Không chỉ được biết đến là ngôi đình có kiến trúc lịch sử độc đáo, đình Hoành Sơn được đánh giá là một trong những ngôi đình cổ đẹp nhất miền Trung. Ngôi đình này cũng là một trong những công trình tín ngưỡng “đặc sắc nhất trong các đền đài mang tính chất tôn giáo của người An Nam”.
Một kiến trúc độc đáo
Tọa lạc trên diện tích 1.663,3 m2, đình Hoành Sơn nằm bên hữu ngạn dòng Lam, thuộc xóm 7, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Ngôi đình đã tồn tại ngót nghét gần 3 thế kỷ. Ngôi đình được biết đến là công trình to lớn, đẹp bậc nhất miền Trung. Đình Hoành Sơn được xây dựng và hoàn thành vào năm 1763, là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ là người có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quốc gia Đại Việt. Ngoài ra, đình còn thờ Phật Thích ca Mâu Ni và Tứ vị Thánh nương. Ngôi đình này nổi danh bởi có nhiều chạm khắc trang trí trên gỗ độc đáo, tinh xảo, giàu tính nghệ thuật.
Theo các tư liệu ít ỏi còn ghi chép lại thì đình Hoành Sơn được xây dựng vào tháng Chạp năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 23 (1763) và đến cuối năm sau (Quý Tỵ 1764) thì hoàn thành. Đình Hoành Sơn nổi tiếng với công trình kiến trúc lịch sử độc đáo. Đình gồm 2 tòa, trong đó nghệ thuật chạm khắc tập trung ở Đại đình. Những chạm khắc ở đây được giới nghiên cứu, các chuyên gia về lĩnh vực kiến trúc nghệ thuật đánh giá là ngôi đình tiêu biểu bậc nhất của miền Trung và là một trong những ngôi đình có quy mô lớn và nghệ thuật chạm khắc đẹp nhất cả nước.
Đại đình có diện tích 330,4 m2, gồm 7 gian, 2 chái với 6 bộ vì, 12 cột cái, 20 cột quân. Trên các cấu kiện gỗ, từ con rường, quá giang, câu đầu đến cốn mê, xà, cổ nghé, kẻ…đều được trang trí với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo. Ngoài hình tượng “tứ linh” (long, ly, quy, phượng) được khắc họa dưới nhiều hình thức khác nhau, còn có nhiều đề tài minh họa các điển cố, điển tích, thể hiện ước mơ của những người nông dân Nghệ An nói chung và làng Hoành Sơn nói riêng. Dù là ngôi đình của một làng nhỏ, song đình Hoành Sơn lại có quy mô lớn và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đến mức nhiều người phải cho rằng, dân nơi đây đã làm nên “điều không thể”. Các vì kèo liên kết theo cấu trúc “chồng diêm”, có những bức chạm khắc “lưỡng long chầu nguyệt” rất đẹp. Các cột đình đều có đường kính trên 50cm và là cơ sở chịu lực của toàn bộ kết cấu đình.
Nghệ thuật chạm khắc tại đây đạt đến trình độ tinh xảo. Ngoài hình tượng “tứ quý” còn xuất hiện nhiều hình tượng là các điển tích thâm thúy như “Văn Vương nghinh Thái Công”,… Đặc biệt, trong khi các đề tài dân dã hầu như không còn ở thế kỷ XVIII thì tại di tích này, các hình tượng đó vẫn phổ biến và được thể hiện rất sinh động như “chèo thuyền”, “đi cấy”, “thưởng trà”, “câu cá”. Một điều thú vị nữa ở ngôi đình này, đó là sự lặp đi lặp lại của một số hình ảnh như “phượng hàm thư”, “chèo thuyền”, “vinh quy bái tổ”… giữa ba bộ vì phía Tây Bắc và ba bộ vì phía Đông Nam, một mặt, nó góp phần bổ trợ và tôn vinh lẫn nhau nhưng mặt khác nó thể hiện trình độ, tay nghề và khả năng thẩm mỹ của hai tốp thợ, gợi cho chúng ta liên tưởng đến câu chuyện xây đình.
Không chỉ vậy, đình Hoành Sơn còn được biết đến là chứng tích lịch sử. Trên một số cấu kiện gỗ của đình còn lưu giữ dấu tích của lính khố xanh để lại. Đó là những ô hình vuông, được đục ở các cột để lắp các tấm ván tra khảo những chiến sĩ cộng sản, những người dân có tư tưởng chống đối. Đó còn là những đường vân, dấu tích của các dây thừng tại các xà, địch sử dụng để treo ngược người lên tra tấn. Những chứng tích ấy thêm một lần nữa khẳng định sự kiên cường, lòng nhiệt tình cách mạng của dân làng Hoành Sơn nói riêng và nhân dân Nam Đàn nói chung.
Di tích cấp Quốc gia đặc biệt
Những người cao tuổi trong làng cho hay, tương truyền trong đình có khoảng 100 pho tượng, nhưng vào trận lũ lịch sử năm 1978 – 1988 nước đã cuốn trôi gần hết số tượng. Trải qua hàng trăm năm, lũ lụt, chiến tranh, nhưng đến nay đình Hoành Sơn hẫu như vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên thủy. Theo ông Phạm Thương Mại - Phó chủ tịch UBND xã Khánh Sơn thì đình Hoành Sơn đã trải qua nhiều thời đại, lịch sử. Trước cách mạng tháng 8/1945 đình là nơi ở của thực dân Pháp. Sau cách mạng đình Hoành Sơn là trụ sở làm việc của địa phương cho đến năm 1992. Sau khi trụ sở làm việc được chuyển ra nơi khác, đình trở thành nơi sinh hoạt của người dân, nơi tổ chức hội hè.
Trước đây tại đình thường diễn ra 2 kỳ lễ lớn là lễ kỳ phúc vào tháng 2 và lễ rước thần vào rằm tháng 6 âm lịch. Hiện nay các kỳ lễ bị mai một nhưng đình Hoành Sơn vẫn là một trong những địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân xã Khánh Sơn và vùng phụ cận. 257 năm, tọa lạc ngay bên bờ sông Lam, trải qua những biến cố của lịch sử, ngôi đền đã chứng kiến biết bao đổi thay của vùng quê nơi đây. Năm 1980, đình Hoành Sơn được xếp hạng là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Theo đó, vào tháng 12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho 10 di tích, trong đó, vinh dự có Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hoành Sơn. Điều này một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đình được mệnh danh là công trình kiến trúc lịch sử có quy mô đồ sộ bậc nhất miền Trung.
Mới đây nhất, vào dịp kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An, đình Hoành Sơn đã được đón nhận bằng công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là vinh dự không những của người dân Khánh Sơn, huyện Nam Đàn mà còn của cả nhân dân Nghệ An, miền Trung và cả nước.