Hoạt động tôn giáo: Đặt trong sự hài hòa

Ngọc Anh (thực hiện) 06/04/2017 09:35

Nói về hoạt động của một số tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, GS.TS Đỗ Quang Hưng- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tôn giáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, các tôn giáo có quyền hiện diện xã hội, có quyền đóng góp, phản biện xã hội nhưng không phải trên cơ sở những lợi ích cục bộ mà phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và đúng Luật.

GS.TS Đỗ Quang Hưng.

PV: Thưa Giáo sư, thường thì hoạt động của các tôn giáo có gì khác so với các hoạt động xã hội nói chung?

GS.TS Đỗ Quang Hưng: Người tôn giáo có hai phần: con người tôn giáo và con người xã hội. Những sinh hoạt tôn giáo thuần túy thường ở phần thứ nhất, nếu có “khác” thì chỉ có ở chỗ ấy. Trong xã hội hiện đại ngày nay tôn giáo không tách rời xã hội. Xã hội hiện đại đã xây dựng được những chuẩn mực hài hoà với các hoạt động tôn giáo. Thậm chí xã hội rất cần sự tham gia của các tổ chức tôn giáo vào nhiều hoạt động xã hội. Nhiều tổ chức tôn giáo là thành viên Mặt trận, vì thế việc tham gia giám sát, phản biện xã hội của họ là bình thường và được khuyến khích.

Ở Việt Nam, ngay trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mới được ban hành, hành lang pháp lý ngày một mở rộng, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động xã hội, cũng như tham gia phản biện xã hội.

Thưa ông, trên thế giới có hiện tượng đời sống và lợi ích tôn giáo đôi khi xung đột với xã hội thế tục hay không?

- Có chứ! Cuộc sống là như vậy. Cộng đồng tôn giáo là một cộng đồng xã hội đặc biệt. Có những hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội do giáo luật, nghi lễ quy định đã dẫn đến sự khác biệt. Nhiều nước đã phải cố gắng “hòa giải”, thậm chí ràng buộc bằng luật giáo dục, chẳng hạn với những cộng đồng tôn giáo không chấp nhận truyền máu, chào cờ, đòi hỏi một số hình thức thánh lễ trong các trường học…Như vậy, trong các trường hợp này, các tôn giáo nên có những ứng xử cho hài hòa, phù hợp chung với lợi ích của xã hội. Bởi vì các cơ quan nhà nước cần đảm bảo tính cách nhà nước thế tục trung tính phi tôn giáo của mình, đảm bảo quyền tự do và bình đẳng tôn giáo, không tôn giáo. Nhà nước không thể chỉ đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận dân cư để thay đổi chính sách giáo dục được hoạch định dựa trên quyền lợi của đại bộ phận người dân như trường hợp nêu trên.

Ở nước ta, khi thực hiện chính sách “sinh đẻ có kế hoạch”, Nhà nước cũng phải khéo léo thực hiện cuộc vận động này nhất là với bà con Công giáo… Tuy vậy, nói chung do nỗ lực của hai phía, đời sống hoạt động tôn giáo ở nươc ta nói chung tôn giáo luôn đồng hành với dân tộc, ngày càng đạt tới sự đồng thuận, hài hoà, tốt đời đẹp đạo. Không chỉ trong xây dựng và hoàn thiện chính sách tôn giáo, đối với hàng loạt chính sách xã hội quan trọng khác của đất nước, qua Mặt trận, người có tôn giáo ở nước ta ngày càng có tiếng nói tích cực với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc xây dựng đất nước.

Thưa GS, ông bình luận thế nào về hoạt động gần đây của một số chức sắc và bà con Công giáo liên quan đến dự án Formosa?

- Như tôi đã nói, cộng đồng các tôn giáo hiện nay được tạo điều kiện để có thể hiện diện xã hội, với ý nghĩa họ cũng là một nguồn lực xã hội và có tiếng nói của mình. Tôi nghĩ rằng, việc một số linh mục cho rằng, bà con giáo dân ven biển gặp những khó khăn, bị thiệt thòi trong sự cố môi trường do Formosa gây nên và họ lên tiếng bảo vệ người dân là chuyện hết sức bình thường. Nhưng vấn đề là ở chỗ, bênh vực lợi ích của cộng đồng giáo dân và cũng có thể của cả người dân ven biển nói chung, được thể hiện với những hình thức và mức độ của sự hiện diện xã hội ấy như thế nào? Nếu cần biểu hiện tâm lý và đòi hỏi xã hội thì một đám đông cũng không thể không thực hiện luật an toàn giao thông, các quy định của sự thể hiện “xung đột tập thể” hay các luật khác…

Hơn thế nữa khi những người cầm đầu các cuộc tụ tập, tuần hành như thế tổ chức bao vây cơ quan công quyền, thậm chí lớn tiếng đòi hỏi “đóng cửa Formosa” thì rõ ràng họ đã vượt quá giới hạn. Không thể nhân danh một người yêu nước, yêu thương con người khi đi ngược lại những nỗ lực chung của đất nước trong khắc phục sự cố. Mặt khác, một nhóm xã hội muốn giám sát, phản biện xã hội ngoài việc phải đúng luật cũng cần đòi hỏi phải có cái nhìn toàn diện quốc kế dân sinh, trên cơ sở lợi ích chung của dân tộc.

Thưa GS, trong trường hợp cần có tiếng nói phản biện, các tôn giáo có những hình thức gì để kiến nghị tới Nhà nước?

- Có nhiều cách trong phản biện xã hội mà các tổ chức tôn giáo cũng như các tổ chức xã hội khác có thể vận dụng. Bình thường có thể là việc tập trung dân nguyện, phản ánh và đối thoại với chính quyền các cấp, thậm chí có thể gửi ý nguyện đến Tập đoàn Formosa; sử dụng phương tiện báo chí truyền thông… Cá nhân tôi, tôi cũng không phản đối một hình thức tập trung phản ánh, nên kiến nghị nhưng phải đúng luật. Tất cả các hình thức này chỉ thành công khi những người tham gia đặc biệt là những người đứng đầu luôn có thiện tâm và đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, biết cách hài hòa lợi ích chính đáng của nhóm xã hội.

Ở góc độ là nhà nghiên cứu, theo ông, khi nảy sinh những vấn đề ta tạm gọi là mâu thuẫn giữa tôn giáo và lợi ích chung của xã hội, của đất nước, cách ứng xử nào có hiệu quả nhất?

- Đồng thuận và xung đột xã hội là cặp trạng thái phổ biến. Mọi người luôn muốn đồng thuận tăng thêm và xung đột thì giảm thiểu. Đó là phúc đức của một đất nước. Kinh nghiệm của một số nước mà tôi biết thì phương tiện đối thoại thẳng thắn giữa giới tôn giáo, nhà nước và đại diện các lực lượng xã hội khác là một phương thức tốt. Để thực hiện nó nhiều nước đã thành lập Hội đồng tư vấn Quốc gia về tôn giáo, trực tiếp tư vấn cho nhà nước, kể cả cho nhà nước địa phương để giải quyết những vấn đề tương tự. Tất nhiên đấy là khi những xung đột ấy vẫn trong khuôn khổ xung đột dân sự tôn giáo - xã hội.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Linh mục Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam: Bà con công giáo không nên bị kích động để làm những việc trái pháp luật

Xung quanh việc bà con nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong đó có một số đồng bào Công giáo bị lôi kéo, kích động, có hành vi gây rối; mặc dù không được nhìn thấy trực tiếp nhưng qua báo đài và qua các đoàn công tác của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi cho rằng đó là việc không nên. Bà con đồng bào công giáo không nên bị kích động để làm những việc trái quy định, pháp luật của Nhà nước. Trong tôn chỉ hoạt động của Tòa thánh Vatican cũng như đạo Công giáo luôn chủ trương đối thoại chứ không đối đầu, không nên tạo những điểm nóng dẫn đến mất trật tự an ninh chung của xã hội cũng như ảnh hưởng đến tình cảm của các tôn giáo khác. Trong trường hợp này, chúng tôi cho rằng, bà con công giáo tỉnh Hà Tĩnh cần phải kiên nhẫn, bình tĩnh còn chính quyền cũng nên lắng nghe ý kiến, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân.

Nguyễn Phượng (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoạt động tôn giáo: Đặt trong sự hài hòa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO