Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải. Lý do được đưa ra là do giá nhiên liệu lên cao nên các loại hình kinh doanh vận tải gặp khó khăn vì chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành chiếm từ 35-45% (tùy loại hình vận tải).
Thời gian qua giá xăng dầu tăng mạnh nhưng giá cước vận tải nhìn chung vẫn không tăng, hoặc tăng ít, trừ cá biệt doanh nghiệp đặt thêm phí, phụ phí. Tuy nhiên, sức chống chịu của vận tải (hàng hóa và hành khách) đã “yếu dần”, từ đó một số doanh nghiệp đã tăng giá cước. Cụ thể, tại Hà Nội, thông tin từ Sở Giao thông vận tải cho biết, tính đến nay đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên toàn thành phố chỉ có 9/50 đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định với mức tăng giá, dao động từ 10-20%; 8/73 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng taxi với mức giá tăng dao động từ 5-12%.
Đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, trước thời điểm dịch Covid-19, Hà Nội có 17.260 xe của 114 doanh nghiệp nhưng hiện chỉ còn khoảng 64 doanh nghiệp hoạt động, các doanh nghiệp đã phải bán khoảng 8.000 xe để cắt lỗ. Không đủ sức để “gồng gánh”, nhiều doanh nghiệp đã phải cơ cấu lại nợ ngân hàng, hoãn giãn thuế, chậm nộp thuế. Khó khăn như vậy là đã rõ.
Hiện nay, theo quy định pháp luật, kinh doanh vận tải bằng ô tô là việc sử dụng ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Tương tự các hoạt động kinh doanh khác, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng ô tô phải nộp lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, theo đề nghị của Tổng cục Đường bộ, thì 2 loại thuế chính xin được giảm là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trước đề nghị này, những ý kiến đồng thuận cho rằng hiện không chỉ giá xăng dầu cao, biến động khó lường mà giá các loại hàng hóa, dịch vụ cũng đều tăng, xuất hiện dấu hiệu lạm phát. Dịch vụ vận tải cũng cần được hỗ trợ để ghìm giá, mà việc giảm thuế là tích cực nhất.
Trái lại, cũng không ít ý kiến cho rằng trong bối cảnh chung, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh cùng gặp khó khăn chứ không riêng gì ngành nào. Nếu như chi phí nhiên liệu chiếm tỷ lệ cao trong chi phí giá thành của vận tải đường bộ, thì cũng cần phải nhận thấy rằng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để ghìm giá, giảm giá. Đó là việc trích Quỹ bình ổn xăng dầu, giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn và đang nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
Tính từ 1/7 tới nay, đã 3 lần giá xăng dầu giảm liên tiếp. Nếu như lần đầu giảm “nhỏ giọt”, thì 2 lần sau đều giảm mạnh, được cho là đã ở ngưỡng “chấp nhận được”. Mức giá này này sẽ giúp giá hàng hóa hạ nhiệt, doanh nghiệp bớt áp lực trong hoạt động sản xuất nửa cuối năm (từ ngày 21/7, xăng E5RON92: không cao hơn 25.073 đồng/lít; xăng RON95-III: không cao hơn 26.070 đồng/lít; Dầu diezen 0.05S: không cao hơn 24.858 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 16.548 đồng/kg).
Vì thế, với mức giá xăng dầu ở ngưỡng “tạm chấp nhận được” mà lại giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vận tải, thì cần phải xem xét kĩ lưỡng.
Nói riêng trong lĩnh vực vận tải, thì cũng không chỉ có vận tải đường bộ, mà còn vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không. Các loại hình vận tải ấy cũng đều phải chịu áp lực của giá nhiên liệu cũng như áp lực đến từ việc hàng hóa lên giá. Nếu như giảm thuế cho vận tải đường bộ thì cũng cần giảm thuế cho vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không. Mà như thế, câu chuyện sẽ rất khác. Bên cạnh đó, cũng cần nhận thấy rằng nếu được hỗ trợ bằng cách giảm thuế đi chăng nữa thì cũng không chắc giá cước vận chuyển đã giảm. Thực tế cho thấy khi đã định hình mặt bằng giá mới thì hầu như không thể kéo xuống.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, kinh tế khu vực và kinh tế trong nước đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, việc hỗ trợ cần đi đôi với chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Không ngành nghề nào không cần hỗ trợ, nhưng nhiều chuyên gia tài chính cho rằng cách hỗ trợ tốt nhất, bền nhất chính là tháo gỡ những điểm nghẽn chính sách để doanh nghiệp tái cơ cấu phát huy nội lực.
Vì vậy, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, rất cần được cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc thấu đáo.