Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ: Đưa hộ kinh doanh vào cuộc

Thanh Giang 10/06/2016 12:05

Ngày 9/6, tại TP HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức Hội thảo tham vấn về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Hỗ trợ SME phải sớm đưa hộ kinh doanh vào “cuộc chơi”. Đồng thời, tập trung hỗ trợ SME về thủ tục hành chính hơn là nguồn vốn.

Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ: Đưa hộ kinh doanh vào cuộc

Hộ kinh doanh sẽ được hưởng hỗ trợ để phát triển thành doanh nghiệp. (Ảnh: S. Xanh).

Nâng tầm chất lượng hộ kinh doanh

Góp ý cho dự thảo Luật Hỗ trợ SME, TS. Trần Du Lịch khẳng định các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông… có nhiều chương trình phát triển SME khá sớm, còn Việt Nam thì quá chậm. “Quan tâm SME không phải vì cộng đồng DN này yếu thế mà phải xem phát triển SME là chiến lược quan trọng của quốc gia trong phát triển”- ông Lịch nói. Theo ông Trần Du Lịch, trong thời gian tới nếu có điều kiện tốt để Luật Hỗ trợ SME chính thức đi vào cuộc sống cần phải chú trọng đến hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Bởi vì, hiện nay cả nước có 550.000 DN đăng ký nhưng có 3 triệu hộ sản xuất kinh doanh không đăng ký hình thức hoạt động DN, riêng TP HCM có gần 300 ngàn hộ nhỏ và siêu nhỏ.

Hướng đến phát triển hộ kinh doanh cá thể theo quy mô lớn hơn, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội SME Việt Nam than phiền, hiện nay quá nhiều bằng chứng chứng minh khu ngoài DN phải chi chi phí không chính thức cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Sắp tới nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Hỗ trợ SME để đáp ứng các điều kiện tiếp cận nguồn hỗ trợ cho đối tượng này, đồng thời giảm một lượng lớn chi phí không chính thức. Hỗ trợ tốt các hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN sẽ tăng cao, thay vì tỷ lệ tăng trưởng khoảng 25% như hiện nay.

Tại hội thảo một số quan điểm khác cho rằng, nếu Luật Hỗ trợ SME hướng đến các hộ kinh doanh cá thể thì việc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh hoàn toàn đơn giản. Từ đó tạo ra một cộng đồng DN lớn mạnh và mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN không quá khó. Đơn cử, tại TP HCM có nhiều cơ sở khuôn mẫu, cơ khí chỉ đăng ký kinh doanh chứ không đăng ký DN nhưng hiệu quả lại lớn hơn nhiều so với mẫu tự phong công ty nọ, công ty kia. Theo đại biểu của các tỉnh – thành, ngay từ bây giờ ngoài việc chú trọng vào các SME hiện có cần phải quan tâm hơn nữa đến đội ngũ hộ kinh doanh cá thể bị bỏ quên. Làm mới bằng các điều kiện hỗ trợ và nâng cấp hộ kinh doanh là điều nên làm để tạo nên một cộng đồng DN đông đảo, chất lượng. “Chính phủ đưa ra mục tiêu đến 2020 cả nước có một triệu, chính vì vậy sắp tới chúng tôi hướng đến khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang DN. Không thể để những đối tượng này đứng ngoài cuộc chơi được”- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Hỗ trợ vốn hay thủ tục hành chính?

Câu hỏi đặt ra hiện nay là hỗ trợ vốn hay hỗ trợ thủ tục hành chính cho SME? Thực sự SME đang cần gì? Đại diện Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, Việt Nam có đông đảo đội ngũ SME. Dự báo, môi trường kinh doanh càng thông thoáng và dễ thở thì số lượng DN một thành viên ngày càng nhiều. Điều này chứng tỏ DN yếu về năng lực là chính trong khi cộng đồng SME nhận được quá ít sự hỗ trợ về chính sách thụ hưởng.

Ông Nguyễn Văn Thanh - đại biểu tỉnh Vĩnh Long cho rằng, thời gian qua SME tiếp cận rất thấp các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Cụ thể, thấp nhất là 2% cao là 21%, tỷ lệ thụ hưởng nhiều nhất là 15%. SME phải được thụ hưởng ở mức cao hơn và không nên xem đây là quyền lợi DN mà chính là trách nhiệm của nhà nước. Thiết nghĩ, phải tập cải cách thủ tục hành chính, đất đai, tín dụng, thuế , hỗ trợ liên quan đến phát triển công nghiệp… “Tiêu chí hỗ trợ cần phải rõ ràng tránh xin - cho giữa hai bên. Nhìn chung, DN đang trông chờ sự hỗ trợ về chính sách mà cụ thể là thủ tục hành chính hơn là vốn đầu tư. Thiếu vốn DN có thể xoay sở được, còn thủ tục nhiêu khê sớm muộn gì DN cũng bỏ “cuộc chơi”- ông Thanh nêu cụ thể mong muốn của cộng đồng SME.

Đồng quan điểm về việc Luật Hỗ trợ SME chú trọng hơn vào cải cách và đơn giản hóa thủ tục, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định, SME có thể cần chính sách về thủ tục hơn là nguồn vốn. Ông Phúc lý giải, SME không chỉ quan tâm đến nguồn lực tài chính còn mong muốn những thủ tục thật đơn giản. “Hỗ trợ bằng môi trường thuận tiện, thủ tục thuận tiện để DN chớp thời cơ mới quan trọng. Còn hỗ trợ bằng ngân sách cũng cần thiết nhưng không phải là vấn đề cốt lõi nhất. Đơn giản thủ tục hành chính góp phần lớn tăng năng lực cạnh tranh cho DN ”- ông Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ: Đưa hộ kinh doanh vào cuộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO