Với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, hôm nay, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư 43.000 tỷ đồng và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 20 dự án với tổng vốn đăng ký trên 83.000 tỷ đồng…
Thủ tướng chứng kiến các nhà đầu tư và đại diện tỉnh Bình Thuận ký các biên bản hợp tác đầu tư. Ảnh: VGP.
Nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để thu hút nguồn lực đầu tư lớn trong và ngoài nước, sáng 19/4, tại TP Phan Thiết, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư 2017. Đến dự có, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng hơn 450 đại biểu tham dự, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành trung ương và địa phương, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn xác định doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển kinh tế và luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào Bình Thuận.
Tại Hội nghị, tỉnh Bình Thuận giới thiệu, kêu gọi đầu tư vào 3 lĩnh vực là phát triển du lịch xanh, bền vững; năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.
Những lĩnh vực nói trên được Bình Thuận xác định là 3 trụ cột quan trọng để phát triển bền vững và cũng là để thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng, hình thành 3 trung tâm mang tầm quốc gia, gồm trung tâm du lịch - thể thao biển, trung tâm năng lượng và trung tâm chế biến sâu khoáng sản titan.
Theo Danh mục kêu gọi đầu tư từ nay đến năm 2030 được Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận giới thiệu, tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư vào 9 dự án trong lĩnh vực du lịch-dịch vụ-hạ tầng; 31 dự án lĩnh vực công nghiệp và 7 dự án khác trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến những tiềm năng của mảnh đất này qua những lợi thế so sánh mà ít nơi nào trên đất nước Việt Nam có được.
Đề cập đến điều kiện thiên nhiên ưu đãi với bãi biển dài 192 km và nền văn hóa đa dạng, phong phú của Bình Thuận, chứa đựng nhiều điều bí ẩn còn chưa được khai phá hết, Thủ tướng tán thành với ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia và chính quyền địa phương về định hướng phát triển Bình Thuận vì một nền kinh tế xanh, sạch, bền vững, vì sức khỏe con người, vì quyền lợi chính đáng của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Thủ tướng cho rằng, Bình Thuận là mảnh đất “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có lợi thế so sách mà nơi khác không có được. Tỉnh có bờ biển đẹp, dài 192 km, có 300 ngày trong năm là nắng, ít bão. Thủ tướng nhất trí với định hướng thu hút đầu tư theo hướng xây dựng, phát triển Bình Thuận xanh, sạch, bền vững, vì sức khỏe con người, quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, Nhà nước, người dân.
Thủ tướng cho rằng Bình Thuận cần có tư duy đổi mới, cách làm mới để tiếp tục phát huy vốn đầu tư trong nước và quốc tế. Các quy hoạch như quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch các sản phẩm thế mạnh phải không mâu thuẫn với nhau, không phá hoại, triệt tiêu nhau. Quy hoạch phải biết sử dụng đất đai hiệu quả để Bình Thuận không phải là nơi diễn ra việc buôn bán bất động sản chiếm bờ biển, chiếm đất đai trong chủ trương phát triển ở đây.
Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý tỉnh Bình Thuận cần có cơ chế, chính sách cụ thể tập trung thu hút được các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn có uy tín, tiềm lực tài chính để đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh như lĩnh vực du lịch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao, kinh tế biển, công nghệ chế biến... để nâng cao giá trị gia tăng. Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận cũng cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông. Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ quên môi trường.
Tại Hội nghị, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư 43.000 tỷ đồng và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 20 dự án với tổng vốn đăng ký trên 83.000 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp và thương mại, tổ hợp du lịch và phát triển năng lượng sạch…
Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách TP HCM chỉ 198 km, hệ thống các công trình hạ tầng giao thông đang tăng tốc đầu tư, trong đó đường quốc lộ từ TP.HCM đi Phan Thiết đã được nâng cấp mở rộng, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Nha Trang bắt đầu triển khai. Tuyến đường sắt đã khởi sắc với việc khai trương tàu du lịch 5 sao TP HCM - Phan Thiết. Đặc biệt, sân bay Phan Thiết bắt đầu được triển khai xây dựng tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết hứa hẹn sẽ đưa du lịch Bình Thuận nói riêng và kinh tế Bình Thuận nói chung “cất cánh”.
Tỉnh Bình Thuận được Trung ương quy hoạch phát triển thành 3 trung tâm lớn của cả nước: trung tâm du lịch thể thao biển, trung tâm năng lượng và trung tâm chế biến sâu khoáng sản titan.
Với trữ lượng ước tính khoảng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng quặng titan của cả nước, Bình Thuận được định hướng trở thành trung tâm chế biến sâu khoáng sản titan của Việt Nam.
Ngoài ra, cảng Vĩnh Tân là cảng vận tải chuyên dụng đang đầu tư xây dựng 2 bến tổng hợp để tiếp nhận tàu tải trọng 30.000 DWT và 1 bến cho tàu đến 3.000 DWT. Tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Triển khai đầu tư năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2018.
Bình Thuận được quy hoạch để trở thành trung tâm năng lượng lớn với tổng công suất trên 12.000 MW. Trong đó, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đang xây dựng công suất lắp đặt 5.668 MW. Trung tâm nhiệt điện khí Sơn Mỹ được quy hoạch với công suất dự kiến 4.000 MW.