Hội tụ những tấm lòng

Nam Việt 22/10/2020 10:23

Mưa lớn kéo dài, lũ lụt đang tàn phá nhiều tỉnh miền Trung. Trong những ngày này cả nước hướng về miền Trung thương yêu, nơi đó đồng bào ta đang phải oằn mình trong làn nước dữ. Chưa hết, mưa lớn lâu ngày khiến đất nhão ra, liên kết yếu, có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Đưa hàng cứu trợ đến với bà con trong vùng lũ huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Hai vụ sạt lở mới đây tại Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế vùi lấp nhiều cán bộ, chiến sĩ và người dân khiến cả nước bàng hoàng, đau đớn. Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã dành một phút mặc niệm những chiến sĩ đã hy sinh khi làm công tác cứu hộ người dân vùng lũ miền Trung. Trong không khí trang nghiêm ấy, nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nhiều vị đại biểu Quốc hội đã rơi nước mắt.

Đó cũng là nước mắt của người dân cả nước khi nghĩ về miền Trung đang bị nước lũ tấn công, đang phải chịu những thảm họa thiên nhiên trong mùa mưa lũ có thể giáng xuống bất cứ lúc nào, bất cứ đâu, nhất là ở những vùng núi cao vốn đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Trong những ngày qua, mọi hoạt động từ thiện, cứu trợ đều hướng về miền Trung, về người dân vùng lũ. Trong phiên họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị không được để người dân vùng lũ phải đói, phải rét, phải màn trời chiếu đất.

Trước đó, tối ngày 17/10, tại Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã kêu gọi mọi người cùng hướng về miền Trung, phát huy cao nhất truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, “lá lành đùm lá rách”, để người dân vùng lũ sớm vượt qua khó khăn gian khổ, ổn định cuộc sống, tổ chức lại cuộc sống.

Không chỉ lần này mà ở bất cứ lần thiên tai nào, bất cứ vùng đất nào bị thiên tai thì cũng đều nhận được sự hỗ trợ, cứu giúp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Không chỉ ở cấp Trung ương, mà còn là tất cả các cấp. Cũng không chỉ dừng lại ở chủ trương hay những chỉ thị thời điểm, mà đó là chính sách lớn, xuyên suốt.

Những ngày qua khi mưa lũ tàn phá miền Trung, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt. Ngay từ đầu, Thường trực Ban Bí thư đã chỉ đạo không được để người dân cũng lũ đói khổ. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, nhiều thành viên Chính phủ đã trực tiếp và tức tốc đến vùng lũ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương cũng lập tức vào cuộc.

Với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những ngày qua là những ngày hết sức bận rộn với công tác tiếp nhận sự ủng hộ của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, người dân; đương nhiên bên cạnh đó là việc đưa sự ủng hộ đến với người dân vùng lũ. Mặt trận các cấp đã và đang làm hết sức mình, không chỉ là trách nhiệm mà cao hơn đó là lương tâm của những người gần dân nhất, hiểu dân nhất. Trong những đoàn cứu trợ, dù là đoàn lớn hay đoàn nhỏ; đặc biệt là ở những vùng trọng điểm lũ, nơi các cụm dân cư bị chia cắt - thì đều có cán bộ Mặt trận. Đến với dân không lúc nào quan trọng hơn lúc này, khi người dân trong cơn hoạn nạn.

Trong lúc khó khăn, bất cứ sự ủng hộ nào dù lớn dù nhỏ cũng đều đáng quý. Nhưng cũng không thể vì quá nôn nóng mà đưa đến những rủi ro khó lường. Những ngày qua, không ít cá nhân đã đem sự sẻ chia đến với người vùng lũ. Tình cảm đó thật đáng quý. Nhưng bão lũ, thiên tai không chừa một ai, nếu hoạt động từ thiện, đặc biệt là cứu trợ tự phát, không đúng cách cũng sẽ là rất nguy hiểm. Nước lớn lũ lớn, sạt lở đất chập chờn. Không thể đơn thương độc mã lăn vào nơi gian khó vì tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Có tấm lòng quý hóa thì cũng cần phải được thể hiện đúng cách. Mà không cách gì tốt hơn là phối hợp với chính quyền địa phương, với Mặt trận Tổ quốc để sự cứu trợ đến nhanh nhất, chính xác nhất với người vùng lũ, đúng địa chỉ cần đến. Hệ thống tổ chức xuyên suốt và thống nhất từ Trung ương tới địa phương luôn sẵn sàng tiếp nhận, phối hợp, tất cả mọi sự đóng góp đều được trân trọng và chuyển tới những địa chỉ cần thiết một cách sớm nhất.

Từ trước tới nay, trong bất cứ tình huống khó khăn nào của người dân, ở bất cứ đâu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng đều có mặt, sát cánh, sẻ chia. Và, từ lời kêu gọi của Mặt trận, mọi tầng lớp đồng bào cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã nhiệt tình hưởng ứng.

Lần này cũng vậy, khi miền Trung bị mưa lũ tấn công, đồng bào vùng lũ gặp khó khăn gian khổ thì “người Mặt trận” cũng có mặt; tập hợp tất cả những tấm lòng thiện nguyện như biển cả mênh mông hội tụ những con sông dòng suối, trong ý nghĩa cao cả và thiêng liêng của hai tiếng “đồng bào”.

Ngày 21/10, liên quan đến những ý kiến khác nhau về việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc quyên góp, vận động ủng hộ để cứu trợ với số tiền lớn thì nên thông qua các tổ chức để điều tiết. Cụ thể, có 2 tổ chức quan trọng là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

“Tôi đánh giá cao Thủy Tiên cũng như những cá nhân, trong lúc khó khăn của đất nước, đã đứng ra kêu gọi quyên góp để ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, để điều tiết việc cứu trợ, rất cần một trung tâm điều hành để tránh tình trạng tiền cứu trợ nơi có nơi không, người nhận được nhiều người nhận được ít”- ông Lợi nói.

Ông Lợi cũng cho rằng, các cá nhân kêu gọi và trực tiếp đi cứu trợ đồng bào là tốt, nhưng nếu thông qua một tổ chức có năng lực để cùng với cá nhân người kêu gọi được cứu trợ, tổ chức cứu trợ đến bà con sẽ hiệu quả hơn, đảm bảo tiền cứu trợ đến được với người dân nhanh nhất, chính xác và an toàn nhất.

M.Loan - Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội tụ những tấm lòng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO