine của EU bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây. Hộ chiếu vaccine là chứng chỉ hợp nhất kỹ thuật số về tiêm phòng vaccine ngừa dịch Covid của EU, nhằm tạo ra biện pháp bảo vệ pháp lý mới mang lại sự tin tưởng không chỉ giữa các quốc gia thành viên, mà còn giữa các công dân về khả năng đi lại tự do vào mùa hè này.

Còn Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, cho rằng hộ chiếu vaccine sẽ tạo thuận lợi cho việc sớm đi lại, nhất là với du lịch. Vì vậy, tất cả các chính phủ các nước EU đều rất quan tâm đến việc thực hiện hộ chiếu vaccine này.

Tuy thế thì tới thời điểm này, “sáng kiến hộ chiếu vaccine” vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như vẫn vấp phải sự phản đối từ chính không ít người dân châu Âu.

Người phát ngôn của WHO Margaret Harris khẳng định, ở thời điểm hiện tại, WHO không muốn coi việc tiêm vaccine hoặc hộ chiếu vaccine là yêu cầu để xuất nhập cảnh bởi chưa có đủ cơ sở dữ liệu để đảm chắc chắn về hiệu quả ngăn ngừa lây truyền Covid-19 của vaccine hiện hành. Bên cạnh đó, với thực tế là có nhiều người không thể tiêm chủng vaccine Covid-19 vì những lý do khác nhau nên việc áp dụng hộ chiếu vaccine sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử.

“WHO vẫn chưa chắc chắn được liệu những người đã tiêm vaccine có còn bị nhiễm Covid-19 nữa hay không và vì thế vẫn có thể gây rủi ro cho những người khác” - ông Tarik Jasarevic, một quan chức WHO nhấn mạnh và thêm rằng cho dù số ca nhiễm ở châu Âu đã giảm 60% trong tháng qua, từ 1,7 triệu ca giữa tháng 4 xuống 685.000 ca tuần trước, nhưng xu hướng này khá mong manh giữa lúc các nước đẩy mạnh nới lỏng biện pháp hạn chế, mở cửa trở lại và nhiều nhóm tụ tập đông đúc.

Cần sự chuẩn bị rất chu đáo

Tại họp báo Chính phủ đầu tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai hộ chiếu vaccine. Sẽ nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét quyết định thời điểm phù hợp với quan điểm an toàn cho người dân được đặt lên hàng đầu bởi không có loại vacccine nào đạt hiệu quả 100%.

Mặt khác, hộ chiếu vaccine chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng. “Do đó khi áp dụng hộ chiếu vaccine, Việt Nam phải lưu ý, xem xét và có những thông tin hết sức đầy đủ để áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn” - ông Thuấn nhấn mạnh.

Để chủ động tấn công dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe người dân, ngày 18/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về việc mua vaccine phòng Covid-19. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vaccine; nhận chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước; tổ chức tiêm chủng cho hiệu quả, chủ động phòng ngừa sự cố và giải thích rõ khi có sự cố.

Cũng trong ngày 18/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine phòng dịch Covid-19, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân và toàn xã hội.

Như vậy là, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan chuyên môn được giao làm việc với các bộ, ngành liên quan để đưa ra phương án triển khai “hộ chiếu vaccine” tại Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), gọi là “hộ chiếu vaccine” nhưng thực chất đây là giấy chứng nhận cho một người đã tiêm đủ số mũi vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc theo cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Tấn cho biết, có một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng hộ chiếu vaccine. Đó là tiêm vaccine chỉ có tác dụng làm giảm, hạn chế tỷ lệ trầm trọng của bệnh khi mắc Covid-19. Trong khi đó, mỗi quốc gia sử dụng các loại vaccine phòng Covid-19 khác nhau như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik V, Johnson&Johnson… với hiệu quả bảo vệ khác nhau, có loại cao, loại thấp. Vấn đề đặt ra là chấp nhận vaccine nào?

Ông Tấn cũng cho rằng, Việt Nam là quốc gia “sạch” do kiểm soát tốt dịch, nhưng hiện tỷ lệ tiêm vaccine ở ta chưa đạt yêu cầu. Miễn dịch cộng đồng của người dân Việt Nam thời điểm hiện tại là gần như chưa có. Do đó, khi triển khai hộ chiếu vaccine thì cần phải quản lý chặt để không làm lây nhiễm dịch ra cộng đồng, nguy cơ không kiểm soát được.

Được biết, hiện một số địa phương như Quảng Nam, Phú Quốc đang đề xuất cho thí điểm áp dụng hộ chiếu vaccine với khách lưu trú ngắn ngày, chỉ chơi golf, nghỉ dưỡng không di chuyển. Tuy nhiên, đây cũng là mô hình thử nghiệm nhưng phải quản lý nghiêm ngặt người đến, đòi hỏi chính quyền địa phương, công an, cơ quan chủ quản phải quản lý rất chặt, không được để khách đi ra ngoài.

“Vừa qua có rất nhiều trường hợp khi vào khu cách ly, xét nghiệm lần 1 âm tính nhưng vài ngày sau xét nghiệm lại dương tính. Bởi vậy, nếu không quản lý chặt, những người này ra cộng đồng, nguy cơ lây lan dịch ra ngoài là hiện hữu” - ông Tấn cho biết.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án thực hiện “hộ chiếu vaccine”. Trong đó, nhóm đối tượng thứ nhất là người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài. Nhóm đối tượng thứ hai là những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Nhóm đối tượng thứ ba là khách du lịch quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hộ chiếu vaccine, cũng không dễ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO