Bà Phạm Thị Tươi, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, công tác ủng hộ đồng bào miền Trung phòng chống bão, lũ nên kết hợp với các địa phương hỗ trợ giúp đỡ đồng bào lâu dài.
Chiều ngày 21/12, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ tư, khoá IX, nhiệm kỳ 2019-2024, tiếp tục diễn ra với nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm góp ý vào dự thảo Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2020, Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2021 và một số dự thảo báo cáo chuyên đề trình Hội nghị.
Góp ý vào các dự thảo báo cáo, bà Phạm Thị Tươi, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong năm 2020, công tác tổ chức của Mặt trận đã có nhiều cải tiến trong cách thức thực hiện.
Ngay cả trong họp Đoàn Chủ tịch cũng như họp tại Mặt trận các tỉnh, thành đã có sự chuẩn bị chu đáo, tập trung vào việc lắng nghe ý kiến đại biểu. Tuy nhiên, bà Tươi góp ý, Mặt trận cần đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi công nghệ thông tin, đẩy mạnh số hóa vì hiện nay xã hội đang đẩy mạnh chuyển động số. Nếu cán bộ Mặt trận làm tốt việc này sẽ góp phần nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ Mặt trận cũng như tiết kiệm được khá nhiều chi phí hội họp.
Về công tác phòng chống dịch Covid–19, ủng hộ đồng bào miền Trung phòng chống bão lũ, ủng hộ phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL, bà Phạm Thị Tươi cho rằng, Mặt trận đã thể hiện tình đồng bào lớn lao hơn cả.
“Nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực tham gia đóng góp. Tuy nhiên, khi thực hiện Mặt trận nên kết hợp với các địa phương hỗ trợ giúp đỡ đồng bào lâu dài như xây nhà chống lũ, xây nhà kiên cố để khi lũ lụt xảy ra thì mọi người có thể đến lánh, trú an toàn đồng thời tránh việc hỗ trợ tự phát như một số cá nhân vừa qua.
Đánh giá cao báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2020, PGS.TS Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, sự tác động tích cực từ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc là điều kiện thuận lợi trong công tác Mặt trận năm 2020, được thể hiện ở việc toàn dân đồng lòng tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chung sức, chung lòng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục khó khăn do thiên tai, mưa lũ gây ra.
Góp ý vào nội dung báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS Lê Bá Trình cho rằng, một số nội dung báo cáo cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện báo cáo tổng kết.
Cụ thể, trong phần kết quả đạt được, MTTQ Việt Nam cần đưa đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động, phong trào vào trong báo cáo, bởi những Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”,... là xương sống của mọi phong trào của MTTQ Việt Nam.
Theo PGS.TS Lê Bá Trình, năm 2021, MTTQ Việt Nam cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như tuyên truyền, quán triệt, triển khai nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, tham gia đóng góp tích cực vào bầu cử Quốc hội, đại biểu Quốc hội và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Đồng thời, trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam cần phát huy vai trò của các ban tuyên giáo, các thành viên trong hội đồng tư vấn, cộng tác viên trong công tác tôn giáo, bởi đây là lĩnh vực rộng, nhạy cảm và công tác tuyên truyền vận động đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận.
“Làm tốt công tác vận động đoàn kết tôn giáo sẽ đem lại hiệu quả cao trong công tác Mặt trận”, ông Trình khẳng định.