Từ 5 năm nay, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình đã tìm hiểu về chiếc áo dài, nhận ra những chiếc áo dài ngày nay khác xa với áo dài xưa.
Là người hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Đức Bình đã cùng anh em trong Câu lạc bộ (CLB) Đình làng Việt đi sâu nghiên cứu, may mặc, quảng bá loại trang phục này. Cho đến nay, hình ảnh chiếc áo dài theo đúng truyền thống dân tộc Việt ngày càng lan tỏa rộng rãi trong các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa…, Đại sứ Phạm Sanh Châu cùng các thành viên trong Đại sứ quán đã sử dụng phục trang này cho các dịp lễ, Tết, đại lễ, các chương trình ngoại giao quan trọng.
PV:Bắt đầu từ đâu mà anh quyết định đi sâu vào việc tìm hiểu chiếc áo dài người Việt?
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình: Sau 5 năm nhìn lại khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay, ban đầu là phát hiện ra áo dài Việt Nam tức là áo dài theo đúng truyền thống (không phải là áo dài hiện đại được họa sỹ Cát Tường cách tân và các loại áo sau này mà chúng tôi gọi là áo dài hiện đại) vô cùng là đẹp, rồi bỗng nhiên so sánh thấy xã hội đang phổ biến rộng loại áo nam may theo kiểu Ấn Độ lòe loẹt, sai kiểu dáng… do đó chúng tôi đã cùng nhau tìm hiểu về áo dài truyền thống. Càng tìm hiểu chúng tôi càng vỡ ra nhiều điều và nhận thấy thực sự những gì về áo dài hôm nay khác xa áo dài ngày xưa.
Để may một chiếc áo dài như hiện nay, các anh đã tìm hiểu cụ thể ra sao?
- Đầu tiên chúng tôi nhận thấy rằng cách mặc của các cụ ngày xưa rất tinh tế, cách may tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng hóa ra không phải vậy. Chúng tôi phải tìm đến những chiếc áo cổ, những chiếc áo được may chuẩn để tìm hiểu về kiểu dáng và thường xuyên đặt ra những câu hỏi mà trong sách vở không giải thích như: áo có 5 thân, tay chẽn ở cửa ống tay, cổ đứng, 5 khuy cài chéo, dáng áo chữ A, vạt trước hình cánh cung... rồi áo cặp, áo kép, áo the, áo sa, khăn quấn đầu… nói chung rất nhiều vấn đề mà vấn đề nào cũng có câu chuyện liên quan tới công năng và yếu tổ thẩm mỹ của nó mà tôi tin chắc đã được định hình từ mấy trăm năm mới tạo ra chiếc áo như vậy. Chúng tôi đã phải tự mình đi may, rồi mặc để trải nghiệm mà tìm ra các yếu tố mà các cụ đã tạo ra nhưng chưa kịp đúc kết để giải mã tại sao nó phải thế. Ví dụ như một câu hỏi chúng tôi phải giải mã đó là: Tại sao áo dài hiện nay được các nghệ sỹ mặc trên sân khấu truyền thống lại khác áo dài ngày xưa, tại sao bản thân chúng tôi thấy áo dài phổ biến ở thôn quê lại không đẹp, người ta lại mặc rất tùy tiện, thiếu thẩm mỹ… đó là do phần lớn bây giờ đều mặc áo dài thiết kế nhân vật sân khấu từ những năm 50 cho các vai lý trưởng, cương hào, áo đều không đúng và không đẹp. Nhưng do một thời gian dài không có sự tiếp xúc với tư liệu, hiện vật áo đẹp và chẳng ai may đúng nữa nên người ta lấy mẫu từ áo sân khấu truyền thống để mặc. Khi phát hiện ra vấn đề này chúng tôi đã phải điều chỉnh các may, cách mặc như không mặc áo có thêu, hoa văn lòe loẹt, không mặc áo có tà quá dài, cửa tay quá rộng, áo phải có các đặc điểm kỹ thuật may đúng để tạo cho dáng áo cứng cáp.
Những khó khăn và thuận lợi mà anh và nhóm đã trải qua khi thực hiện dự án này?
- Khó khăn nhất là là nghệ nhân may áo đúng kiểu, chúng tôi đã phải cất công đãi cát tìm vàng. Rất may mắn đúng thời điểm chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về áo dài ngũ thân thì có những bạn trẻ cũng bắt đầu sự nghiệp, niềm đam mê may áo dài ngũ thân như bạn Trần Nguyễn Trung Hiếu, bạn Trần Lê Trung Hiếu ở TP.HCM. Đây là hai bạn trẻ nhưng rất đam mê cổ phục và may rất đúng, rất đẹp. Chính các bạn ấy là nguồn sáng cuối đường hầm mà chúng tôi tìm được. Nhiều bạn trẻ trong CLB Đình làng Việt đã may áo dài của các nghệ nhân này, tôi cũng tìm cách “ăn theo” vài bộ. Trong khi đó ở Hà Nội, Huế hầu như vắng bóng những nghệ nhân may được áo dài như chúng tôi mong muốn. Về làng Trạch Xá tìm nghệ nhân may mấy lần chúng tôi mới tìm được anh Đỗ Minh Tám, anh đã đồng ý hợp tác với chúng tôi trong việc may áo dài ngũ thân đúng kiểu, với giá thành hạ để nhiều người có thể may được.
Khi có nghệ nhân rồi thì vấn đề chất liệu vải may cho phù hợp, giá thành rẻ cũng là điều chúng tôi mất rất nhiều công. Chúng tôi đã tìm nhiều nguồn vải ở chợ và may thử rồi tư vấn cho mọi người. Chúng tôi cũng đã mò đến các làng dệt để tìm hiểu các sản phẩm vải. Lụa là chất liệu may áo dài rất phù hợp nhưng ở Việt Nam giá thành lụa rất cao, lụa để may áo dài nam thì rất hiếm. Trong khi đó vải truyền thống của Hàn Quốc lại rất hợp may áo dài. Để có một bộ áo dài mặc đẹp ít nhất giá cũng hơn 1 triệu đồng, cao nhất cũng lên tới gần 10 triệu đồng hoặc hơn. Giá công may một chiếc áo dài từ 300 ngàn và có thể lên đến gần 3 triệu đồng. Trong khi đó, ngoài thị trường các loại áo bán đại trà may sẵn hơn 100 ngàn, áo dài nam cách tân cũng hơn 100 ngàn đồng. Vậy vấn đề phổ cập áo dài may đúng, may đẹp theo truyền thống là điều vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, áo dài truyền thống của nam giới còn bị nhiều thế hệ đè lên nó biểu tượng của chính trị chứ không phải là biểu tượng của văn hóa, di sản của cha ông. Những nhà quản lý còn thờ ơ, kém mặn mà. Chính vì vậy để xã hội nhận thức về giá trị thẩm mỹ, văn hóa của áo dài là một con đường rất gian nan.
Hiện nay, thuận lợi nhất trong việc quảng bá áo dài truyền thống đó là từ giới trẻ. Trong quá trình hội nhập, giao lưu với thế giới, thế hệ trẻ Việt Nam đã nhận thức được vị thế đất nước, tinh thần dân tộc, sự thể hiện bản sắc văn hóa trong dòng chảy toàn cầu hóa. Song song với việc tiếp thu văn minh, trào lưu nghệ thuật của thế giới thì các bạn trẻ còn tự tìm hiểu về lịch sử văn hóa, trong đó có tìm hiểu may, mặc trang phục áo dài truyền thống. Không những thích mặc, nhiều bạn trẻ còn tham gia may, sản xuất, kinh doanh sản phẩm áo dài. Chính vì lẽ đó, khi vận động, quảng bá thì giới trẻ là lực lượng mạnh, bản lĩnh, tự tin và họ mặc rất đẹp.
Anh có thể chia sẻ về mẫu thiết kế áo dài mà các anh đang quảng bá?
- Chúng tôi không thiết kế, hiện nay hầu như các nghệ nhân vẫn cắt may theo hình dáng của áo dài ngũ thân truyền thống đã có từ thời Nguyễn. Về cơ bản, áo ngũ thân có kết cấu: 2 mảnh vải liền (chập làm 4 thân), 1 mảnh vải rời ghép với nhau tạo thành thân thứ 5. Chiều dài vạt áo quá đầu gối, vạt trước và vạt sau rộng; cổ áo đứng (nữ 2cm, nam 4cm); tay áo liền vai, rộng ở nách, thu hẹp ở đầu ống tay nên gọi là áo tay chẽn; 5 khuy áo cài bên phải chéo xuống nách và eo, tùy điều kiện và địa vị của người mặc mà chất liệu làm khuy áo khác nhau. Trang phục áo ngũ thân truyền thống không thể thiếu khăn quấn đầu, người ta luôn phải mặc áo lót mầu trắng bên trong. Chất liệu may áo phổ biến là vải lụa tơ tằm, đa dạng về mầu sắc và hoa văn trang trí.
Hiện nay chúng tôi vận động điều chỉnh cách may, mặc cho phù hợp với đời sống, như quần ống hẹp chút nhưng không được quần bó, mầu sắc áo thay đổi nhưng hạn chế thêu, vẽ, trang trí lòe loẹt, phải giữ được sự giản dị, kín đáo. Chúng tôi không khuyến khích đi guốc mộc, đi hài, đi hia mà đi giầy da (giầy Tây), không khuyến khích đeo kim bài, kim khánh. Một đặc điểm trong bộ trang phục mà chúng tôi vận động mặc là đầu phải có khăn. Không dùng khăn đồng mầu với áo.
Chúng tôi cũng đang khuyến kích các nghệ nhân tìm tòi, sáng tạo trên nền trang phục áo dài truyền thống này, nhưng phải bám sát các đặc điểm, giữ được bản sắc văn hóa, tránh sự lai căng, đi ngược với tinh thần và bản sắc văn hóa Việt Nam.
Một chiếc áo dài đậm chất Việt, theo anh, bao gồm những yếu tố, đặc điểm gì?
- Hiện nay, cùng với nhiều biểu tượng văn hóa truyền thống của Việt Nam, do sự tác động kinh tế, sự đứt gãy về văn hóa cũng thiếu hụt về giáo dục thẩm mỹ, áo dài đã bị biến đổi rất nhiều. Tiếc thay sự biến đổi này hoàn toàn xa rời bản sắc văn hóa Việt, nhưng nó vấn được mang tên áo dài truyền thống.
Vậy bản sắc văn hóa trên trang phục áo dài là gì? Câu hỏi này của tôi được một nhà thiết kế áo dài có tiếng ở Hà Nội trả lời: Áo mặc phù hợp với bối cảnh, áo được may bằng chất liệu Việt Nam, cúc được chính bàn tay người thợ Việt Nam làm ra và hoa văn trên áo là hoa văn truyền thống của người Việt Nam.
Vậy, áo veston/sơ mi may bằng vải tơ tằm Vạn Phúc, cúc do người thợ chạm bạc Đồng Xâm làm, hoa văn trên áo có hình trống đồng Đông Sơn thì vấn đề bản sắc văn hóa của đàn ông Việt mặc áo veston/sơ mi kia ở chỗ nào nếu người ta không biết các nguyên vật liệu làm ở đâu, do ai làm, và hoa văn ấy của Việt Nam?
Chúng tôi mạo muội đưa ra một số yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa mà lấy áo dài nam truyền thống làm ví dụ. Những yếu tố này được hình thành và cộng hưởng từ kiểu dáng, ứng xử của người mặc.
Kiêm nhường: Đặc tính này thấy rõ trong cách may, mặc áo dài ngũ thân. Trang phục áo ngũ thân đàn ông Việt luôn có xu hướng giấu mình, khiêm tốn, chính vì lẽ đó nếu mặc áo gấm, áo có mầu sắc mạnh thì người mặc đã mặc tấm áo the đen ra ngoài để tránh sự tiếng khoe khoang, phù hợp và dễ hòa hợp với những người xung quanh nhưng vẫn tạo ra sự sang trọng ẩn chứa bên trong.
Kín đáo: Với lễ phục, trang phục phải che kín thân, chân, tay khi thực hiện các nghi lễ, do đó với áo dài ngũ thân cũng tiếp thu những đặc điểm này. Áo ngũ thân của đàn ông thường có tà trước và tà sau rất rộng (độ rộng tùy theo thân hình người mặc). Có vạt áo may rộng tới 86cm. Vạt áo rộng có chức năng che phủ thân và chân. Thói quen đàn ông khi ngồi ghế cao chân dạng rộng bằng vai, hình chữ V (với nữ thì chân khép lại) do vậy để che kín chân người ta phải lấy vạt trước của áo phủ trùm lên hai đầu gối. Do kết cấu áo có 5 thân (2 thân trước (vạt trước), 2 thân sau (vạt sau), 1 vạt trong (vạt trong)), vạt thứ 5 bên trong, ngoài công năng để giữ kín hông (đường cài cúc áo) thì thân áo này có chức năng người mặc khi ngồi có thể kéo tà này ra rộng để che kín chân, rất thuận tiện. Đặc điểm này thấy rõ lịch sự, kín đáo, tôn trọng người đối diện.
Phong thái đĩnh đạc: Do ngày xưa khổ vải nhỏ (rộng nhất 55cm) nên người thợ phải nghĩ ra cách may chắp vải để tạo thành vạt trước, vạt sau áo, cách này để lại đường ghép trước và sống sau áo. Chính kỹ thuật này đã sự cứng cáp cho chiếc áo và nó cũng là điểm nhấn của áo, giúp hình dáng áo choãi hình chữ A vững chãi, không bị bó sát thân. Đối với áo may bằng loại vải cứng người ta còn tạo thêm 2 ly trước (gấp nếp hoặc là) để khi mặc áo phẳng, cứng cáp, tôn dáng người mặc. Đặc điểm hình như vậy giúp người mặc mang một phong thái nghiêm trang, oai vệ, đĩnh đạc và khỏe mạnh, nam tính.
Thầm mỹ tinh tế: Qua kết cấu tạo hình áo, cách phối mầu (như đã trình bày trên phần đặc điểm áo), xử lý các chi tiết và cách mặc để phù hợp với công năng sử dụng đã thể hiện thẩm mỹ hết sức tinh tế trên áo ngũ thân của đàn ông Việt. Có một chi tiết nữa rất đáng quan tâm đó là chiếc khăn quấn đầu. Đây là chi tiết tưởng nhỏ trên trang phục, nhưng nó bộc lộ thẩm mỹ, cách ứng xử của người mặc với những người xung quanh. Người xưa luôn quấn khăn mầu đen hoặc khăn mầu đậm trên đầu ngoài việc làm gọn tóc nó còn làm cho khuôn mặt sáng hơn, thanh thoát hơn. Ngày nay khăn còn khắc phục các nhược điểm về tóc của người đàn ông. Khăn mầu đậm, giầy mầu đen và sự nhấn nháy trên trang phục tạo thêm sự sang trọng, lịch lãm cho người mặc.
Các anh đã làm như thế nào để thay đổi tư duy, thói quen cũng như ưa tiện lợi của người Việt khi mặc áo dài mà rất ít quan tâm đây có phải là chiếc áo dài thuần Việt không?
- Qua những người đến với Áo dài truyền thống, chúng tôi thấy rằng hầu hết những ai đã đến là không đi, tức là đã thử khoác áo dài truyền thống lần thứ nhất thì sẽ mặc lại lần thứ hai, đã có chiếc áo đầu thì sẽ muốn có thêm một chiếc áo nữa. Và đặc biệt khi đã mặc áo cách tân theo kiểu Ấn Độ rồi thì chắc chắn họ sẽ chuyển sang áo truyền thống. Đây là vấn đề nhận thức. Nhận thức của mọi người trước đây yêu mến áo dài nhưng chưa biết đúng, sai, nhưng đã hiểu và thấy nó đẹp thì mọi người đều thay đổi. Đặc biệt khi vận trang phục áo dài đúng truyền thống thì mọi người đều thấy tự tin, thấy đẹp bởi nếu được mặc đúng, thì tiện lợi, phù hợp với không gian và khí hậu.
Hiện nay CLB chúng tôi đã có thói quen, đã tham gia sự kiện là mặc áo dài.
Để hình thành lên chiếc áo dài, các anh đã qua các khâu nào, từ thiết kế, chọn vải, màu sắc đến may?
- Thường nhiều người nhờ tư vấn may áo dài cho chuẩn, cho đẹp thì trước tiên chúng tôi phải biết họ là ai, độ tuổi nào? Sinh sống ở đâu? Công việc thường xuyên của họ? Hoàn cảnh kinh tế… để chúng tôi tư vấn cho chính xác như xác định họ phù hợp với loại áo nào, chất liệu ra sao?
Áo dài truyền thống là theo kiểu dáng của các cụ chứ nghệ nhân không thiết kế ra được. Nghệ nhân/ người may có thể thêm, bớt một chút kiểu dáng theo thói quen hoặc quan niệm của họ khi cắt, may áo dài. Còn áo dài được may sau những năm 1930 của họa sỹ Cát Tường cũng như các nhà thiết kế hiện nay chúng tôi coi đó là áo dài hiện đại, gắn với dấu ấn của người thiết kế.
Chúng tôi luôn khuyến khích cộng đồng may các loại vải ít hoa văn trang trí, mầu sắc có thể thay đổi, nhiều mầu khác nhau theo ý thích của từng người nhưng cần phải thể hiện sự tinh tế. Bản thân xác định chiều dài của áo chúng tôi cũng rất cân nhắc. Áo nam chỉ dài quá đầu gối 7cm, nếu dài quá sẽ không đẹp, ngắn quá cũng không ra áo dài mà ra trang phục khác. Với áo nữ có thể may dài hơn áo nam, hoa văn trang trí có thể nhiều hơn…
Công chúng trong nước cũng như bạn bè quốc tế đón nhận những chiếc áo dài này như thế nào?
- Đại sứ Saadi Salama (Đại sứ Palestine tại Việt Nam) trả lời phỏng vấn về áo dài trên Báo Thể thao & Văn hóa ngày 24/11/2019 ông đã chia sẻ: "Hiện nay trong các sự kiện ngoại giao, các ngày lễ, đàn ông Việt Nam mặc các kiểu khác nhau; còn phụ nữ dù phần nhiều mặc áo dài nhưng mỗi người lại một kiểu, khiến người nước ngoài như chúng tôi đôi khi bị "lạc hướng" khi nhìn vào các kiểu áo dài”. Đây không phải là ý kiến duy nhất của Đại sứ Palestine, rất nhiều người Việt Nam và người nước ngoài tỏ ra hoang mang khi thấy đàn ông Việt Nam mặc loại áo như vậy. Chính vì lẽ đó rất nhiều người nước ngoài khi được tiếp cận với áo dài ngũ thân may, mặc đúng kiểu thì họ rất cảm phục và nhận ra rằng đó mới chính là trang phục của người Việt bởi rất Việt Nam.
Còn đối với cộng đồng mà chúng tôi tiếp cận thì những ai đã từng tìm hiểu về áo dài, mặc áo dài truyền thống đều nhận ra rằng đây mới thực sự là trang phục phù hợp với họ, với người Việt Nam. Như tôi đã chia sẻ ở trên, ai đã mặc thì khó cưỡng lại được bộ trang phục này, tất nhiên là phải mặc áo dài may đúng và được mặc đúng. Hiện nay lượng người may áo dài ngũ thân truyền thống ngày càng tăng, tất nhiên là không tăng nhanh đột biến công tác truyền thông còn chưa kịp thời và hiệu quả.
Dự định của anh về xây dựng hình ảnh chiếc áo dài Việt trong thời gian tới?
- Thời gian tới đây, chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa trong việc quảng bá, tuyên truyền về giá trị thẩm mỹ, bản sắc văn hóa của áo dài. Chúng tôi cố gắng tạo ra mạng lưới các nghệ nhân may theo đúng truyền thống, giá thành hạ để nhiều người có cơ hội tiếp cận, đặc biệt là học sinh, sinh viên.
Tất cả những nỗ lực của cộng đồng, của chúng tôi trong việc quảng bá áo dài truyền thống dù đến đâu đi nữa cũng không bằng sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, như Bộ VHTTDL, các sở, ban, ngành ở các địa phương trong việc vào cuộc, tìm ra những định chế để kích thích việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của áo dài truyền thống. Gần đây, Sở VHTT Thừa Thiên-Huế có thực hiện một loạt các hoạt động quảng bá áo dài, tôi cho rằng đây là điều cần làm vì qua những hoạt động Sở tạo ra đã tác động tích cực đến cộng đồng trong việc tìm hiểu về áo dài truyền thống. Tuy nhận thức của mọi người có khác nhau nhưng mọi người đều quan tâm đến áo dài và cần bảo tồn trang phục này và phát triển trang phục này rộng rãi.
Hiện nay, việc quảng bá áo dài truyền thống không những tạo ra hình ảnh biểu tượng văn hóa quốc gia, còn tạo ra những chuỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác như dệt, may, nguyên phụ liệu, từ đây tạo ra nhiều công ăn việc làm, bảo tồn được giá trị làng nghề, các nghệ nhân giữ được nghề, sống bằng nghề của cha ông. Để như vậy, Chính phủ cần có cơ chế coi áo dài là thương hiệu văn hóa quốc gia, ghi danh áo dài truyền thống là di sản văn hóa và Chính phủ cần có quy định phù hợp trong việc mặc trang phục áo dài cho cả nam và nữ tại các nghi lễ, không nên với nữ quy định mặc trang phục áo dài truyền thống, với nam mặc Âu phục.
Năm 2019, tôi có cơ hội tiếp xúc với ông Giám đốc Quỹ Thiết kế và Thủ công của Bộ VHTTDL Hàn Quốc, ông có chia sẻ với tôi rằng: Áo dài Việt Nam rất đẹp, rất tiện lợi. Hanbok của chúng tôi không tiện dụng như áo dài Việt Nam, các bạn cần giữ lấy, nếu để mất đi vẻ đẹp ấy thì tiếc lắm…
Xin cảm ơn anh!