Học trực tiếp: Vẫn còn khó khăn

Nhóm PV 12/12/2021 07:04

Trở lại trường học là điều mong muốn chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy, việc trở lại trường học gặp một số khó khăn, phần lớn xuất phát từ tâm lý còn e ngại yếu tố dịch bệnh của phụ huynh học sinh.

Còn tâm lý e ngại

Phải khẳng định ngay một điều, học trực tiếp là vô cùng cần thiết và mang tới sự tương tác hiệu quả cao giữa thầy và trò, điều mà học trực tuyến (online) khó lòng có được. Không những thế, học trực tiếp còn gỡ khó cho nhiều nhà trường, và nhất là phụ huynh được “cởi trói” để có thể tập trung vào làm việc, thay vì phải cắt cử ở nhà trông con. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có lý do thuộc về tâm lý, nhiều phụ huynh vẫn chưa yên tâm cho con tới trường dù nhiều tỉnh, thành đã mở cửa trường học trở lại.

Tại Hà Nội, theo quyết định của UBND TP Hà Nội, từ ngày 6/12, toàn bộ học sinh khối 12 các trường THPT, trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn Thủ đô được phép đến trường học trực tiếp theo hình thức luân phiên. Song, ghi nhận từ thực tế, có những trường chỉ đông học sinh đến buổi đầu, còn các buổi sau thưa vắng dần.

Tại Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa), ngày 9/12, có 200/279 học sinh của nhóm học ngày lẻ đến trường, chiếm hơn 70%. Những ngày trước đó, tỷ lệ các em đi học trực tiếp đạt xấp xỉ 80%. Một số em không đến lớp vì những lý do khác nhau.

“Một bộ phận phụ huynh có tâm lý lo ngại trước tình hình dịch tại Hà Nội còn phức tạp nên chưa cho con đến lớp. Chúng tôi luôn quán triệt với giáo viên chủ nhiệm cần tiếp tục tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh về các giải pháp của trường trong công tác phòng chống dịch. Nhà trường luôn sẵn sàng các phương án để bảo đảm an toàn cho học sinh”, ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) cho biết.

Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, tính đến hết 9/12, bên cạnh một số cụm trường có tỷ lệ học sinh đến trường cao, vượt 90% gồm Cầu Giấy -Thanh Xuân 94,16%; Chương Mỹ -Thanh Oai 96,1%; Ba Vì 95%... thì cũng có những cụm trường THPT có tỷ lệ học sinh lớp 12 đi học thấp nhất là 77,96%, nhưng Sở chưa thông tin rõ. Kế đó, cụm Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng đạt 78,4%.

Đây là khu vực có phường Phố Huế đạt cấp độ 3 về phòng dịch và nhiều địa điểm đang bị phong tỏa. Ở cụm này, Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) chỉ có khoảng 6% học sinh trở lại, thậm chí có ngày chỉ có 1 học sinh đến trường.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội nhận định, việc một số phụ huynh còn tâm lý e ngại, chưa cho con trở lại trường là bình thường. Tuy vậy, ông Tiến cũng lưu ý các nhà trường cần tiếp tục tuyên truyền để phụ huynh và học sinh nhận thức được đầy đủ về giá trị của việc học trực tiếp so với học trực tuyến cũng như công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường. Đồng thời, chuẩn bị các kịch bản khi phát hiện tình huống nghi nhiễm ở trường học.

Nếu học sinh là những ca buộc phải cách ly, nhà trường cần phối hợp linh hoạt giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến. Những em ở nhà không đến lớp cũng có thể được nghe thầy cô giảng và không bị chậm kiến thức so với bạn bè được đến lớp.

Phải dừng học khi có F0

Bên cạnh tâm lý e ngại vẫn còn, trong mấy ngày gần đây, một số trường học ở Hà Nội, Đà Nẵng đã phải tam dừng đón học sinh đến học trực tiếp do trong trường xuất hiện F0. Cụ thể, ngày 11/12, theo thông tin từ Sở GDĐT TP Đà Nẵng, đã đề xuất tạm dừng cho học sinh lớp 1 đến trường học trực tiếp từ ngày 13/12.

Thông tin với báo chí, lãnh đạo Sở GDĐT Đà Nẵng cho biết, sau 1 tuần học sinh lớp 1 đến trường, đã có nhiều vấn đề phát sinh. Tính đến ngày 10/12, trên địa bàn thành phố có 29 trường tiểu học chưa thể tiến hành dạy học trực tiếp hoặc chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến vì trường ở vùng dịch Covid-19 có cấp độ 3. Có 18 trường tiểu học phải kết hợp hai hình thức dạy học đối với những lớp có bệnh nhân Covid-19 liên quan giáo viên, học sinh, hoặc thầy trò đang ở vùng dịch Covid-19 có cấp độ 3.

Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến hết sức phức tạp. Số ca mắc ngày càng tăng nhanh, nhất là số ca cộng đồng.

Để đi đến quyết định đề xuất lãnh đạo thành phố tạm dừng cho học sinh đến trường học trực tiếp, Sở GDĐT Đà Nẵng đã yêu cầu các trường tiểu học tổ chức khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh về phương án tổ chức dạy học đối với lớp 1 sau 3 ngày học trực tiếp. Kết quả có hơn 77% phụ huynh đề nghị không tiếp tục dạy học trực tiếp; hơn 13% đề nghị tiếp tục học trực tiếp và hơn 9% không có ý kiến.

Trong hơn 10.000 ý kiến góp ý của phụ huynh, nội dung chủ yếu là đề nghị tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 1; chỉ tổ chức dạy học trực tiếp khi tình hình dịch được kiểm soát hoặc chờ sang học kì II, qua Tết Nguyên đán sẽ tính phương án. Một số phụ huynh bày tỏ mong muốn tổ chức dạy học trực tiếp nhưng yêu cầu chia lớp nhỏ 10-15 học sinh, tăng cường công tác phòng, chống dịch.

Trong khi đó, tại Hà Nội, 2 trường THCS tại 2 huyện Phú Xuyên và huyện Thường Tín cũng đã tạm dừng việc học trực tiếp, do ghi nhận có học sinh mắc Covid-19. Theo đó, Trường THCS Tri Thủy (Phú Xuyên, Hà Nội) ghi nhận 1 học sinh mắc Covid-19 sau chưa đầy 1 tháng khối lớp 9 trở lại trường.

Trước đó, sáng 7/12, một học sinh lớp 9 (nam) đến trường học trực tiếp. Tại khu vực cổng trường, nhà trường tiến hành đo thân nhiệt, phát hiện trường hợp trên sốt, có triệu chứng nghi mắc Covid-19. Nhà trường đã đưa học sinh trên đi xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính, kết quả PCR sau đó khẳng định.

Còn tại huyện Thường Tín, cũng trong sáng 10/12, khi phát hiện một học sinh lớp 9 tại Trường THCS Minh Cường mắc Covid-19, nhà trường đã yêu cầu tạm dừng việc học trực tiếp, chuyển sang học online.

Tất nhiên, những diễn tiến này không phải là điều quá bất ngờ mà đều nằm trong các kịch bản được ngành giáo dục yêu cầu các trường chuẩn bị để sẵn sàng thích ứng. Nhưng rõ ràng, con đường trở lại trường học trực tiếp của học sinh trong năm học 2021-2022 này là không dễ dàng. Điều này đồng nghĩa với việc các thầy cô giáo, phụ huynh cũng cần chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng thích ứng và chấp nhận.

Trước lo lắng của phụ huynh về các tiêu chí an toàn tại trường học, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội khẳng định, đã có bộ tiêu chí để xác định thế nào là trường học an toàn, đủ điều kiện mở cửa. Trong đó, một số yêu cầu cơ bản là đảm bảo nguyên tắc “một cung đường, hai điểm đến”, không tổ chức ăn bán trú, giáo viên phải tiêm đủ hai mũi vaccine mới được dạy trực tiếp.

Ông Cương cho biết, sẽ đề xuất để ngành giáo dục phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục tuyển dụng, tăng cường nhân viên y tế trường học.

“Mong phụ huynh và giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh tự giác phòng dịch”, ông Cương nói, đồng thời bày tỏ hy vọng việc học trực tiếp sẽ thành công “nếu mọi người cùng có trách nhiệm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học trực tiếp: Vẫn còn khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO