Hồi âm bài báo 'Nam Định: Cơ cực gia cảnh người từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc'

Duy Hưng 28/07/2021 17:00

Sau khi Báo Đại Đoàn Kết đăng bài, chính quyền các cấp ở tỉnh Nam Định, các ngành chức năng đã vào cuộc, chỉ đạo, xem xét và đang thực hiện quy trình giải quyết các chế độ, chính sách cho nhân vật trong bài viết.

Ba cấp chính quyền vào cuộc

Ngày 13/6, Đại Đoàn Kết Online đăng bài “Nam Định: Cơ cực gia cảnh người từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc”, phản ánh tình trạng khó khăn của bà Trần Thị Thêm, 65 tuổi, ở xóm 5, thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Theo đó, năm 1978, hưởng ứng kêu gọi của Đảng, nhà nước, khi đó ở tuổi 22, bà Thêm cùng một số thanh niên ở xã Nam Dương đã lên biên giới phía Bắc làm công nhân kiêm tự vệ của Nông trường quốc doanh Sa Pa (đứng chân tại xã Tả Phìn, nay thuộc Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai).

Tại đây, từ tháng 2/1979 bà đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra; gắn bó, trải qua tổng cộng 11 năm 4 tháng làm công nhân kiêm tự vệ nông trường nơi miền biên viễn khắc nghiệt.

Đến năm 1990, sau nhiều năm chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất ở địa bàn đặc biệt khó khăn, sức khỏe của bà Thêm không đảm bảo để tiếp tục lao động sản xuất; được Nông trường Sa Pa cho nghỉ việc diện không chế độ, về quê.

Từ đó đến nay, bà Thêm lâm cảnh rất khó khăn, mẹ già, nhiều chị em trong gia đình cùng cảnh không chồng, không con, bản thân bà ốm yếu, mù lòa nhưng vẫn phải vất vả mưu sinh.

Những năm gần đây, bà Thêm có làm đơn kiến nghị các cấp chính quyền ở địa phương xem xét giải quyết chế độ chính sách dành cho người đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, có 12 năm làm công nhân Nông trường quốc doanh Sa Pa; chế độ dành cho người cô đơn, tàn tật, mù lòa nhưng chưa được giải quyết.

Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.

Sau khi báo đăng bài, ngày 18/6 Văn phòng UBND tỉnh Nam Định phát đi văn bản gửi Sở Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND huyện Nam Trực truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định giao Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND huyện Nam Trực và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của Báo Đại Đoàn Kết, xem xét giải quyết, báo cáo UBND tỉnh.

Tiếp đến, ngày 23/6, Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Nam Định có văn bản gửi UBND huyện Nam Trực về việc kiểm tra, giải quyết chế độ chính sách đối với bà Thêm.

Theo báo cáo ngày 6/7 của UBND huyện Nam Trực gửi UBND tỉnh và các cơ quan liên quan của tỉnh, thực hiện các băn bản chỉ đạo trên, UBND huyện Nam Trực đã chỉ đạo Phòng Lao động Thương binh Xã hội chủ trì phối hợp cùng Ban Chỉ huy Quân sự huyện, UBND xã Nam Dương kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung đề nghị của bà Thêm.

Đến ngày 25/6 , lãnh đạo, cán bộ Phòng Lao động-thương binh-xã hội huyện đã về nhà bà Thêm kiểm tra, xác minh thực tế.

Tiếp đến, ngày 29/6, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trực Vũ Tiến Duật đã chủ trì buổi làm việc với sự tham dự của lãnh đạo Ban chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; lãnh đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện; lãnh đạo UBND xã Nam Dương, công chức Lao động-thương binh-xã hội xã, trưởng xóm nơi bà Thêm cư trú đồng thời là người năm 1978 đã đi cùng bà Thêm lên biên giới làm công nhân Nông trường quốc doanh Sa Pa.

Trên cơ sở kết quả xác minh thực tế tại nhà bà Thêm, các giấy tờ liên quan, tại buổi làm việc, căn cứ kết quả làm việc giữa các thành phần tham gia, căn cứ các quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ (về chế độ chính sách đối với đối tượng tham gia bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc-PV) và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND huyện Nam Trực đã thống nhất giao UBND xã Nam Dương chỉ đạo thực hiện hoàn thiện hồ sơ giải quyết chế độ cho bà Thêm theo quy định tại Quyết định số 62.

Ngày 1/7, UBND xã Nam Dương có báo cáo UBND huyện, cho biết đã hoàn thiện hồ sơ giải quyết chế độ chính sách theo quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, căn cứ kết quả xác minh thực tế, căn cứ quy định tại Quyết định số 62 và các văn bản hướng dẫn, UBND xã Nam Dương đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần cùng các chế độ đi kèm theo Quyết định số 62 cho bà Thêm, với thời gian tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc là 2 năm 3 tháng.

Mới đây, thông tin với Đại Đoàn Kết Online, bà Trần Phương Thảo, Trưởng phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện Nam Trực cho biết, Phòng đã nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị của xã Nam Dương và đã chuyển lên Sở Lao động Thương binh Xã hội để Sở thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định ra quyết định giải quyết.

Cũng theo báo cáo của UBND huyện Nam Trực, qua tìm hiểu thực tế của Phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện về hoàn cảnh hiện tại bà Thêm ốm đau, mù lòa, nằm liệt giường, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào người chị gái sống cùng nhà; xét đề nghị của trưởng xóm, UBND xã Nam Dương, UBND huyện Nam Trực đã giao UBND xã hướng dẫn gia đình bà Thêm hoàn thiện hồ sơ để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP (về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người Khuyết tật); Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ/CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ (quy định chính sách xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội).

Văn bản báo cáo của UBND huyện Nam Trực.

Như vậy, nếu các nội dung đề nghị trên được cấp có thẩm quyền ở tỉnh Nam Định giải quyết, bà Thêm sẽ được hưởng 2 chế độ gồm: chế độ trợ cấp 1 lần và các chế độ kèm theo (bảo hiểm y tế, mai táng phí) theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ; chế độ trợ cấp hằng tháng dành cho người khuyết tật.

Qua đây, Báo Đại Đoàn Kết ghi nhận, hoan nghênh tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, vấn đề báo nêu cũng như sự vào cuộc chỉ đạo, xem xét, giải quyết chế độ, chính sách cho nhân vật trong bài viết của chính quyền các cấp, ngành chức năng ở tỉnh Nam Định.

Cộng đồng giúp đỡ, sẻ chia

Cũng liên quan đến bài báo, theo bà Thêm, sau khi báo đăng bài viết, đại diện Hội Phụ nữ huyện Nam Trực, Hội Phụ nữ xã Nam Dương đã tới nhà thăm hỏi, tặng quà. Trong đó, Hội Phụ nữ huyện cho biết sẽ đề nghị hỗ trợ xe lăn cho bà Thêm, giúp bà thuận tiện hơn trong việc đi lại.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết trao tiền hỗ trợ của cộng đồng tới bà Thêm.

Bên cạnh đó, sau khi bài viết được đăng, một số cá nhân ở địa phương, trong đó có người là cựu quân nhân thông qua phóng viên Báo Đại Đoàn Kết thường trú tại địa bàn đã gửi một số tiền ủng hộ bà Thêm, với mong muốn giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người từng dành cả tuổi thanh xuân tham gia bảo vệ, phát triển biên giới phía Bắc.

Tiền ủng hộ của các cá nhân đã được phóng viên chuyển tới bà Thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi âm bài báo 'Nam Định: Cơ cực gia cảnh người từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO