Hỏi - đáp mùa Covid

Trần Hưng 12/09/2021 08:00

Trong khi nhiều tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhiều câu hỏi liên quan đến sức khỏe và việc tiêm vaccine được đặt ra.

Tiêm vaccine mũi 2 chậm hơn khuyến cáo có sao không?

- Hiện nay, tại Việt Nam, hiện có 6 loại vaccine Covid-19 đang được tiêm. Vaccine phòng chống Covid-19 tốt nhất là vaccine được tiêm vào cơ thể bạn sớm nhất. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế hiện nay, những người đã tiêm mũi 1 loại vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vaccine cùng loại. Người đã tiêm vaccine Sinopharm, Pfizer, Moderna được chỉ định tiêm 2 mũi cùng loại. Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, nếu đã tiêm mũi một là vaccine AstraZeneca thì có thể tiêm mũi 2 là vaccine Pfizer. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 8-12 tuần.

Tuy nhiên, trong tình trạng khan hiếm vaccine hiện nay, thực tế có người đã tiêm mũi 1 nhưng quá thời hạn vẫn chưa được tiêm mũi 2.

TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) cho biết: “Những khuyến cáo về mốc thời gian (khoảng cách giữa 2 mũi tiêm) mà nhà sản xuất đưa ra là mốc lý tưởng nhất, trong bối cảnh dồi dào và sẵn nguồn vaccine. Còn trong tình trạng thiếu vaccine như hiện nay ở Việt Nam, việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo không ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine. Người dân không phải tiêm lại từ đầu các mũi vaccine”.

Vaccine phòng chống Covid-19 bảo vệ cơ thể bao lâu?

- Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh (Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) cho biết, hiệu quả bảo vệ kéo dài của vaccine được đánh giá dựa trên những đánh giá dài hạn sau khi vaccine được lưu hành. Các vaccine phòng Covid-19 chỉ mới được đưa vào sử dụng khoảng một năm nên không có dữ liệu nghiên cứu hiệu quả dài hơn khoảng thời gian này.

Dữ liệu của Pfizer đưa ra hồi tháng 7/2021 dựa trên đánh giá hiệu quả vaccine thực hiện trên 44.000 người ở Mỹ và các quốc gia khác, cho thấy hiệu quả chung của vaccine sau khi tiêm 2 mũi từ 91% giảm còn 84% sau 6 tháng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hiệu quả của vaccine Pfizer là mạnh nhất ở mức 96,2% trong khoảng từ 1 tuần đến 2 tháng sau khi tiêm liều thứ hai, trung bình giảm 6% mỗi hai tháng. Hiệu quả vaccine ổn định 97% đối với phòng bệnh Covid-19 nặng.

Theo một công bố của hãng Moderna vào tháng 8/2021, vaccine của Moderna hiệu quả chung là 93% trong 6 tháng và 98% đối với bệnh Covid-19 nặng sau khi tiêm đủ hai mũi. Tuy nhiên, những dữ liệu mới nhất này không đánh giá hiệu quả chống lại chủng Delta.

Hiện, chưa có nghiên cứu công bố về hiệu quả kéo dài của vaccine trong thế giới thực của vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca và Sinopharm.

Công bố hồi tháng 7 của Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) về hiệu lực bảo vệ của các vaccine phòng Covid-19 sau nghiên cứu lâm sàng như sau: Hiệu lực bảo vệ chống lại bệnh Covid-19 có triệu chứng sau một liều tiêm của vaccine AstraZeneca là 73%, Moderna là 85%, Pfizer là 82%.

Hiệu lực bảo vệ chống lại bệnh Covid-19 nặng hoặc nhập viện từ 21 ngày sau liều đầu tiên của vaccine AstraZeneca là 100%, Moderna là 100%, Pfizer là 83%, Sinopharm là 79%.

Hiệu lực bảo vệ chống lại Covid-19 có triệu chứng sau hai liều tiêm của vaccine AstraZeneca là 67%, của Moderna là 95%, Pfizer là 94%, Sinopharm là 78%.

Tiêm vaccine có ảnh hưởng tới sinh sản hay không?

- Cách đây ít lâu, trên mạng xã hội tại Đức xuất hiện tin đồn vaccine Covid-19 dẫn đến vô sinh với lập luận rằng người tiêm không chỉ hình thành kháng thể với virus SARS-CoV-2 mà với cả protein cần thiết để nhau thai phát triển trong tử cung.

Các nhà khoa học đã lấy vaccine công nghệ mRNA như BioNTech-Pfizer và Moderna để phân tích.

Sau đó, 2 nhà nghiên cứu Udo Markert và Ekkehard Schleussner tại Bệnh viện Đại học ở thành phố Jena (Đức) nhấn mạnh rằng tin đồn này hoàn toàn không đúng sự thật. Họ còn khuyên mọi phụ nữ nên tiêm vaccine để bảo vệ mình trước Covid-19.

Không chỉ với nữ giới, còn có tin đồn rằng vaccine gây ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng sinh sản của nam giới. Một nghiên cứu tại Mỹ đã chứng minh điều ngược lại. Họ đã nhận thấy tinh trùng của 45 nam giới tham gia nghiên cứu không bị ảnh hưởng sau khi tiêm vaccine công nghệ mRNA.

GS Ranjith Ramasamy tai Đại học Miami (Mỹ), người cũng tham gia cuộc nghiên cứu kết luận: “Trái ngược với tin đồn trên mạng xã hội, vaccine Covid-19 không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới”.

Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khẳng định trên tại tài khoản twitter chính thức của WHO rằng: “Các loại vaccine mà chúng tôi cung cấp không dẫn đến vô sinh. Đây là những tin đồn được lan truyền về các loại vaccine khác nhau, điều này không đúng sự thật”.

Nguy cơ tiến triển các triệu chứng Covid-19 mức độ nặng có tương tự ở tất cả các bệnh nhân có tình trạng bệnh tim mạch khác nhau hay không?

- Theo PGS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng (Viện trưởng Viện Tim Mạch Việt Nam), bản chất của việc nhiễm virus là giống nhau ở tất cả mọi người. Virus lan truyền qua các giọt bắn trong không khí từ người nhiễm bệnh khi ho, hắt hơi hay nói chuyện; hoặc thông qua tiếp xúc với các bề mặt nhiễm virus do virus corona có thể tồn tại vài giờ đến vài ngày trên các bề mặt như bàn ghế hay tay nắm cửa.

Một khi virus đã thâm nhập vào cơ thể, nó gây tổn thương trực tiếp lên hai lá phổi và kích hoạt một loạt các phản ứng viêm, gây ra các stress lên hệ tim mạch theo 2 cách. Thứ nhất, do phổi bị nhiễm virus, lượng oxy trong máu bị giảm xuống đáng kể và thứ hai, các phản ứng viêm gây ra bởi bản thân virus làm tụt huyết áp. Trong trường hợp đó tim phải hoạt động nhiều hơn và khó khăn hơn trong việc vận chuyển oxy đến các cơ quan chính trong cơ thể.

Các đối tượng được xác định là có nguy cơ cao hơn là các nhóm bệnh nhân sau:

- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch, như các bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân ung thư đang điều trị hóa chất hoặc xạ trị toàn thân, bệnh nhân có leucemia hoặc u lympho có bệnh tim kết hợp, những nhóm bệnh nhân này về lý thuyết có nguy cơ nhiễm virus và không chống chịu được các hậu quả gây ra bởi virus.

- Các nhóm nguy cơ cao khác gồm các bệnh nhân tim mạch cao tuổi, hoặc suy yếu, hoặc phụ nữ có thai hoặc mắc các bệnh lý tim mạch kết hợp.

- Các bệnh nhân có các tình trạng bệnh tim mạch nặng như suy tim nặng (do bất kỳ nguyên nhân nào), bệnh cơ tim giãn, các thể tiến triển của bệnh cơ tim thất phải có rối loạn nhịp và bệnh tim bẩm sinh có tím là các bệnh nhân có nguy cơ cao nhất.

- Các bệnh nhân có bệnh cơ tim phì đại thể tắc nghẽ cũng có thể xếp vào nhóm có nguy cơ cao tương tự như trên.

Những người bệnh tim mạch đồng thời bị đái tháo đường hoặc tăng huyết áp có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn hay không?

- PGS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng (Viện trưởng Viện Tim Mạch Việt Nam) cho biết, dựa trên những dữ liệu từ Trung Quốc, nơi dịch bệnh bắt đầu khởi phát, cho thấy tỷ lệ lớn những bệnh nhân tử vong và những ca nặng có những bệnh lý kết hợp kèm theo như đái tháo đường và tăng huyết áp. Sau này, các báo cáo trên toàn thế giới cũng khẳng định vấn đề trên. Cơ chế của vấn đề còn chưa hàn toàn rõ, có thể liên quan đến cơ chế chung về phản ứng viêm thái qua và quá trình rối loạn đông máu ở nhóm bệnh nhân này sẽ tiến triển nặng hơn.

Bên cạnh đó, có thể do tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp trong quần thể dân cư thường là những đối tượng cao tuổi (trên 70 tuổi), nhóm có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất.

Một số ý kiến cho rằng vấn đề này có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc ức chế men chuyển (ACE-inhibitors) hoặc thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (ARB), những thuốc thường được sử dụng để điều trị tăng huyết áp. Cần nhấn mạnh là đây chỉ là giả thuyết chưa được chứng minh bằng các bằng chứng lâm sàng. Các hiệp hội y khoa lớn như Hội Tim mạch châu Âu, Hội Tim mạch Anh và Hội Tim mạch Hoa Kỳ vẫn khuyến cáo tiếp tục sử dụng các loại thuốc này (do các tác dụng có lợi của chúng đã được biết đến rộng rãi) trong khi vẫn tiếp tục theo dõi tiến triển của các bệnh nhân với tăng huyết áp và đái tháo đường.

4 điều không nên khi tiêm vaccine

1. Không để bụng đói trước khi tiêm. Nhịn đói trước tiêm có thể gây chóng mặt, ngất xỉu, đặc biệt nếu bạn là người sợ kim tiêm.

2. Không uống rượu, bia trước và sau tiêm. Rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vaccine.

3. Không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm. Caffein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.

4. Không ăn nhiều chất béo bão hòa. Thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng, chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỏi - đáp mùa Covid

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO