Hồi sinh xuất khẩu dịch vụ

H.Hương – M.Sang 14/07/2022 08:53

Nửa đầu năm nay, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tương đối khả quan. Khi thị trường hàng hóa đang quay cuồng trong bão giá, giá nguyên vật liệu tăng cao thì xuất khẩu dịch vụ tạo dấu ấn đẹp, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tăng tới 81,8% trong 6 tháng đầu năm.

Những tín hiệu khả quan trong xuất khẩu những tháng đầu năm 2022. Ảnh: Quang Vinh

Điểm sáng nổi bật

Nhìn vào số liệu tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian qua, Ngân hàng thế giới khẳng định về thành tích xuất khẩu khá vững chắc của Việt Nam, cùng với đó tiêu dùng nội địa đang có sự phục hồi lớn.

Trong khi đó các chuyên gia của bộ phận nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng HSBC cũng chung nhận định lạc quan về tình hình xuất khẩu của Việt Nam. "Sản xuất công nghiệp trong quý II/2022 tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn từ những lô hàng điện tử được xuất khẩu liên tục. Ngành dệt may, giày dép, máy móc đều ghi nhận sự tăng trưởng phù hợp, chứng tỏ động lực bên ngoài của Việt Nam đang trở lại" - chuyên gia phân tích của HSBC nêu rõ.

Phần lớn các nhận xét đều chung một điểm khi đánh giá cao vào kết qủa xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng có một điểm sáng đáng lưu ý trong bức tranh xuất khẩu 6 tháng đầu năm là kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt kết quả tích cực. Cụ thể, quý I/2022, xuất khẩu dịch vụ đạt 1,609 tỷ USD, quý II ước đạt 2,702 tỷ USD, lần lượt tăng 43,1% và 116,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tăng tới 81,8% (tăng 1,940 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là tín hiệu khả quan, tạo đà để kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm, kỳ vọng đạt quy mô lớn hơn nhiều so với con số 3,673 tỷ USD đã đạt được trong năm 2021; thậm chí, nếu có giải pháp quyết liệt, thì có thể tiến gần hơn đến kết quả đã đạt được hồi năm 2020 (7,6 tỷ USD).

Có thể thấy, con số tăng trưởng đạt được ở tất cả các loại dịch vụ xuất khẩu. Trong đó, dịch vụ vận tải đạt quy mô lớn nhất (2 tỷ USD, chiếm 46,4% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ). Dịch vụ du lịch đạt quy mô khá (651 triệu USD, chiếm 15,1% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ) và tăng rất cao so với năm 2021. Các dịch vụ bưu chính - viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ khác đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu dịch vụ tăng trưởng cao nhờ lực đẩy của nhiều yếu tố. Trong đó, phải kể đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng tốc. Tổng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cao gấp trên 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, với 602.000 lượt khách, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 651 triệu USD, thì chi tiêu bình quân của 1 lượt khách đạt 1.081,4 USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo phân tích từ giới chuyên gia, sau một thời gian dài “ngừng thở” vì Covid -19, du lịch Việt Nam chính thức được mở cửa, “bung ra” nhiều sản phẩm, dịch vụ cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các địa phương, doanh nghiệp. Môi trường du lịch cũng được tăng cường quản lý; xu hướng liên kết, hợp tác của các địa phương ngày càng rõ nét, nhất là trong xúc tiến, quảng bá khiến cho du lịch bứt phá mạnh sau Covid -19, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi rõ nét. Cùng với đó, dòng khách du lịch nội địa cũng tiếp tục tăng nhanh trong thời gian qua.

Bà Hoàng Thùy Linh - Phó Giám đốc truyền thông Công ty Lữ hành Saigontourist, thông tin với báo giới: “Công ty đã sớm chuẩn bị xây dựng hơn 160 sản phẩm du lịch trọn gói phù hợp xu hướng thị trường để đón hơn 280.000 lượt khách. Con số này có thể cao hơn do nhu cầu của thị trường về du lịch trong và ngoài nước vẫn đang tăng mạnh”.

Nhiều công ty lữ hành cũng cho biết, tình hình kinh doanh đang phục hồi khá tốt. Tính đến hết quý II/2022, đã đạt khoảng 60%-70% kế hoạch kinh doanh trong mùa hè – mùa du lịch. Nếu tình hình tiếp tục khả quan, kế hoạch kinh doanh hè 2022 sẽ tiếp túc đẩy mạnh hơn nữa.

Dịch vụ vận tải cũng có nhiều kết quả tăng trưởng vượt trội. Chẳng hạn Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An chỉ trong 3 tháng đã hoàn thành gần 50% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Báo cáo hợp nhất quý I/2022 của Công ty vận tải và xếp dỡ Hải An ghi nhận doanh thu hơn 652 tỷ đồng, tăng trưởng 81,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 262 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Năm 2022, Công ty vận tải và xếp dỡ Hải An đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.388 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 550 tỷ đồng. Một trong những việc được công ty vận tải này xác định là tổ chức hợp tác với các hãng tàu nước ngoài để phát triển các tuyến vận tải nội Á, trước mắt là Đông Nam Á, Đông Bắc Á để phục vụ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đồng thời hỗ trợ cho các hãng tàu ngoại đang sử dụng cảng nhằm giúp họ duy trì và phát triển tuyến, đặc biệt là hãng tàu SM Line.

Xuất khẩu dịch vụ tăng trưởng cao nhờ lực đẩy của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng tốc. Ảnh: Quang Vinh

Khắc phục những điểm yếu

Hiện nay quy mô xuất khẩu dịch vụ nói chung còn rất nhỏ. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ trong tổng kim ngạch xuất khẩu (gồm cả kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu dịch vụ). Tốc độ tăng của kim ngạch xuất khẩu dịch vụ luôn luôn thấp hơn tốc độ tăng của xuất khẩu hàng hóa. Theo số liệu thống kê sơ bộ, xuất khẩu dịch vụ có quy mô rất nhỏ (chiếm chưa đến 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu), chỉ bằng khoảng 5,6% tổng giá trị tăng thêm của toàn nhóm ngành dịch vụ. Vì vậy muốn xuất khẩu dịch vụ không thể là bài toán ngày một ngày hai mà cần chiến lược tổng thể.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công thương) đã từng chia sẻ rằng, hiện một số doanh nghiệp trong nước đã tham gia vào thương mại quốc tế thông qua bán dịch vụ cho các DN nước ngoài như dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Ưu tiên phát triển lĩnh vực này cũng là câu chuyện được Việt Nam đặt ra trong các kỳ họp quốc tế. Nhưng để đưa tiềm năng này trở thành thế mạnh của DN Việt Nam trong tương lai là một hành trình dài, bởi DN Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Giới chuyên gia cũng cho rằng DN tham gia xuất khẩu dịch vụ Việt Nam chưa phong phú, chưa kể một số DN Việt Nam thất bại trong chốt đơn hàng xuất khẩu dịch vụ, nguyên nhân một phần là do đội ngũ nhân sự còn thiếu kỹ năng, kiến thức về giao dịch thương mại quốc tế. Dù xuất khẩu dịch vụ chưa đóng vai trò như xuất khẩu hàng hóa, nhưng trong thời gian tới sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh. Để phát triển xuất khẩu dịch vụ cần mở ra một liên minh chăm sóc dịch vụ hậu cần cho DN để tiết kiệm các chi phí làm thủ tục, chi phí bến bãi, logistic, thuế hải quan… Ngoài ra, xuất khẩu dịch vụ có nhiều yếu tố đặc thù khác với xuất khẩu hàng hóa, đòi hỏi những chính sách, luật pháp hỗ trợ cụ thể để DN có thể tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Quan trọng hơn hết là xuất khẩu dịch vụ đòi hỏi mỗi DN phải nhanh nhạy, chủ động hơn.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, hoạt động cung cấp dịch vụ của Việt Nam còn yếu. Việt Nam có hai điểm yếu về làm dịch vụ. Điểm yếu thứ nhất là chất lượng của nguồn nhân lực, bởi dịch vụ phụ thuộc hoàn toàn vào con người, thể hiện qua chất xám của mỗi người như năng lực về ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Đồng thời, bản chất của dịch vụ là giao dịch và giao tiếp giữa con người. Điểm yếu này kéo theo điểm yếu thứ hai về chất lượng giao dịch. Theo ông Thịnh, chất lượng của khá nhiều sản phẩm dịch vụ còn thấp so với mặt bằng quốc tế và thiếu tính chuyên nghiệp, tác phong công nghiệp trong thực hiện các dịch vụ, giá dịch vụ chưa có khả năng cạnh tranh cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ của các đối tượng ngày càng đa dạng, hay cao cấp.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ, phải nỗ lực từ hai phía. Trước hết, bản thân DN phải nhận thức tầm quan trọng đặc biệt của nhân tố con người. Nhưng đào tạo thì cần có sự liên kết giữa cơ sở giáo dục với DN.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong những năm tới, việc mở cửa hội nhập đối với nhóm ngành dịch vụ sẽ sâu, rộng hơn, toàn nhóm ngành sẽ có cơ hội phát triển; tuy nhiên cần phải tăng hiệu quả, sức cạnh tranh, tăng sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, giữa các đơn vị ở trong nước để tránh bị các DN nước ngoài lấn át như đã diễn ra ở một số nước, nhất là lĩnh vực bán lẻ, bảo hiểm, ngân hàng,… Đặc biệt một số ngành mà tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ còn nhỏ bé (như dịch vụ vận tải, bảo hiểm, tài chính, bưu chính viễn thông) nên cần phải đẩy mạnh phát triển hơn nữa để giữ thị phần.

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam:

Nguồn nhân lực có vai trò quan trọng

Tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm rất đáng mừng vì tăng trưởng trở lại, du lịch cũng bắt đầu khởi sắc. Thời gian qua, DN du lịch đóng cửa nhiều nhưng số lượng DN mới thành lập cũng rất lớn cho thấy thị trường luôn có sự thích ứng nhất định. Đặc biệt, du lịch Việt Nam hiện rất có tiềm năng với các sản phẩm du lịch thể thao như: du lịch golf, chạy bộ; du lịch sinh thái… Do đó, để thúc đẩy du lịch hồi phục và phát triển trong thời gian tới, rất cần sự hỗ trợ xây dựng những sản phẩm mới để thu hút khách quốc tế. Đồng thời, nâng cao về năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Đẩy mạnh cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Năm 2021, đầu 2022 là thời điểm cần tạo thuận lợi cho DN hoạt động, hồi phục sau dịch bệnh, thì các cuộc thanh tra, kiểm tra vẫn diễn ra, gây khó cho cộng đồng DN. Bên cạnh đó, hoạt động cải cách hành chính của các cơ quan Nhà nước có dấu hiệu chững lại. Do đó, cần đẩy mạnh cải cách để tạo thuận lợi cho DN hoạt động một cách hiệu quả, hồi phục lại sau nhiều mất mát do dịch Covid-19.T.Hằng (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi sinh xuất khẩu dịch vụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO