Vào những ngày cuối Thu năm Đinh Dậu chúng tôi được tham gia Đoàn Cấp cao của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam có chuyến thăm và làm việc tại thành phố Paris, Thủ đô nước Cộng hoà Pháp. Trong chuyến thăm, Đoàn đã có buổi gặp mặt thật đầm ấm, gần gũi, chân tình và cởi mở với Hội người Việt Nam tại Pháp (HNVNTP) và một số bà con Việt kiều. Ông Dương Kim Hùng - Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam - Chủ tịch HNVNTP cùng các vị trong cộng đồng và đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hoà Pháp cùng thân mật
Bà con Việt kiều với đoàn công tác.
Trụ sở của HNVNTP nằm ở tầng 1, nhà số 15 đường Petit Musc, quận 5, thành phố Paris, cách sông Seine không xa... HNVNTP là hội đoàn lớn, có truyền thống từ Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập từ năm 1919, có bề dày lịch sử đến nay vừa tròn 100 năm. Ngay từ tháng 5/1930, Tổng hội sinh viên Đông Dương đã kêu gọi biểu tình trước Điện Elyse’es (dinh Tổng thống) phản đối án tử hình và đòi trả tự do cho tất cả những người tham gia khởi nghĩa ở Yên Bái. Cuộc biểu tình bị đàn áp: 37 người bị bắt, 7 người bị trục xuất về Việt Nam, Tổng hội sinh viên Đông Dương bị đình chỉ hoạt động... Tháng 2/1945, tại trại Bergerac, lính thợ Việt Nam làm việc ở kho đạn biểu tình chống sự hà khắc của bọn quản đốc, bị đàn áp dã man làm 1 người chết và 17 người khác bị bắt bớ, giam cầm. Tháng 9/1945, báo chí ở Pháp và nhiều nước đưa tin: tại Hà Nội, ngày 2/9, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được thành lập, tuyên bố nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Anh em lính chiến và lính thợ Việt Nam đấu tranh thắng lợi và được treo cờ Việt Nam song song với cờ Pháp thay vì trước đó chỉ treo cờ Pháp trong các trại công binh, chiến binh Việt Nam ở Pháp.
Sau sự kiện 23/9/1945 quân Pháp núp sau quân Anh, Ấn gây hấn ở Nam Bộ, nhân dân Nam Bộ vùng lên kháng chiến, ngày 18/10/1945, bất chấp sự đàn áp của nhà cầm quyền, tất cả công chiến binh tại Pháp đình công phản đối thực dân Pháp gây chiến ở miền Nam Việt Nam. Ngày 19/10/1945, Tổng Ủy ban đại diện người Đông Dương (Việt Nam) bị nhà cầm quyền Pháp đình chỉ hoạt động. Từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1952, hầu hết các hội đoàn Việt Nam yêu nước ở Pháp đều đi vào hoạt động bí mật do bị chính quyền sở tại cấm hoạt động. Đầu năm 1953, một số cán bộ phong trào bị khám xét nhà, bị hỏi cung, 6 người bị trục xuất đưa về Sài Gòn. Văn hóa Liên hiệp - tổ chức tập hợp trí thức cũng bị cấm hoạt động. Tháng 12/1959, Liên hiệp Việt kiều bị cấm hoạt động. Đầu năm 1963, hàng loạt anh chị em hội viên tích cực của phong trào bị khám xét nhà, bị hỏi cung, 4 người bị khởi tố “âm mưu lập lại đoàn thể bị cấm”... Cho nên, rất ít người dám giữ lại trong nhà những tài liệu, hình ảnh hoạt động của các hội đoàn đang bị nhà cầm quyền sở tại cấm. Vì thế, việc sưu tầm, lưu giữ các tài liệu, kỷ vật đến nay hết sức khó khăn.
Cộng đồng người Việt tại Pháp đến nay có trên 30 vạn người, trong đó khoảng trên 4 vạn người có trình độ đại học và trên đại học thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, nhiều chuyên gia, nhà khoa học có uy tín trên trường quốc tế. Riêng trong đội ngũ các nhà khoa học, trí thức có không ít người là giáo sư đại học, giám đốc, chuyên gia, nhà nghiên cứu có tên tuổi trong xã hội, trong giới nghiên cứu và trong cả các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tại Pháp và châu Âu. Tuyệt đại đa số người Việt ở Pháp, trong đó có những người sinh trưởng và lớn lên ở nước sở tại đều có tình cảm và gắn bó với quê hương, có tinh thần dân tộc. Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg (ngày 17/8/2007) của Thủ tướng ban hành về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được họ quan tâm và nồng nhiệt đón nhận, đưa mọi người ngày càng gắn bó nhiều hơn với quê cha, đất tổ.
Trong mọi sinh hoạt, hoạt động yêu nước của đồng bào tại Pháp không chỉ tập trung ở vùng Paris và ngoại ô, mà trên toàn nước Pháp. Tỉnh thành nào có cộng đồng người Việt là nơi đó có chi hội. HNVNTP hiện nay có nhiều các hoạt động hữu ích như: giúp đỡ cho đồng bào mới sang hoà nhập cộng đồng; tổ chức hoạt động Nhịp cầu thân ái, quyên góp, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào trong và ngoài nước gặp khó khăn; tổ chức các trại hè thiếu nhi, mở các lớp dạy múa, hát, văn nghệ, thể thao, học tiếng Việt, giữ gìn bản bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam trong cộng đồng nhất là giới trẻ...
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã phát biểu những tình cảm chân thành, đầm ấm với Đoàn công tác, một lòng tha thiết hướng về quê hương, đất nước. Nhiều ý kiến ôn lại truyền thống: Năm 1946 khi nước nhà mới giành độc lập Bác Hồ và Đoàn Ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tham dự Hội nghị Fontanebleau cũng như những năm tháng phái đoàn ngoại giao của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao với Mỹ tại Hội nghị bàn tròn Paris cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ trước được bà con Việt Kiều hết sức quan tâm và tận tình giúp đỡ trên mọi phương diện. Đoàn công tác đã rất xúc động khi được xem lại kỷ niệm, tình cảm của bà con Việt kiều qua các ấn phẩm, báo Đoàn kết, nguyệt san Đoàn kết do Hội Việt kiều yêu nước xuất bản tại Pháp từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi nước nhà còn bị chia cắt hai miền Nam - Bắc... Thật bất ngờ từ 60 năm trước giữa lòng Thủ đô Paris đã có tờ báo của HNVTP mang tên Đoàn kết gần giống tên báo Đại đoàn kết của MTTQ Việt Nam...
Trong suốt 100 năm tồn tại và phát triển dưới nhiều tên gọi khác nhau, từ Nhóm người An Nam yêu nước đến HNVNTP, ngay trong những thời kỳ khó khăn nhất, dưới nhiều hình thức, danh nghĩa khác nhau, được sự ủng hộ, giúp đỡ của các đoàn thể của Pháp và nhân dân Pháp, mọi hoạt động hằng năm của Hội vẫn được duy trì đều đặn như: Tết cổ truyền dân tộc, ngày Quốc khánh, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trại Phục sinh, trại hè, v.v… Báo chí yêu nước, từ Le Paria (Người cùng khổ), Việt Nam hồn… đến Quyết thắng, Đất nước, Thăng Long… khi bị cấm xuất bản dưới tên này lại cho ra dưới tên khác, vẫn tiếp tục, thường xuyên đến tay bạn đọc theo hạn định.
Một thế kỷ qua, ngọn lửa yêu nước của kiều bào ở Pháp, do Bác Hồ kính yêu chỉ lối dẫn đường, không bao giờ ngừng cháy sáng, tất cả hoạt động hướng về Tổ quốc Việt Nam thân yêu của các hội tiền thân và HNVNTP hiện nay chưa bao giờ bị gián đoạn.
Chúng tôi hết sức vui mừng được biết xu hướng chung của cộng đồng ngày càng hội nhập tốt hơn vào xã hội sở tại và gắn bó, quan tâm đối với quê hương, Tổ quốc. Trong những năm gần đây, bên cạnh các hội đoàn truyền thống có tính chất cộng đồng, các hội đoàn mang tính xã hội, từ thiện do kiều bào thành lập ngày càng nhiều, dễ tập hợp cộng đồng và bạn bè Pháp tham gia, ủng hộ. Đến nay trên toàn nước Pháp có khoảng 100 hội đoàn dạng này. Với những thành tích đặc biệt đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, HNVNTP đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1996. Ngày 31/3/2019 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai cho HNVNTP…
Ấn bản của Hội Người Việt Nam tại Pháp.
Đoàn công tác cũng thông báo với bà con Việt kiều về một số tình hình phát triển nổi bật trong nước thời gian qua, về chính sách đối với kiều bào và mong muốn bà con phát huy truyền thống yêu nước, thương nòi, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển, hoà nhập tốt, tuân thủ luật pháp nước sở tại nhưng vẫn giữ gìn tốt bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc Việt Nam... thấm nhuần bài học "đại đoàn kết toàn dân tộc" của Bác Hồ, đoàn kết với tất cả đồng bào ta ở Pháp, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, không phân biệt nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, đúng theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác đối với Người Việt Nam ở nước ngoài. Riêng tôi rất tin tưởng được đón bà con về thăm quê nhà trong một ngày không xa. Tôi nhớ mãi câu nói của một bác trí thức Việt kiều tại buổi gặp mặt: Hội Người Việt Nam tại Pháp là nhịp cầu nối Việt Kiều với quê hương và mãi mãi đồng hành cùng dân tộc.