Họa sĩ Thái Vĩnh Thành: Thông điệp của sự lạc quan

Việt Quỳnh (thực hiện) 24/12/2021 20:00

"Tôi vẫn phải sống và vẽ bằng mọi cách, bằng bất cứ thứ gì đang có để không bi quan và tạo nên niềm vui sống", họa sĩ Thái Vĩnh Thành tâm sự.

Hoạ sĩ Thái Vĩnh Thành.

Hoạ sĩ Thái Vĩnh Thành, hiện đang sống tại TP Hồ Chí Minh. Là hoạ sĩ chuyên sơn mài nhưng lại thích sáng tác trên chất liệu sơn dầu, vì vậy anh đã áp dụng cách vẽ sơn mài trong tranh sơn dầu. Triển lãm lần này, tác phẩm của anh đã đánh dấu sự chuyển biến mới, dưới tác dụng từ những ngày giãn cách vì covid-19, từ trừu tượng sang bán trừu tượng.

Anh vừa tham gia triển lãm “Still+” (Vẫn+) tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cùng 5 họa sĩ: Hoàng Võ (Võ Hoàng Nhựt, sinh năm 1969), Zdungnguyen (Nguyễn Anh Dũng, sinh năm 1970), Lê Hải Triều (1972), Võ Nguyên Thư (1974), và Nguyễn Dân (Nguyễn Tấn Vĩ, sinh năm 1984). Vì sao các anh lại chọn tên “Vẫn +”?

- “Vẫn +” là cái tên mà nhóm đã bàn luận rất lâu rồi đi đến thống nhất! Nó có ý nghĩa và hàm ý đại loại là, trong những khó khăn mất mát đau thương của dịch bệnh, hoạ sĩ vẫn sống, vẫn lạc quan, vẫn vẽ và vẫn yêu, như lời của họa sĩ Lê Hải Triều.

Lý do vì sao triển lãm lại diễn ra, ngay khi TP Hồ Chí Minh bước sang nhịp sống mới?

- Nghệ thuật là món ăn tinh thần không thể thiếu, nhất là khi Thành phố vừa trải qua một cơn đại dịch. Mọi thông tin, sự kiện về văn hoá văn nghệ bị đình trệ trong một thời gian dài. Chúng tôi quyết định tổ chức ngay dịp này cũng để góp một điều tích cực lạc quan sống, khích lệ mọi người hoà nhập nhanh với nhịp điệu của giai đoạn bình thường mới.

Anh có thể chia sẻ về cuộc sống và sáng tác trong thời gian giãn cách vừa qua?

- Khoảng thời gian bị giãn cách xã hội vừa qua thật là những gì vượt xa mức tưởng tượng của cá nhân tôi. Nhưng rồi tôi vẫn phải sống và vẽ bằng mọi cách, bằng bất cứ thứ gì đang có để không bi quan và tạo nên niềm vui sống.

Một tác phẩm trong triển lãm “Still+”.

Giữa dịch bệnh, anh đã cảm nhận ra sao? Có những điều nào thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức của anh?

- Tôi đã phải chứng kiến những đau thương mất mát xung quanh. Sự sống, cái chết là ranh giới thật mong manh. Từ đó, nghệ sĩ càng phải thay đổi suy nghĩ, nhận thức hướng tới sự chia sẻ cảm thông của tình người với nhau, tôi cũng vậy.

Liệu những điều này có tác động đến các sáng tác của anh ra sao?

- Chắc chắn những vấn đề cập nhật của đại dịch đã tác động đến tác phẩm của tôi. Trước đây tôi vẽ trừu tượng ở sự nhìn và thấy từ cảm xúc…nó vốn không dễ để cảm nhận. Nhưng qua kỳ đại dịch một số tác phẩm của tôi đã dịch chuyển sang những chủ đề đời thường hơn, dễ hiểu. Màu sắc sử dụng cũng tươi sáng lạc quan hơn.

Khi TP Hồ Chí Minh còn gặp nhiều khó khăn vì thời gian giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến dân sinh và kinh tế, việc triển lãm tranh lúc này liệu có nhằm tới thị trường, hay là một đốm lửa sáng báo hiệu, dù hoàn cảnh nào thì nghệ thuật vẫn sống vững vàng và trường tồn?

- Chị hỏi một câu rất hay! Triển lãm ngay vào giai đoạn này nếu xét về khía cạnh kinh tế và thị trường thì chắc chắn không dễ để thành công. Bởi vì khi đất nước còn chưa thực sự mở cửa đón khách, các nhà sưu tập, khách du lịch, những nhà kinh doanh nghệ thuật nước ngoài đều chưa thể tiếp cận nhiều và trực tiếp với hoạ sĩ trong nước. Nhưng ở một khía cạnh khác, nhân văn hơn thì tôi nghĩ rằng chị nói đúng: Dù ở hoàn cảnh nào thì họa sĩ “Vẫn” phải sống, nghệ thuật vẫn phát triển và sẽ trường tồn! Triển lãm “Still +” (Vẫn +) của chúng tôi như một lời khẳng định, một cột mốc đáng nhớ trong những sự kiện văn hoá của thành phố sau đại dịch.

Với triển lãm lần này, các anh mong muốn điều gì?

- Tôi có thể trả lời ngắn gọn với chị chỉ bằng mấy chữ: Thông điệp của sự lạc quan. Chúng tôi mong muốn điều đó!

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Thái Vĩnh Thành: Thông điệp của sự lạc quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO