Học sử để thấy tương lai

Cẩm Thúy 19/11/2015 10:00

Mục tiêu cuối cùng dù có tích hợp hay không là mỗi học sinh có đủ kiến thức và nhận thức nhất định nhờ những bài học lịch sử. Bởi vì chúng ta học sử không phải để chìm đắm vào quá khứ mà để tìm thấy tương lai.

Học sử để thấy tương lai

Bởi vì chúng ta học sử không phải để chìm đắm vào quá khứ
mà để tìm thấy tương lai.

Dư luận xã hội những ngày qua thêm một lần nữa xôn xao về môn Lịch sử, sau Dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Không phải đến bây giờ, câu chuyện dạy sử, học sử mới trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Từ cách đây dễ đến gần 20 năm, giới nghiên cứu sử học nước nhà đã tổ chức rất nhiều hội thảo mà tại đó, một câu hỏi được đặt ra gay gắt: Làm sao để dân ta phải biết sử ta? Còn vào những ngày Thăng Long tròn nghìn năm tuổi, những điểm 0 lịch sử tràn ngập trong những bài thi học trò. Đổi mới cách dạy, cách học môn lịch sử được đặt ra như mệnh lệnh.

Trong những ngày qua, có nhiều ý kiến khác nhau, có những tuyên bố quyết liệt từ nhiều nhà sử học, nhà giáo trong kiến nghị cần phải giữ bộ môn lịch sử như một môn học độc lập và quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lắng nghe và tiếp thu. Nhưng mặt khác các nhà chuyên môn cũng nên nhìn nhận cặn kẽ để tìm ra sự đồng thuận. Tránh tình trạng chúng ta nói nhiều đến cải cách và đổi mới, nhưng rồi lại phản ứng trước mọi phương án đổi mới chỉ bởi làm khác đi so với trước.

Tích hợp lịch sử vào nhiều môn học khác hay giữ như một môn học độc lập? Việc này phải được nhìn vào nội dung và bản chất vấn đề thay cho những phản ứng tức thì. Chương trình giáo dục tổng thể đang được xây dựng theo hướng tích hợp mang ý nghĩa của sự cải cách để sửa lỗi của việc học nặng, học nhiều mà trước đó cũng chính dư luận quyết liệt đòi giảm tải. Vậy bản thân việc đổi mới chương trình theo hướng tích hợp các môn học chưa thể vội vàng phán xét là một sai lầm. Vấn đề là ở chỗ nội dung lịch sử trong chương trình tổng thể mới chiếm dung lượng như thế nào? Bộ có đổi mới đồng bộ cả hệ thống sách giáo khoa và giáo viên giảng dạy để phù hợp với sự tích hợp như lãnh đạo Bộ đang giải thích là “lịch sử được đề cập trong nhiều môn học khác nhau” hay không? Sự đổi mới để lịch sử trở nên hấp dẫn thể hiện ở đâu trong sự “tích hợp” sắp tới?

Làm rõ được những vấn đề này, Bộ có lẽ không còn lo dư luận “hiểu nhầm”!

Bởi vì suy cho cùng trong suốt nhiều năm qua khi lịch sử tồn tại trong tư cách một môn học độc lập, học trò vẫn không thuộc sử, “dân ta” vẫn chưa tường tận “sử ta”.

Cho nên vấn đề không phải ở chỗ là môn học độc lập hay tích hợp mà là ở chỗ trong chương trình tổng thể nội dung lịch sử gồm những gì, sẽ dạy thế nào cho học trò?

Lịch sử không thay đổi, sự thật lịch sử là bất biến. Không ai có thể làm thay đổi lịch sử của một dân tộc. Nhưng nhận thức lịch sử thì thay đổi. Điều này làm nên tính hấp dẫn của lịch sử bởi sự bí ẩn đòi hỏi khám phá không ngừng. Nói như một nhà sử học, lịch sử là chính trị. Bởi vậy nhận thức lịch sử tùy thuộc vào từng giai đoạn của đất nước. Nhưng, như vậy không có nghĩa là có quyền nhận thức sai về lịch sử. Có những sự thật lịch sử vì quyền lợi quốc gia ở vào một giai đoạn cụ thể chưa thể được công bố, nhưng cái gì đã công bố thì phải đúng sự thật – đây là luận điểm của GS Phan Huy Lê... Đó là lý do để lịch sử phải được học không phải chỉ với tư cách một kiến thức, một môn khoa học, mà còn để bồi đắp lên những nhận thức, những ý thức. Trong đó nhận thức lớn nhất đối với mỗi công dân là hun đắp lòng yêu nước.

Chúng ta không thể mãi tiếp tục lỗi hẹn trước lịch sử khi vẫn để những thế hệ học trò lớn lên trong sự mịt mùng về kiến thức lịch sử. Đổi mới cách dạy và cách học lịch sử đã là mệnh lệnh bức thiết lâu rồi. Các nhà sử học và các nhà biên soạn chương trình giáo dục hãy cùng đối thoại và lắng nghe nhau, để người viết sử viết cho lịch sử hay hơn, hấp dẫn hơn, để những bài giảng lịch sử không phải chỉ là sự mô tả những trận đánh khô khan, để trên bục giảng là những giáo viên dạy sử vừa truyền kiến thức vừa truyền cả tình yêu Tổ quốc. Đối thoại và lắng nghe, tiếp nhận thay vì cả hai bên đều cùng nói và không ai chịu ai.

Tự thân lịch sử đã cực kỳ hấp dẫn. Vậy phải thay đổi thế nào để trở thành môn học hấp dẫn với học trò? Dạo trước nhiều nhà nghiên cứu đã đặt ra một “cuộc cách mạng” trong dạy sử, bởi thời gian qua lịch sử chưa hấp dẫn do lỗi từ định hướng, nhận thức lịch sử đến làm chương trình, viết sách giáo khoa, đào tạo giáo viên môn lịch sử mà “khâu nào cũng có vấn đề”...

Chúng tôi còn nhớ khi trên báo Đại Đoàn kết liên tục mở các diễn đàn về dạy sử và học sử, chính ý kiến của nhiều thầy cô dạy sử đã đề nghị ngoài những thay đổi về chương trình, sách giáo khoa thì nên có nhiều cách dạy sử, nhiều cách để học trò tiếp cận với lịch sử như các chương trình ngoại khóa, như học sử qua tên làng, tên phố, qua lịch sử của mỗi gia đình, dòng họ...

Thay đổi như thế nào, bắt đầu từ đâu thì đây chính là lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đưa ra trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sắp tới. Đó phải là những cải cách thuyết phục với mục tiêu cuối cùng dù có tích hợp hay không là mỗi học sinh có đủ kiến thức và nhận thức nhất định nhờ những bài học lịch sử.

Bởi vì cho dù có nhiều môn học thời thượng có thể giúp mọi người kiếm được rất nhiều tiền, thì lịch sử vẫn là một trong những môn học quan trọng nhất của loài người!

Bởi vì chúng ta học sử không phải để chìm đắm vào quá khứ mà để tìm thấy tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sử để thấy tương lai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO