Hồi sinh Mường Lát

Nguyễn Chung 28/01/2019 09:30

Nơi tôi đến là những làng bản còn ngổn ngang sau khi bị nước lũ xóa sổ, những điểm trường, cánh đồng vẫn còn bị vùi sâu trong lớp bùn đá nâu quánh.

Ở đó có cả những khuôn mặt khốn khổ màu bàng bạc của người dân sau trận lũ lịch sử. Nhưng ngay lúc này đây, bằng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của những tấm lòng hảo tâm từ khắp mọi miền Tổ quốc, Mường Lát (Thanh Hóa) đang dần hồi sinh!

Hồi sinh Mường Lát

Người dân tại bản Na Chừa (xã Mường Chanh) giúp nhau dựng lại nhà sau lũ.

Ký ức lũ!

Sau nhiều tháng cơn lũ lịch sử đi qua, con đường dẫn vào bản Pọong, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn còn hằn nguyên những dấu vết khủng khiếp do lũ để lại. Những tảng đá mồ côi lớn tày gian nhà bị nước lũ cuốn trôi, rửa mòn rồi ném lên dọc vệ đường như mấy món đồ chơi của trẻ con. Xen giữa lớp đất đá là dấu tích của cầu, cống, hệ thống kênh mương thủy lợi, nhà cửa bị dòng lũ dữ nhấn chìm và xóa sổ. Xa phía dưới các thung lũng hẹp là những cánh đồng đã bị vùi sâu dưới hàng trăm nghìn khối đất đá… Ngoài những con người khốn khổ, bản Pọong gần như không còn lại gì sau lũ.

Đã vài tháng nay, Lò Quốc Tính- Trưởng bản Pọong, không lên nương dù đây đang là thời điểm trỉa ngô, đậu để đón những cơn mưa xuân đầu mùa. Việc duy nhất trong ngần ấy thời gian Tính tranh thủ cùng bà con dân bản thu dọn lại những đống đổ nát. Nhưng cho dù anh và mọi người có cố gắng đến mấy thì khi ngừng tay nhìn lại, mọi thứ vẫn cứ bề bộn, hoang tàn. Những lo lắng chất chứa sau lũ đã biến anh từ một trưởng bản ngoài 30 tuổi đầy sức vóc, sôi nổi trở thành một gã trung niên trầm tư và kiệm lời.

Tính nhớ lại, 4h sáng ngày 30/8/2018, anh choàng dậy, lòng bồn chồn bất an. Ngoài trời đêm mịt mùng, hòa trong tiếng mưa gió ầm ào, nghe có cả tiếng đá mồ côi trôi, rồi đất dưới chân giường cựa mình. Tính vớ vội chiếc đèn pin lao ra khỏi nhà. “Dậy đi, chạy nhanh đi Phạ sắp sập rồi bà con ơi!” – anh cuống cuồng lao đến đập cửa, hối thúc những hộ dân sống cạnh con suối Chiệng.

Chỉ trong chớp mắt, gần chục căn nhà sàn của đồng bào dựng ven suối đã bị cơn lũ nuốt chửng. Đứng bên này suối, Tính hò hét như điên dại. Tiếng kêu khóc, tiếng trâu bò kêu rống bị nuốt chìm nghỉm vào tiếng mưa, tiếng đá trôi, cành cây đổ gãy. Còn vài người dân nữa đang chới với phía bờ bên kia, Tính lao đi. Đưa được mấy người dân chạy đến chỗ cao, quay đầu nhìn lại, căn nhà của Tính, nhà của bố mẹ và nhiều căn nhà nữa của bà con đã biến mất.

7h tối ngày 30/8, Tính mới gom được phân nửa số dân bản, tập hợp mọi người, lần mò trong đêm đi vòng phía đỉnh đồi để sang bên kia suối Chiệng. Qua được suối đã nghe thấy tiếng kêu khóc ai oán của một số người cũng vừa thoát khỏi dòng lũ. Lẫn trong số ấy, vợ Tính lao đến ôm chầm lấy anh, nghẹn ngào, nói không nên lời. Đến lúc ấy, Tính và vợ mới biết cả nhà còn sống.

“Trong cơn lũ này, toàn bản có 34 căn nhà bị xóa sổ hoàn toàn, 17 căn nhà bị vùi lấp. Toàn bộ hệ thống kênh mương thủy lợi và đồng ruộng cũng bị cuốn trôi và bồi lấp. Ngay cả căn nhà mà vợ chồng mình tích cóp lâu nay mới làm được cũng bị Phạ lấy đi mất rồi! Cũng may không mất ai trong lũ!” – Tính buồn bã thống kê.

Những hy vọng mới

Câu chuyện của Tính và người dân bản Pọong chỉ là một phần của tấn bi kịch mà thiên nhiên đã giáng xuống đầu người dân huyện vùng cao Mường Lát hồi cuối tháng 8 năm ngoái. Những địa phương khác như: Mường Chanh, Quang Chiểu Nhi Sơn và dọc tuyến Quốc lộ 15C – sợi dây duy nhất nối Mường Lát với miền xuôi, đâu đâu cũng còn vẹn nguyên những dấu tích tàn phá kinh khủng của cơn lũ.

Mường Lát vốn đã nhiều khó khăn nay lại càng thêm chồng chất. Đợt mưa lũ cuối tháng 8 năm ngoái, toàn huyện có 112 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Vì vậy, việc xây dựng nhà ở tái định cư và ổn định đời sống nhân dân là hết sức cần thiết và cấp bách.

Cái lo lắng nhất hiện nay với đồng bào Mường Lát không chỉ riêng vấn đề nhà ở mà ở đó còn là vấn đề sinh kế, tạo nguồn lương thực tại chỗ lâu dài. Sau lũ, gần như toàn bộ hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng của huyện đã bị xóa sổ. Cùng với đó là 192 ha đất hoa màu, 850 ha đất sản xuất lúa nước bị vùi lấp và cuốn trôi hoàn toàn. Trước mắt, huyện sẽ xin tỉnh cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích nói trên. Đây không chỉ là vấn đề sản xuất lương thực tại chỗ mà nó còn góp phần hồi sinh những cánh đồng chết sau lũ.

Trên khu mặt bằng tái định cư rộng hơn 3 ha cho bà con vùng lũ bản Pọong, xã Tam Chung, niềm vui đã nhen trong mắt trưởng bản Lò Quốc Tính. Anh cho biết: Đến thời điểm hiện tại, tiến độ xây dựng mặt bằng đã được hoàn tất. Đã có 20 hộ đăng ký dựng nhà sàn bê tông lắp ghép; 62 hộ đăng ký dựng nhà sàn gỗ, 6 hộ đăng ký dựng nhà xây. “Vui lắm chứ! Có an cư thì mới có thể yên tâm để bắt tay vào xây dựng lại bản làng. Vậy là người dân bản mình lại sẽ có nhà mới để kịp đón Tết rồi!” – Tính nói.

Tôi rời Mường Lát khi mặt trời đã vượt quá đỉnh Cổng Trời quá nửa cây sào. Qua ô cửa kính xe, bên sườn núi là màu xanh của những vạt ngô, đậu đã bắt đầu mọc lại, dẫu vẫn còn thưa thớt, èo uột và sau những bậu cửa, lũ trẻ vẫn nô đùa như chưa có điều gì xảy ra. Khó khăn với Mường Lát trước mắt nói sao cho hết! Nhưng tôi tin rằng, với nỗ lực của chính quyền, người dân và sự chung tay giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, những tấm lòng hảo tâm đã và đang hướng về, Mường Lát sẽ hồi sinh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi sinh Mường Lát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO