Học sư phạm, không làm giáo viên thì bồi hoàn kinh phí đào tạo thế nào?

X.Mai 05/05/2021 11:41

Từ năm học 2021-2022, chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm được thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong trường hợp học sư phạm nhưng khi tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục thì việc bồi hoàn kinh phí đào tạo sẽ thực hiện thế nào?

Về việc này, theo ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo): Nghị định 116 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Theo đó, từ năm học 2021-2022, sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,63 triệu đồng tiền đóng học phí bằng mức thu của trường, tiền sinh hoạt phí mỗi tháng. Đi cùng với đó có quy định chi tiết các trường hợp nào phải bồi hoàn, trường hợp nào không bồi hoàn kinh phí đào tạo.

Cụ thể:

-Trường hợp không phải bồi hoàn: Là những người đã công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp.

-Trường hợp phải bồi hoàn: Gồm những người không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; hoặc công tác không đủ thời gian công tác theo quy định; hoặc sinh viên sư phạm chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo; hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.

Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ như nghỉ học tạm thời, bị đình chỉ học tập tạm thời, sinh viên sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian nghỉ học hoặc bị đình chỉ học. Hoặc sinh viên dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần), dừng học vì lý do khác không do kỷ luật, được cơ sở đào tạo giáo viên xem xét cho tiếp tục học tập theo quy định, thì tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ.

Trách nhiệm thu hồi chi phí bồi hoàn được giao cho UBND cấp tỉnh (ra thông báo thu hồi và thông báo cho sinh viên sư phạm và gia đình đối với các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí). Trường hợp sinh viên hoặc gia đình chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn quá thời hạn quy định thì phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn.

Tối đa trong thời hạn 4 năm, kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi kinh phí sinh viên sư phạm, sinh viên và gia đình có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn. Số tiền thu hồi từ kinh phí bồi hoàn được nộp vào ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sư phạm, không làm giáo viên thì bồi hoàn kinh phí đào tạo thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO