Họa sĩ Trần Thế Vĩnh: Nghệ thuật là sự biến thiên không ngừng

Việt Quỳnh 08/11/2020 19:00

Với Trần Thế Vĩnh, điều khó nhất của vẽ chân dung là lấy được thần thái của nhân vật...

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh bên một số tác phẩm trong triển lãm “Vọng”.

Cuốn sách mỹ thuật và triển lãm “Vọng” của họa sĩ Trần Thế Vĩnh (34 tuổi) - từng nhận giải đặc biệt Giải thưởng Dogma 2013 - được khai mạc lúc 18h ngày 28/10 tại Mai House Saigon Hotel, với 51 tranh chân dung văn nghệ sĩ danh tiếng như Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Ánh 9…

Giải thưởng Dogma mà Trần Thế Vĩnh từng đạt giải đặc biệt, được thành lập vào năm 2010 dưới sự tài trợ của Bộ sưu tập Dogma. Giải thưởng được tổ chức hai năm một lần. Mục đích của giải là nhằm khuyến khích và hỗ trợ cho các nghệ sĩ Việt Nam đang sinh sống ở cả trong và ngoài nước, sáng tác các tác phẩm tự họa với mọi hình thức.

Với Trần Thế Vĩnh, điều khó nhất của vẽ chân dung là lấy được thần thái của nhân vật, để làm được điều đó thì phải có một cảm nhận tinh tế về con người, có một tâm hồn khá bình tĩnh để quan sát và hiểu. “Khi bạn nhìn thấy ánh mắt Bùi Giáng trông như mắt thật, ấy chính là linh hồn tranh. Phải nghiên cứu về họ, đọc về họ, thấu cảm với họ, tôi mới có thể vẽ họ sống động như thế theo cách riêng của mình”. Để có những “nét phá” trong tranh, với anh, người nghệ sĩ cần biết buông, chấm, phá và biết thả. Và cách vẽ của anh theo trực giác với nhận thức mang tính trừu tượng, điều ấy cũng là cơ sở tạo nên phong cách riêng trong tranh Vĩnh.

Bộ tranh “Vọng” được Vĩnh vẽ trong vòng 2 năm, 2018 và 2019: “Nhân duyên tôi đến với bộ tranh này là do sự cố về gia đình và sau đó là sự mất mát của Ba tôi. Từ đó nỗi buồn đã dắt dẫn tôi đến với văn chương và âm nhạc sau một thời gian nằm nhà đọc sách, tôi vẽ chân dung các vị tiền bối văn nghệ. Nhưng việc vẽ bị ngưng trệ vài tháng do sự ra đi của Mẹ tôi đầu năm 2019. Đến cuối năm 2019 tôi mới hoàn thành được”.

Tuổi thơ của Trần Thế Vĩnh trải qua nhẹ nhàng và không có nhiều biến động lớn trong ngôi làng nhỏ - Phúc Lộc, xã Triệu Thuận , huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Gia đình anh có 7 người, với ba mẹ và 5 chị em. Vĩnh là con kế út (cùng người em sinh đôi). Nhà anh nghèo như bao gia đình trong làng. Cuộc sống ở nông thôn thì luôn mang sự khó khăn và vất vả xoay quanh lo miếng ăn. Ba của Vĩnh làm thợ vẽ, còn mẹ của anh thì buôn bán nhỏ, nuôi 5 chị em ăn học. Nhưng dù thiếu thốn vật chất, Vĩnh lại được sống trong sự ấm áp tràn đầy tình yêu thương của gia đình. Anh được bố mẹ dạy dỗ khuôn phép, được ăn học đàng hoàng tử tế. “Làng tôi là ngôi làng Phật giáo, tôi được thừa hưởng và nuôi nấng bởi tinh thần đạo Phật, lớn lên mỗi ngày cùng bạn bè lối xóm, cũng đã trải nghiệm nhiều kỉ niệm về tuổi thơ ở vùng quê nghèo trồng lúa, nhiều kí ức không thể quên”.

Ham vẽ từ nhỏ khi mới 3, 4 tuổi, do được kế thừa gen mỹ thuật của ba, mỗi khi xem tranh của ba xong, anh thường vẽ lại. Anh cũng vẽ những gì thấy xung quanh như ngôi nhà, khu vườn, con chó con gà... vẽ hình bóng mẹ đi chợ về và chính anh cùng em trai vui mừng ra đón...

“Có lẽ tập vở vẽ đầy những quan sát và tưởng tượng ngây ngô đó đã bị nước lụt cuốn trôi vào năm nào đó. Sau này lớn lên chút có giấy màu tốt hơn thì tôi vẽ phong cảnh đóng thành tập. Chủ yếu tôi cho tặng hết và chẳng giữ được bức tranh nào ngày xưa”.

Ba là người thầy đầu tiên chỉ dẫn cho anh. Biết con trai có năng khiếu, ba Vĩnh hết lòng khuyến khích anh vẽ. Ông mua bút màu và giấy cho anh. Khi Vĩnh vẽ đẹp, ba thường thưởng cho kẹo hoặc dẫn đi ăn chè. Ngày qua ngày cứ vẽ như chơi vậy, vừa đi học vừa phụ ba mẹ làm việc nhà, rảnh ra là vẽ. Vĩnh thường vẽ linh tinh trên giấy vở hay bảng đen, nền đất hoặc tường nhà bằng chì, than, phấn, que… vẽ nhiều khi quên ăn và bị mẹ la.

“Thời đó nhà nào cũng như nhau, hầu như là nghèo đói, ăn cũng không đủ no, mỗi năm nắng hạn thì khô khốc lại còn đón nhận cơn gió lào rát bỏng, rồi thì lũ lụt bão giông, mùa đông thì mưa dầm rét buốt, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Ấy thế mà tôi vẫn vô tư và trong sáng ham mê hội hoạ, đụng đâu vẽ đó. Bản năng thích vẽ đó như là một thú vui và ham muốn. Càng sống trong môi trường khắc nghiệt khó khăn đó thì càng làm cho bản năng ham mê hội hoạ trỗi dậy mãnh liệt hơn trong tôi”.

Khi học lớp 2, đã biết đọc viết thành thạo, Trần Thế Vĩnh đọc trên tờ báo mà chị có được, dán trên tường phòng ngủ. Bài báo đó có tên: “Lê Bá Đảng người hoạ sĩ của 2 thế giới”. Anh đọc đi đọc lại bài báo, càng đọc càng thích. Cũng từ đó trong anh trỗi nên niềm khát khao, gieo ước mơ trở thành hoạ sĩ. Ước mơ trở thành ý chí mãnh liệt cho đến khi anh thi vào trường mỹ thuật, và với Vĩnh, chắc chắn đó là con đường duy nhất của đời anh.

Lớp 12, Vĩnh nộp đơn thi hội hoạ trường Mỹ thuật Huế. Ba anh ủng hộ nhưng mẹ và anh trai ngăn cản không cho thi. “Mẹ và anh muốn tôi thi trường Luật nhưng tôi kiên quyết không chịu và cãi lại cho bằng được. Mẹ và anh sợ tôi theo nghiệp hoạ sĩ sẽ khổ nên cứ so sánh bao nhiêu trường hợp thất bại và nghèo khổ do đi theo nghề vẽ tranh, tôi cãi lại rằng: Vậy mẹ và anh có biết hoạ sĩ Lê Bá Đảng là ông nào không? Ông ấy có thành công không? Mẹ và anh nói, có! Tôi đáp lại: Vậy nếu Lê Bá Đảng làm được thì con sẽ làm được, hãy tin con và cho phép con học hội hoạ, đừng so sánh con với những người thất bại.

Thế là tôi đã đấu tranh thành công để tự quyết con đường của mình đi, rồi đi thẳng một mạch đến bây giờ”.

Với Trần Thế Vĩnh, hội hoạ mang đến cho anh niềm vui, đồng thời cũng là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống, như việc ăn uống hít thở:

“Niềm vui sống và thoả mãn đam mê là điều tôi nhận một cách trong sáng và lớn lao nhất từ hội hoạ, thứ nữa là khi đã vẽ nhuần nhuyễn và có thể bán được tranh thì hội hoạ cho tôi tiền để sống”.

Nhớ bức tranh đầu tiên mà Vĩnh bán được, khi đang là sinh viên năm nhất, một người Pháp đã mua tranh của anh với giá 700 ngàn đồng, bằng hai tháng tiền để chi dùng khi ấy: “Cảm giác thật hạnh phúc khi sự cố gắng của mình đã đón nhận một cách thực tế. Hội hoạ chính là niềm vui sống nên đã cho tôi sức mạnh thôi thúc sáng tạo không ngừng và biết chịu nhịn đói để dành tiền mua màu vẽ. Hội hoạ đã trả lại tôi những ân tình xứng đáng với những hy sinh chịu khó của mình”.

Khởi đầu con đường mỹ thuật, Vĩnh bắt đầu bằng vẽ tranh hiện thực. Anh mang giá vẽ đi khắp nơi. Anh vẽ phong cảnh, tĩnh vật, đời sống hiện thực… chủ yếu để cũng cố hình hoạ và khả năng vững vàng trong cách xử lý hình và màu. Sau đó, Vĩnh tìm hiểu các thể loại khác như siêu thực, hồn nhiên, biểu hiện, pop art, trừu tượng...

Từ năm 2006 đến năm 2009, Trần Thế Vĩnh vẽ theo thể loại siêu thực với triển lãm cá nhân đầu tiên “Mộng du” vào năm 2009 tại Huế. Sau đó anh chuyển sang trừu tượng, rồi có triển lãm “Không đề” ở gallery Tự do năm 2012.

Từ năm 2013, Vĩnh tiếp tục loạt tranh tự hoạ và có triển lãm “Bắt đầu từ đâu” tại À Gallery năm 2016. Hai năm sau đó, anh tập trung vẽ dòng biểu hiện. Hiện tại là chân dung các văn nghệ sĩ.

“Con đường tới sẽ có những sáng tạo mới, tôi không muốn nhắc đến chữ thể nghiệm mà tôi nghĩ rằng, tôi tư duy và thấy thì tôi vẽ cái tôi thấy, không bao giờ là thể nghiệm. Tôi không quá câu nệ về vấn đề phong cách. Nghệ thuật là sự biến thiên không ngừng, người nghệ sĩ phải biết thay đổi và luôn làm mới mình, có chăng phong cách chính là hồn cốt của tư tưởng và bản tính khi hoạ sĩ đã tạm thấy mình là ai. Tôi sẽ luôn làm mới mình và phong cách trong hội hoạ đi theo cách sống của tôi”.

Về vẽ chân dung, ngoài văn nghệ sĩ và những trí thức mà anh yêu mến, Vĩnh còn vẽ chân dung của những người bạn bè anh em. Vĩnh vẽ khá nhanh, vài ngày là anh hoàn thành một bức chân dung. Để lột tả được thần thái nhân vật mà chính anh chưa từng được gặp, Vĩnh phải đọc tác phẩm và nghiên cứu về cuộc đời của họ .

“Nhưng tôi không gắn bó mãi với chân dung, tôi còn vẽ nhiều thứ, bộ tranh chân dung này là một giai đoạn của đời sống đúng thời điểm nhân duyên hội đủ thì vẽ thôi. Tôi còn vẽ và tìm tòi nhiều trên con đường nghệ thuật phía trước”.

Dự án sắp tới của họa sĩ Trần Thế Vĩnh là vẽ tiếp bộ tranh "Thế gian đảo điên” đã ấp ủ ý tưởng nhiều năm, hiện mới đi được một phần nhỏ chặng đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Trần Thế Vĩnh: Nghệ thuật là sự biến thiên không ngừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO