Học trực tuyến hay trực tiếp đều phải thực chất

Hàn Minh 11/12/2021 06:30

Theo phương án điều chỉnh của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, tuần vừa qua có 50% học sinh (HS) lớp 12 tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được phân công lịch học trực tiếp theo ngày lẻ (thứ 3, 5, 7) hoặc ngày chẵn (thứ 2, 4, 6), những ngày còn lại học trực tuyến.

“Vất vả hơn nhưng hiệu quả”

Em Trần Thị Khánh Huyền (lớp 12D4, Trường THPT Ngọc Hồi, Hà Nội) cho biết, sau 1 tuần trở lại trường, tâm trạng hào hứng vẫn còn nguyên bởi đây là năm cuối cùng của thời học sinh, đi học vừa là để tích lũy tri thức, vừa là lưu giữ những kỷ niệm cùng thầy cô, bạn bè dưới mái trường phổ thông - điều mà học trực tuyến không đem lại được vì không gian học là ở nhà.

“Tuần vừa rồi chúng em vừa học một phần kiến thức mới, vừa ôn luyện lại những kiến thức đã học trực tuyến trước đó. Nhiều vấn đề khó được các bạn trực tiếp hỏi các thầy cô và được giải đáp tại lớp học, rất gần gũi và dễ hiểu hơn hẳn so với việc nghe qua máy tính. Nên những ngày học trực tiếp rất sôi nổi, trong khi những buổi học trực tuyến thì thiên về soạn bài, tự học hơn vì không mất thời gian di chuyển đến trường” - Khánh Huyền chia sẻ.

Cô giáo Lê Thị Lan - giáo viên Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông) cho biết, thống kê mỗi buổi học, học sinh của các lớp được đi học trực tiếp đều rất đầy đủ nên chỉ phải tập trung dạy trực tiếp cho HS trong lớp, khác với một số trường học sinh đến lớp ít, giáo viên vừa dạy trực tiếp cho HS đến lớp, vừa giảng bài cho HS học trực tuyến ở nhà.

“Vì thời khóa biểu xếp xen kẽ giữa lớp học trực tiếp và lớp học trực tuyến nên giáo viên mang sẵn máy tính đến trường, khi cần dạy trực tuyến sẽ sang phòng riêng được nhà trường bố trí để tập trung dạy học. Nhìn chung, dạy trực tiếp giữa thầy và trò vẫn kết nối tốt hơn nên tranh thủ thời gian vàng để giải đáp những thắc mắc của các em” - cô Lan nói và chia sẻ thêm, những tiết học trực tiếp đầu tiên, cô không muốn gây áp lực cho HS mà dành sự quan tâm đặc biệt đến những em thường ngày học trực tuyến ít tương tác. Về cơ bản, được đến trường, các em vui tươi, hồ hởi và trả lời giáo viên nhiều, nhanh hơn học trực tuyến.

Theo phương án điều chỉnh của Sở GDĐT Hà Nội, tuần vừa qua có 50% HS lớp 12 tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được phân công lịch học trực tiếp theo ngày lẻ (thứ 3, 5, 7) hoặc ngày chẵn (thứ 2, 4, 6), những ngày còn lại học trực tuyến. Điều này khiến các thầy cô khá vất vả khi vừa phải soạn giáo án dạy trực tiếp, vừa có giáo án dạy trực tuyến.

Tăng tốc hiệu quả

Đã gần hết học kỳ I, học trò cuối cấp của Hà Nội gồm lớp 9 và 12 đã được đến trường học trực tiếp ở nhiều địa bàn (trừ HS ở vùng cấp độ dịch 3, 4). Tuy nhiên, đa số các khối lớp học khác vẫn học trực tuyến nên nhiều thầy cô phải vừa tham gia giảng dạy trực tiếp, vừa đảm bảo việc dạy trực tuyến. Vì vậy, việc trang bị cơ sở vật chất để đảm bảo việc học không bị gián đoạn là đòi hỏi cấp thiết từ phía các trường.

Ông Hoàng Chí Sỹ, Hiệu trưởng Trường THPT Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, trường có tổng 390 HS khối 12 với 11 lớp. Trừ 2 HS đang là F1, F2 phải học trực tuyến thì HS đến trường học trực tiếp rất đầy đủ. Để chuẩn bị cho việc dạy học trực tuyến và trực tiếp, nhà trường đã lắp đầy đủ thiết bị dạy - học với máy tính, camera, đường truyền mạng tốc độ cao cho 18 phòng học của trường.

“Ngoài giờ lên lớp dạy trực tiếp, các thầy cô cũng được bố trí phòng dạy trực tuyến ngay tại trường với cơ sở vật chất đảm bảo. Về chương trình dạy, Ban Giám hiệu và giáo viên đã họp và thống nhất trong tuần đầu tiên phần lớn dành thời lượng để ôn tập, củng cố kiến thức cho HS để các em nắm chắc những nội dung đã học trong thời gian học trực tuyến” - ông Sỹ thông tin.

Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) là một trong những trường có số HS lớp 12 đi học trực tiếp khá ít. Bà Vũ Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông cho biết, dù chỉ có một HS đến trường cũng vẫn thực hiện dạy học trực tiếp bình thường. Khi đó, thầy cô ngồi trên bục giảng dạy trực tiếp cho những HS đến trường. Cùng với đó, những HS không đến trường cũng được kết nối trực tuyến qua màn hình máy chiếu để tương tác, hỏi đáp nếu có nhu cầu. Do vậy không ảnh hưởng đến tiến độ học tập và chất lượng bài giảng. Nhà trường đã trang bị 100% lớp học có máy chiếu, hệ thống đường truyền internet tốc độ cao với bộ phát wifi cho từng lớp để đảm bảo yêu cầu dạy học.

Do đặc thù từng khu vực, nên với các trường tổ chức cho HS đi học trực tiếp vẫn có một số HS không đến trường do thuộc các đối tượng trong khu phong tỏa, thuộc diện F0, F1, F2, ốm đau… và cũng có những em nghỉ học do bản thân và phụ huynh vẫn còn băn khoăn khi đến trường. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, Sở chỉ đạo các trường cần quan tâm rà soát, xem xét, lên danh sách để những HS này vẫn đảm bảo cơ hội học tập. Có thể học cùng/ghép với HS các lớp khác hoặc có thể được tổ chức học vào các buổi chiều/tối trên cơ sở quyền lợi học tập của các em cũng được đảm bảo đầy đủ như các học HS khác. Bên cạnh đó cũng cần cân đối để phân công hợp lý việc dạy học cho giáo viên, tránh quá tải khi vừa phải đảm bảo soạn bài trực tuyến, vừa dạy trực tiếp lại ôn luyện, củng cố thêm cho HS những phần chưa nắm vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học trực tuyến hay trực tiếp đều phải thực chất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO