Hồi sinh trong bão dịch

Thế Tuấn 01/09/2020 19:00

Bất chấp những thách thức của đại dịch Covid-19 thì Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia triển vọng sáng nhất châu Á khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Edward Teather (Công ty Tài chính UBS Research) tại Chương trình “Squawk Box Asia” của Đài Truyền hình CNBC.

Lời cảm ơn đến từ những bệnh nhân nước ngoài được chữa trị tại Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam đang phải chịu tác động của Covid-19 song triển vọng của quốc gia này vẫn là một trong những điểm sáng nhất khu vực. Doanh số bán lẻ, các hoạt động xuất nhập khẩu và công nghiệp đều tăng, tốt hơn hầu hết các nền kinh tế khác trong khu vực- theo chuyên gia Edward.

Dự đoán của ông Edward trong bối cảnh Covid-19 hoành hành có thể dẫn tới tổng vốn đầu tư FDI giảm trên phạm vi toàn cầu. Nhưng trong tình thế khó khăn đó, Việt Nam vẫn có cách của mình vì thế sẽ sớm có được những khoản đầu tư tốt từ bên ngoài và cũng sẽ triển khai tốt nguồn vốn đó cho phát triển.

Tương tự, Oxford Economics dự báo kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục nhanh khi mà Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, có thể đạt mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2020.

Chuyên gia Sian Fenner của Oxford Economics, nói trong một báo cáo công bố ngày 14/7, nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh vẫn được duy trì tốt thì với những gì có được trong năm 2020, sang năm 2021, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8%, tuy rằng sự hồi phục kinh tế tại Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi tình hình thế giới, đặc biệt là những yếu tố tác động tới thương mại, du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Oxford Economics là một trong những hãng dự báo và phân tích định lượng hàng đầu thế giới. Hãng có trụ sở chính đặt tại thành phố Oxford, Anh và trụ sở khu vực Đông Nam Á đặt tại Singapore.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu quốc tế cũng đưa ra nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo Edward Teather - chuyên gia kinh tế học, nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Cơ quan nghiên cứu kinh tế đa quốc gia UBS, thì mặc dù Việt Nam đang hứng chịu một số thiệt hại từ tác động của dịch Covid-19, song triển vọng của quốc gia Đông Nam Á này được đánh giá là sáng sủa nhất trong khu vực. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong quý II/2020 ước tính vẫn tăng trưởng nhẹ, khoảng 0,36% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi GDP của nhiều nền kinh tế khác sụt giảm nghiêm trọng. E.Teather cũng cho rằng đầu tư vào Việt Nam có thể tiếp tục tăng trong năm 2021 khi các nước nới lỏng hạn chế qua biên giới, cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam.

Trên trang điện tử chuyên về tài chính và kinh doanh Business Insider, thuộc sở hữu của Tập đoàn Xuất bản Axel Springer lớn nhất nước Đức, đã dẫn những phân tích cho thấy kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn nhờ phản ứng sớm với dịch Covid-19. Theo đó, ngày càng có nhiều bằng chứng dưới dạng các chỉ số kinh tế cho thấy khi thực hiện lệnh phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội nhanh nhất và quyết liệt nhất khi bắt đầu đại dịch, thì cũng sẽ phục hồi kinh tế nhanh nhất.

Còn Viện Nghiên cứu Nikkei BP lại cho rằng Việt Nam đã phát triển một phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể dự báo khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, dựa trên việc nhập dữ liệu về lịch sử sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng hay địa điểm nơi mình đến. Nhờ đó việc phòng, chống dịch trở nên thuận lợi hơn dẫn tới khả năng phục hồi nhanh nền kinh tế.

Nghiên cứu của Nikkei BP đưa ra kết luận rằng những lợi ích từ việc kết hợp công nghệ, khoa học kỹ thuật với sử dụng dữ liệu đã góp phần quan trọng vào công tác phòng chống dịch thành công tại Việt Nam.

Tương tự, theo Bloomberg (Mỹ), kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt ngoài dự báo bất chấp dịch Covid-19. Theo bài báo, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam đã bị tác động mạnh khi dịch bệnh làm rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng đến nguồn cung. Tuy nhiên, năm nay, Việt Nam vẫn sẽ là một trong những nền kinh tế đạt thành quả tốt trong khu vực.

Một phân tích trên mạng Times of India của Ấn Độ cũng đánh giá Việt Nam như một ngôi sao đang lên, hội đủ các yếu tố để nâng cao hình ảnh kinh tế, làm vững tâm các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, trong bối cảnh dịch giã toàn cầu thì Việt Nam lại thu hút sự chú ý của quốc tế khi kiểm soát được Covid-19 bằng ý chí thép. Times of India dẫn nguồn từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,7% trong năm 2020, nhanh hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.

Gần đây, truyền thông thế giới tiếp tục có bài viết về sự hồi sinh của nền kinh tế Việt Nam. Trang Geopolitical Monitor có bài viết về việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để giúp đỡ nông dân đối phó với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Về năng lượng, The New Straits Times Online dự báo từ đặc điểm có đường bờ biển dài và sức gió mạnh khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên tiềm năng tiên phong về khai thác năng lượng gió ven biển...

Sarah Clayton-Lea.

Sarah Clayton-Lea, nhà đồng sáng lập, Giám đốc nội dung toàn cầu của Big 7 Travel, đã chia sẻ về những trải nghiệm của cá nhân cô tại Thành phố Hồ Chí Minh khi dịch Covid-19 bùng phát. Sarah viết: “Hầu hết những người dân ở đây đều sử dụng khẩu trang khi lái xe trên đường. Nước rửa tay khô luôn sẵn hàng trong các nhà thuốc và cửa hàng, thì khẩu trang hơi khó mua hơn một chút. Bất cứ ai sở hữu sim điện thoại của Việt Nam đều sẽ nhận được các thông tin và khuyến cáo của Chính phủ về virus corona và tình hình dịch bệnh hằng ngày.

Sáng nay tôi vừa đi siêu thị để mua một số thực phẩm thiết yếu như mì và cá ngừ đóng hộp, và các kệ hàng đều được xếp đầy đồ. Nhu cầu mua mì ăn liền của người dân được ghi nhận tăng 67% do dịch Covid-19, nhưng bạn sẽ chẳng nhìn thấy chỗ trống trên kệ hàng đâu.

Tôi thường đến một không gian làm việc chung ở Thảo Điền, nhưng cả tuần này tôi đều ở nhà, và bộ sofa ở tầng dưới của tôi đã tạm thời được biến thành bàn làm việc. Thay vì trò chuyện với bạn bè của mình, tôi dành thời gian quan sát các bé gái đạp những chiếc xe ba bánh màu hồng rực rỡ trong ngõ nhỏ, những người cao tuổi thì ngồi trên bậc cửa, lặng lẽ nhìn cuộc sống êm đềm trôi. Điều đó khiến tôi cảm thấy bớt cảm giác cô đơn vì tự cách ly, và giống như hòa nhập cộng đồng hơn.

Tôi hy vọng mình sẽ không bị nhiễm virus Corona, và trong lúc đó, tôi sẽ tiếp tục đặt gà rán qua Grab và cách ly xã hội. Tôi vẫn sẽ ở đây khi mọi chuyện kết thúc, và Việt Nam sẽ sớm phục hồi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi sinh trong bão dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO