Học làm sao để có thể thực hành

Phương Linh (thực hiện) 26/09/2016 11:15

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Khi đưa ngoại ngữ vào giảng dạy cũng phải chú ý hiệu quả. Học làm sao để có thể thực hành. Có nghĩa chúng ta phải dạy cho những đối tượng nào có nhu cầu. Hơn nữa, chúng ta cũng phải chuẩn bị đủ điều kiện để dạy có kết quả tốt, tránh tình trạng học ngoại ngữ như kiểu “leo cột mỡ”. Như vậy thì lại thành chuyện không tốt.

Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc hệ 10 năm của ngoại ngữ thứ nhất.

Theo đó, học sinh được lựa chọn 1 trong 4 ngoại ngữ, là tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất, theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành từ năm 2006. Căn cứ vào ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn 1 trong 5 ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai. Ví dụ, học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn học tiếng Nga hoặc tiếng Pháp, hoặc tiếng Nhật, hoặc tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ hai. Gần đây, tiếng Đức và tiếng Hàn cũng được Bộ cho phép dạy học thí điểm như ngoại ngữ thứ hai ở các địa phương, trường học có nhu cầu và có đủ điều kiện dạy - học.

Nhìn vào mục tiêu của Bộ, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định đây là điều cần thiết.

PV: Trong lộ trình của Đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, Bộ GD&ĐT kỳ vọng tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai. Bên cạnh đó, cũng có kế hoạch thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc hệ 10 năm của ngoại ngữ thứ nhất bắt đầu từ năm 2017. Quan điểm của ông về vấn đề này?

GS. TS Trần Xuân Nhĩ: Vấn đề dạy ngoại ngữ trong nhà trường là điều hết sức cần thiết, vì không có ngoại ngữ thì không thể nào hội nhập vào khu vực và quốc tế được. Bất cứ một nền giáo dục nào người ta cũng dạy rất nhiều ngoại ngữ.

Ở Việt Nam ta hiện nay, trước hết phải chú ý dạy tiếng Anh cho thật tốt. Bên cạnh đó, một số thứ tiếng ở các nước có quan hệ đối với chúng ta thì cũng nên từng bước phát triển. Cụ thể như chúng ta ở gần Trung Quốc, một đất nước với 1, 4 tỉ dân, có quan hệ tốt nên cũng cần đưa tiếng Trung vào. Hay Nga là nước cũng có quan hệ với chúng ta, nên đưa tiếng Nga vào học cũng rất tốt. Ngoài ra cả tiếng Lào, tiếng Thái, hay tiếng Ấn Độ… cũng đều là những thứ tiếng rất cần thiết phải đưa vào.

Tuy nhiên, khi đưa vào giảng dạy cũng phải chú ý hiệu quả. Học làm sao để có thể thực hành. Có nghĩa chúng ta phải dạy cho những đối tượng nào có nhu cầu. Hơn nữa, chúng ta cũng phải chuẩn bị đủ điều kiện để dạy có kết quả tốt, tránh tình trạng học ngoại ngữ như kiểu “leo cột mỡ”. Như vậy thì lại thành chuyện không tốt.

Việc các trường có thể lựa chọn ngoại ngữ thứ nhất, đồng thời lại có thêm ngoại ngữ thứ hai. Như vậy, có gây khó cho các trường và học sinh không, thưa ông?

- Trong các trường phổ thông ở các nước, người ta có rất nhiều ngoại ngữ, như tiếng Nga, tiếng Trung, Đức, Nhật, Hàn… Cho nên học sinh ở vùng nào thì hướng dẫn học sinh vùng đó chọn một số thứ tiếng phù hợp. Mỗi học sinh thường được chọn một ngoại ngữ chính (hiện tại ta chọn chủ yếu là tiếng Anh), khuyến khích những em nào có khả năng, yêu thích thì chọn một thứ tiếng khác nữa, cũng chỉ thành ra một môn nhỏ chứ không phải bắt tất cả học sinh đều phải học thứ tiếng đấy.

Bộ cũng đưa ra mục tiêu tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai, theo ông để thực hiện được mục tiêu này, cần điều kiện gì?

- Trước hết, tôi khẳng định chuyện đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai là rất đúng đắn. Bởi vì bây giờ trên toàn thế giới nơi nào người ta cũng nói tiếng Anh cả. Chúng ta muốn hội nhập thì phải đi vào học tiếng Anh.

Nhưng bây giờ làm thế nào để trở thành ngôn ngữ thứ hai thì phải có lộ trình. Cụ thể, đối với nhân dân, những người có yêu cầu thì ta cho học một chương trình rất phổ cập, điều này ở Campuchia đã làm, tất cả những người lái xe, những người bán hàng, quán ăn… đều có thể học tập tại Trung tâm học tập cộng đồng, tại đấy người ta học được cách nói, cách giao dịch bằng tiếng Anh. Chúng tôi đi sang đó thấy rất lý thú, khi đi xe, anh lái xe còn giới thiệu hai bên đường có những thứ gì. Rất nhiều người bán hàng có thể nói tiếng Anh với chúng tôi, vào quán ăn cũng giới thiệu được… nên đã tạo thành nền tảng.
Họ cũng dạy tiếng Anh từ mầm non trở đi chứ không phải dạy từ lớp 3.

Cho nên, muốn thực hiện được chúng ta phải từng bước học tập thế giới. Thêm vào đó là đào tạo giáo viên tốt.

Việc thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung thành ngoại ngữ thứ nhất trong thời điểm hiện nay, theo ông có hợp lý không?

Lí do của nó, như đã nói ở trên chúng ta ở bên cạnh 1 nước 1,4 tỉ dân thì luôn luôn có sự giao dịch với họ, cho nên cũng cần khuyến khích để học. Tiếng Nga cũng vậy. Và các thứ tiếng khác cũng phải chuẩn bị. Tiếng Trung Quốc hay tiếng Nga hiện chúng ta đã có giáo viên, còn các thứ tiếng khác chưa có nên chúng ta thực hiện dần dần.

Nhưng thực tế hiện nay, việc học tiếng Anh được đánh giá chưa đạt hiệu quả tích cực. Nếu đưa thêm nhiều ngoại ngữ khác vào liệu có rối không?

Đánh giá chưa đạt hiệu quả chúng ta phải tìm ra nguyên nhân là vì đâu? Chưa chuẩn bị điều kiện đầy đủ, thì sẽ không có kết quả. Còn nếu chúng ta chuẩn bị đầy đủ, có kế hoạch thì tôi tin là sẽ có kết quả.

Trân trọng cảm ơn ông!

GS. Trần Văn Nhung: Cần chú trọng Tiếng Anh

Mới đây, GS Trần Văn Nhung- nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã đề xuất việc dạy và học tiếng Anh. Bài viết được đăng tải trong bối cảnh chủ trương học ngoại ngữ đang được bàn luận sôi nổi.

Trong đó, GS đề nghị cần xem xét, nghiên cứu để sớm có được một chỉ thị hay nghị quyết để tăng cường việc dạy, học và sử dụng tiếng Anh ở Việt Nam, tương tự như Chỉ thị 58-CT/TW năm 2000 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển Công nghệ thông tin”. Bởi ông cho biết mình đã từng “lặn lội” tự học tiếng Anh ở trong nước, nhưng kết quả là “rất khó khăn, không tự tin và không thể khá lên được”.

Từ nhìn nhận thực tế, việc sử dụng tiếng Anh của người Việt trở thành rào cản không nhỏ với tốc độ hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước, GS Nhung đưa ra công thức trong thời kỳ toàn cầu hóa: Công nghệ thông tin + tiếng Anh + bộ óc tốt = tất cả.

GS. Trần Văn Nhung cũng cho rằng, việc cấp thiết cần làm cho tốt là đề án “Dạy và học ngoại ngữ từ năm 2008-2020”.

Trong đó, nhấn mạnh vai trò của tiếng Anh, nhưng không nên quên các ngoại ngữ khác. Tiếng Anh phải là ngoại ngữ thứ nhất, cần được chú trọng, sau đó mới đến các thứ tiếng quốc tế khác. Nhiều nước cũng coi tiếng Anh là ngoại ngữ số một.

Th. Anh

GS. Ngô Bảo Châu: Được chọn 1 trong 5 ngoại ngữ là tiến bộ

Mới đây, GS. Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ quan điểm về việc thí điểm dạy tiếng Trung, tiếng Nga của Bộ GD&ĐT trên facebook cá nhân. GS Ngô Bảo Châu cho rằng, việc học sinh được chọn 1 trong 5 sinh ngữ để học như ngoại ngữ thứ nhất là tiến bộ. Và trong số 5 sinh ngữ ấy, nên có tiếng Trung.

GS. Ngô Bảo Châu viết: “Vì nước Mỹ là nước giàu nhất thế giới nên tất cả con em Việt Nam phải chọn tiếng Anh làm ngoại ngữ thứ nhất? Giống như đã từng có lúc Liên Xô vĩ đại là mô hình để cả nhân loại dõi theo nên tất cả trẻ con phải học tiếng Nga.

Để tồn tại bên nách Trung Quốc, chúng ta không có lựa chọn nào khác là buôn bán với họ, nếu có lãi thì tốt, hiểu văn hóa của họ, nếu hiểu họ hơn họ hiểu ta thì tốt”.

P. Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học làm sao để có thể thực hành