Hoảng hồn cơ sở sản xuất, lưu giữ hóa chất ven sông Đuống

MINH QUÂN 25/07/2021 11:42

Nhiều cơ sở sản xuất, lưu giữ hóa chất nguy hiểm nằm dọc sông Đuống thuộc địa bàn huyện Gia Lâm (TP Hà Nội), không có hệ thống xử lý nước thải, không báo cáo kết quả quan trắc, giám sát, công nhân không được trang bị đồ bảo hộ lao động…

Bên trong một cơ sở sản xuất hóa chất. Ảnh: Hà An.

Không hệ thống xử lý nước thải, không báo cáo kết quả quan trắc, giám sát, công nhân không được trang bị đồ bảo hộ lao động… đó là những gì đang xảy ra tại các cơ sở sản xuất, lưu giữ hóa chất nguy hiểm nằm ven sông Đuống (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội).

Nằm phía ngoài đê sông Đuống, khá gần với trụ sở UBND xã Dương Hà (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) xuất hiện một số cơ sở sản xuất, kinh doanh hoá chất xả thải trực tiếp ra môi trường mà không qua bất cứ một hệ thống xử lý nào. Chưa hết, qua quan sát, cơ sở này còn không đảm bảo về hệ thống phòng cháy chữa cháy, lao động làm thuê không được trang bị đồ bảo hộ.

Như cơ sở sản xuất, kinh doanh hoá chất thuộc Công ty CP Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thành Phát Đạt (thôn Trung, xã Dương Hà). Mặt hàng sản xuất, kinh doanh chính của công ty này là keo dán gỗ U-F. Với nguyên liệu đầu vào sản xuất keo dán gỗ gồm, hóa chất và phân đạm.

Gồm những hóa chất độc hại là vậy, nhưng cơ sở sản xuất rộng cả nghìn mét vuông này chỉ được xây dựng tạm bợ trên phần diện tích đất nông nghiệp, một bên tiếp giáp với dòng sông Đuống, một bên giáp với khu dân cư và mặt đê dẫn vào UBND xã Dương Hà.

Trong khi phần mặt nền cơ sở sản xuất không hề được thảm bằng bê tông, nên gần như toàn bộ nước thải lẫn hóa chất cứ vậy mà thẩm thấu xuống lòng đất và theo rãnh thoát nước dẫn ra sông Đuống.

Trong khi đó, theo nhiều hộ dân sinh sống ở xã Dương Hà, cũng như nhiều người dân thường xuyên canh tác hoa màu ven sông Đuống, cứ hễ khi nào cơ sở này đốt lò để đun nấu hóa chất với phân đạm, là y như rằng, cả xóm, cả thôn phải hít thở cái thứ mùi hắc nồng.

Người đi lại gần chỗ có khói bốc ra từ lò đốt hóa chất lẫn phân đạm thì cảm thấy cay mũi, chảy hết nước mắt.

Nước thải không qua xử lý xả thẳng ra môi trường. Ảnh: Nam Anh.

Đã nhiều lần, trong những cuộc họp ở thôn, rồi lên xã, người dân liên tục có ý kiến về tình trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh hoá chất thuộc Công ty CP Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thành Phát Đạt gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống người dân… nhưng cho tới nay cơ sở này vẫn sản xuất, chưa được di dời tới các cụm, khu công nghiệp.

Cùng nằm dọc con sông Đuống và liền kề với xã Dương Hà, hiện xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cũng tồn tại không ít những cơ sở sản xuất, kinh doanh hoá chất. Qua khảo sát, điểm chung của những cơ sở này đều xây dựng trên đất nông nghiệp, không tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tương tự, xã Yên Viên (huyện Gia Lâm), một xã khác nằm bên bờ sông Đuống, hiện cũng tồn tại cơ sở kho kinh doanh, lưu giữ hóa chất nguy hiểm.

Cơ sở kho lưu giữ này thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận tải Khánh Duy có trụ sở ở xã Yên Viên (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) nằm rất gần với dòng sông Đuống và chỉ cách UBND xã Yên Viên quãng ngắn.

Theo tìm hiểu của Đại Đoàn Kết Online, Giám đốc, người đại diện pháp luật Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận tải Khánh Duy là bà Nguyên Anh Tú.

Với quy mô kho lưu giữ và mua, bán hóa chất: Chloride acid, nước javen 7%, nước javen 9%, Sodium hydroxide 30-32, Sulfric acid 96-98%... có tổng công suất lên tới 550 tấn hóa chất/ lần chứa.

Đây là một cơ sở kinh doanh có điều kiện với loại hàng hóa được coi là nguy hiểm nên tại quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp ngày 16/9/2016 cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận tải Khánh Duy có nêu: Thực hiện đúng và đầy đủ các giải pháp, biện pháp, cam kết và bảo vệ môi trường đã nêu trong đề án. Phải đảm bảo các chất thải, nước thải đều phải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi thải ra môi trường. Việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường trong thực tế phải tuân thủ các quy định hiện hành.

Toàn bộ nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động phải được thu gom xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT (cột B). Bụi và khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động cơ sở phải có biện pháp can thiệp.

Chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động của kho lưu giữ phải được phân loại thu gom xử lý theo đúng quy định tại thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nơi sản xuất hóa chất nằm trên địa bàn xã Dương Hà. Ảnh: Hà An.

Nội dung quyết định này còn nêu rõ “Kho kinh doanh và lưu giữ hóa chất nguy hiểm Khánh Duy” phải hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo các thời hạn như sau: Hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất trước ngày 31/12/2016. Thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật hiện hành. Quyết định do Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội ký và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 16/9/2016.

Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, đã 5 năm đi vào hoạt động, từ khi có quyết định của Sở Tài nguyên và Môi trường, thì chủ cơ sở kho kinh doanh và lưu giữ hóa chất nguy hiểm thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận tải Khánh Duy vẫn chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải.

Theo đó, nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động, không qua xử lý, mà được đấu nối, xả thẳng ra đường cống nước của các hộ kinh doanh khác trong khu vực.

Qua ghi nhận thực tế cho thấy, phía bên trong cơ sở kho lưu giữ này có rất nhiều thùng phi, téc nhựa phục vụ cho việc sang chiết hóa chất nguy hiểm, được xếp thành hàng cao ngất. Người lao động làm việc tại kho hoá chất không được trang bị đồ bảo hộ lao động…

Chưa hết, hay như mới đây nhất ngày 24/3/2020 UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận tải Khánh Duy, với số tiền 15 triệu đồng.

Nội dung quyết định nêu rõ: Không báo cáo kết quả quan trắc, giám sát cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Quy định tại Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Một cơ sở sản xuất hóa chất thuộc xã Phù Đổng. Ảnh: Nam Anh.

Theo tìm hiểu, kho kinh doanh và lưu giữ hóa chất nguy hiểm Khánh Duy được xây dựng tại khu vực trên đã nhiều năm nay, với những vi phạm về quy định bảo vệ môi trường, lấn chiếm đất và xây dựng trái phép. Nhưng không hiểu vì lý do gì, mà cho tới nay, cơ sở kho lưu giữ hóa chất nguy hiểm này vẫn hoạt động.

Sáng ngày 23/7, trao đổi với Đại Đoàn Kết Online về những bất cập trong việc bảo vệ môi trường của kho kinh doanh và lưu giữ hóa chất nguy hiểm Khánh Duy, cũng như sự tồn tại của chính cơ sở này, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chủ tịch xã Yên Viên cho biết: kho kinh doanh, lưu giữ hóa chất thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận tải Khánh Duy tồn tại đã nhiều năm nay, do nhiều đời lãnh đạo trước để lại. Chính vì vậy, những vấn đề pháp lý liên quan với đơn vị này, theo ông Huy phải cần có thời gian giải quyết.

Cũng trong sáng cùng ngày, làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Chủ tịch UBND xã Dương Hà thừa nhận: Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh hoá chất trên địa bàn chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, cụ thể như thiếu hệ thống xử lý nước thải, hệ quan trắc môi trường, phòng cháy chữa cháy… Trong lộ trình tới, UBND xã Dương Hà sẽ lập phương án di dời những cơ sở này ra khỏi địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoảng hồn cơ sở sản xuất, lưu giữ hóa chất ven sông Đuống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO