Ngày 13/7, tại Hội nghị Trực tuyến công tác Dân vận trong hoạt động hòa giải , Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, để hòa giải thành, không chỉ có hiểu biết pháp luật và chuyên môn sâu, điều quan trọng là mỗi hòa giải viên cần có tấm lòng nhân ái và thiện tâm.
Ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, hòa giải là một thiết chế đa năng, giải quyết hòa thuận tất cả các xung đột trong đời sống, tạo sự đồng thuận, giữ gìn tình đoàn kết trong xã hội. Thời gian qua, Tòa án nhân dân các cấp đã tiến hành thí điểm hoạt động hòa giải tại một số địa phương, thu được nhiều kết quả rất tích cực. Trên cơ sở đó, Tòa án đã xây dựng Luật hòa giải, được Quốc hội ủng hộ, bỏ phiếu với kết quả tán thành rất cao (trên 90%).
Người đứng đầu TAND tối cao cho biết, thực chất, hòa giải tại Tòa án chính là công tác dân vận. Để hòa giải thành, không chỉ có hiểu biết pháp luật và chuyên môn sâu, điều quan trọng là mỗi hòa giải viên cần có tấm lòng nhân ái và thiện tâm. Từ thực tiễn, tất cả các vụ án hòa giải thành đều có phương pháp dân vận khéo ở trong đó, là phương pháp vận động, đụng chạm đến trái tim, làm thức tỉnh lòng cao thượng, sự vị tha, sẵn sàng chia sẻ, cảm thông của các bên tranh chấp, từ đó có được sự thành công.
Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, để thiết chế hòa giải tại Tòa án cũng như tại cơ sở có được sự thành công, trách nhiệm và tấm lòng của các hòa giải viên là yếu tố đặc biệt quan trọng.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị, tất cả Tòa án, đặc biệt các Thẩm phán trong hệ thống Tòa án cần xem nhiệm vụ hòa giải như một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng để không chỉ giải quyết nhiệm vụ chuyên môn mà còn các nhiệm vụ dân vận của Đảng với tư cách là Đảng viên. Theo đó, các thẩm phán phải tham gia đầy đủ, trách nhiệm tất cả các thiết chế hòa giải, từ hòa giải cơ sở, đến hòa giải tại Tòa án và các thiết chế hòa giải theo tố tụng.
Trong thời gian còn lại, trước khi Luật Hòa giải đi vào thực tiễn áp dụng, ông Nguyễn Hòa Bình mong muốn, Ban Dân vận của các địa phương, các cấp ủy quan tâm chỉ đạo, đưa Bộ luật này vào cuộc sống. Việc quan tâm của các cấp ủy thông qua chỉ đạo, bố trí nguồn lực, nhân lực thực thi các yêu cầu của Luật Hòa giải là rất quan trọng, giúp phát huy hết hiệu quả của các quy định pháp luật.
“Trong tương lai, công tác hòa giải sẽ trở thành một xu thế phổ biến, nổi trội trong đời sống của nhân dân, bởi đây là tiêu chí của một xã hội văn minh, thân thiện”, ông Nguyễn Hòa Bình tin tưởng.