Học để làm gì?

Đào Thuý Duyên (Thành phố Marburg CHLB Đức) 09/06/2019 09:00

Là con nhà nghèo, nên ngày nhỏ dù ham chơi cỡ nào thì tôi cũng luôn được mẹ giáo huấn bằng những câu kiểu như: “phải cố gắng học tập để thoát nghèo con ạ”, hay “không học thì lấy gì mà nuôi thân hả con”... Buồn cười hơn là mẹ còn doạ tôi sẽ không... lấy được chồng nếu học hành không tử tế.

Trong trí nhớ của tôi, thì dù đồng lương công nhân ở xí nghiệp Than chẳng được bao nhiêu, mẹ cũng dành dụm tiền cho tôi mua thẻ thư viện tỉnh để tôi được đọc sách nhiều nhất có thể, và mua báo Hoa học trò hàng tuần cho tôi. Đến giờ, khi đã lớn, có gia đình và đi du học xa nhà, tôi vẫn luôn biết ơn mẹ vì tất cả những điều mà tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại thực sự truyền cho tôi biết bao động lực để tôi cố gắng.

Học để làm gì?

Tác giả thuyết trình trong một sự kiện của trường tại Marburg tháng 2/2019.

Còn nhớ có một lần lớp tôi tổ chức đi chơi vào tận Huế, khỏi phải nói tôi đã mong chờ chuyến đi đó háo hức như thế nào. Nhưng khi ấy mẹ tôi không đủ tiền để đóng kinh phí cho tôi đi cùng các bạn. Mẹ chỉ bảo: “Con cố gắng học thật giỏi, sau này không chỉ được khám phá các vùng đất ở Việt Nam mà còn ở những quốc gia khác trên thế giới. Tri thức sẽ mang lại những giá trị mà không tiền bạc nào mua được”. Lúc đó, tôi chưa hiểu hết được vấn đề, đã giận dỗi mẹ mấy ngày. Nhưng cũng từ câu nói của mẹ đã giúp tôi đọc nhiều sách hơn, tự học nhiều hơn và cố gắng mỗi ngày.

Sau này khi lớn, có điều kiện được đi nhiều nơi, học hỏi được những điều mới lạ, và gặp gỡ được rất nhiều những người bạn giỏi ở nhiều quốc gia, tôi lại càng thấm thía lời dặn của mẹ. Tất nhiên học giỏi không có nghĩa là bạn sẽ ngay lập tức có được thành công, phía sau câu chuyện của việc học để làm gì còn rất nhiều điều mà tôi đã nghiệm ra.

Thứ nhất, học trước hết để nhận thức đúng đắn về bản chất cuộc sống xung quanh mình. Xã hội có tiến lên, trước tiên phải từ ý thức của công dân trong xã hội đó, vì mỗi công dân là một tế bào nhỏ trong xã hội. Xã hội văn minh tức là ý thức của những thành viên trong xã hội đó tốt. Khi con người nhận thức đúng đắn về cuộc sống, xã hội, hành vi của con người đó cũng sẽ được kiểm soát. Họ sẽ ý thức việc mình làm là đúng hay sai. Chẳng hạn, khi tất cả các công dân trong xã hội đều nhận thức hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông là vi phạm pháp luật, có thể gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và để lại hậu quả khôn lường. Khi mỗi công dân đều “tự học” được điều đó thì cũng có nghĩa là vấn nạn về những vụ tai nạn thương tâm cũng như những chiếc xe điên trên đường phố sẽ không còn xuất hiện trong xã hội. Chuyện học ở đây đã thoát ra khỏi khuôn khổ của một trường học, học là tự thân tự ý thức và từ đó tự điều chỉnh hành vi của mình để góp phần tạo nên xã hội văn minh.

Thứ hai, học để tự vấn bản thân. Điều này nghe có vẻ lạ lẫm nhưng theo những gì tôi tìm hiểu và đọc được trên các tài liệu khoa học thì đây là điều logic và tự nhiên. Trong tiếng Anh, tự vấn bản thân có nghĩa là self-reflection, khi được tiếp thu những tri thức mới hay tiếp xúc với những người bạn mới, con người thường sẽ có xu hướng nhìn nhận lại bản thân. Một phần để tự nhận thức mình có điểm mạnh, điểm yếu gì, cần khắc phục cái gì, và sau đó tự điều chỉnh những thói quen, nề nếp trong cuộc sống của mình. Điều này cực kỳ quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của mỗi con người. Vì mỗi người trong chúng ta không ai hoàn hảo, vậy nên quá trình tự vấn lại càng trở nên cần thiết.

Tôi đã từng một lần không thành công khi xin học bổng đi du học. Ở thời điểm đó, tôi đã thực sự mất niềm tin vào bản thân, vì biết bao nỗ lực của mình đã không được đền đáp. Nhưng cũng chính từ sự thất bại đó, tôi có cơ hội tự hỏi bản thân mình “liệu mình đã cố gắng hết sức chưa, hay liệu rằng mình có mạnh mẽ để làm lại lần sau không, liệu có đủ động lực để tiếp tục chinh chiến ở những học bổng khác không?”.

Khi tự vấn bản thân, tôi hiểu được rằng, thực ra việc bị từ chối học bổng cũng là một bài học quý giá. Thay vì buồn bã và than phiền, tôi đã tự nói với bản thân, nếu không cố gắng, không vun trồng thì sao có quả ngọt được.

Chính từ những lần tự vấn bản thân như vậy đã giúp tôi học được nhiều thứ hơn, cố gắng trau chuốt cho lần xin học bổng tiếp theo. Và khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi đã là du học sinh hệ Thạc sĩ ở Đức năm cuối rồi. Vậy nên, quá trình học để tự vấn bản thân là điều sẽ khiến cho con người hiểu được giá trị của bản thân nằm ở đâu, thay vì đi so sánh với người khác. Điều này cũng sẽ giúp người học tiến lên bằng cách trau dồi kiến thức và mài giũa nhân cách của chính cá nhân họ.

Thứ ba, học để lắng nghe, thấu hiểu và bao dung. Đây chính là gốc rễ và là câu trả lời trọn vẹn cho câu hỏi: học để làm gì? Khi tiếp nhận kiến thức hay được trải nghiệm những điều tốt đẹp trong cuộc sống cũng như những bất hạnh của những người khác trong xã hội, bản thân người học sẽ hiểu rằng mình may mắn hơn so với nhiều người khác.

Điều đó giúp mỗi người trong chúng ta ý thức được rằng, cái gốc cuối cùng của việc học không phải là phân chia cao thấp với người khác, mà đơn giản là để trở thành một người lương thiện và biết chia sẻ, lắng nghe thay vì than phiền hay ủ rũ. Trong suốt quá trình đi du học ở Đức, tôi nhận thấy một điều là những người làm thầy trong hệ thống giáo dục ở đây rất coi trọng ý kiến cá nhân của người học. Vậy nên, những giáo sư ở Đức, họ luôn chịu khó lắng nghe và khiêm tốn, thận trọng trong mọi vấn đề.

Có lần bàn luận về một chủ đề liên quan đến ngôn ngữ Anh và phương pháp giảng dạy, giáo sư chia sẻ rất thành thật rằng: “Ở mỗi một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên trái đất này, người dạy học luôn có cách thiết kế bài giảng khác nhau sao cho phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia và vùng miền đó”. Bởi vậy việc đánh giá chất lượng giảng dạy ngôn ngữ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và đến chính bản thân giáo sư cho rằng “còn nhiều cái tôi chưa biết và luôn luôn muốn được nghe ý kiến, quan điểm từ các bạn”.

Những người có học và hiểu biết họ luôn suy nghĩ sâu xa rằng: nhận thức giúp thay đổi hành vi, tư duy và thói quen. Nên việc học tập là suốt đời và mãi mãi và không phụ thuộc thời điểm sớm hay muộn, không phụ thuộc độ tuổi già hay trẻ. Hơn nữa, những người được thụ hưởng một nền giáo dục tốt và nhận thức đúng đắn về những trải nghiệm của bản thân sẽ luôn luôn biết hướng thiện và bao dung với mọi người. Những phẩm chất này không phải ngày một ngày hai là có được, mà cần có thời gian, quá trình để tu dưỡng, trau dồi, thậm chí là luyện tập hàng ngày để có được những đức tính tốt sau khi “đi học” và tiếp nhận những kiến thức thực tế.

Như vậy là chúng ta không thể phủ nhận được nguồn gốc của sự phát triển xã hội suy cho cùng chính là từ nền tảng học vấn - điều tác động trực tiếp đến suy nghĩ, nhận thức về thế giới quan của mỗi một con người. Nói cách khác, tư duy và hành động của mỗi cá nhân trong xã hội đó phần nào phản ánh nền giáo dục đương đại của đất nước sở tại. Đất nước giàu mạnh hay phát triển đều có sự đóng góp của mỗi công dân, thể hiện qua ý thức, thái độ, vốn sống và trải nghiệm của bản thân công dân đó.

Việc học và tự học là một quá trình bền bỉ, cần thời gian cũng như sự định hướng từ gia đình và nỗ lực của bản thân. Một xã hội có một hệ thống giáo dục học tập tốt sẽ là nền tảng ươm mầm cho những người được thụ hưởng kiến thức một cách tối đa.

Điều quan trọng nhất trong tư duy “học để làm gì” không chỉ dừng lại là ở khẩu hiệu “học nữa, học mãi”, mà cần định hướng cho người học đến những giá trị cốt lõi của cuộc sống, đó chính là sự tử tế, lòng can đảm và yêu thương con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học để làm gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO