Hơn 3 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Lê Bảo 28/08/2021 07:13

Đây là con số được Bộ LĐTBXH cho biết tại buổi họp trực tuyến về việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đánh giá về việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc triển khai tương đối đồng bộ, khẩn trương và nhiều nơi đạt kết quả tốt.

“Đặc biệt như TP HCM - nơi có hàng chục triệu dân, đối tượng đa dạng, giãn cách xã hội yêu cầu nghiêm ngặt, nhưng đã triển khai rất tốt Nghị quyết 68 và Quyết định 23. TP HCM đang triển khai 1,8 triệu gói an sinh xã hội và hơn 500.000 lao động tại TP HCM đã được hỗ trợ... Bên cạnh đó các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo như hỗ trợ nhà trọ, giảm tiền điện, nước, hỗ trợ tiền ăn…” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.

Báo cáo việc triển khai Nghị quyết 68, Bộ LĐTBXH cho biết, đến ngày 25/8 nhóm chính sách về bảo hiểm đã hỗ trợ cho trên 11,38 triệu người lao động, gần 375.500 người sử dụng lao động với số tiền trên 4.610 tỷ đồng. Nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động đã hỗ trợ được khoảng 2,12 triệu người lao động với số tiền gần 3.290 tỷ đồng. Nhóm chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đến nay đã cho vay 185,5 tỷ đồng, với 353 người sử dụng lao động và 53.581 lượt người lao động được hỗ trợ. Tổng cộng đã hỗ trợ cho trên 13,5 triệu người lao động và đối tượng đặc thù với kinh phí trên 8.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó việc triển khai vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài nguyên nhân khách quan do dịch bệnh, đang giãn cách, khó khăn nguồn lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong việc đôn đốc, triển khai cũng như trách nhiệm của nhiều địa phương. Vẫn còn tư tưởng trông chờ, ngại việc, ngại khó, sợ trách nhiệm của một số bộ phận cán bộ.

Trước thực tế trên, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 68, Bộ LĐTBXH cho biết, sẽ rà soát việc thực hiện 12 chính sách đồng thời hoàn thiện dự thảo sửa Nghị quyết 68 và Quyết định 23 và xin ý kiến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, BHXH Việt Nam… để trình Chính phủ.

Hà Nội tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho lao động tự do

Sở LĐTBXH Hà Nội vừa có hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho lao động tự do hưởng gói hỗ trợ. Theo đó, đối với người lao động tự làm và làm việc tại các hộ kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh theo quy định, Sở đã đề nghị các đơn vị xét duyệt nếu đây là công việc đem lại nguồn thu nhập chính, mà bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên những đối tượng này phải đáp ứng đúng quy định tại Điều 5 của Quyết định số 3642/QĐ-UBND. Về nhóm lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); người lao động làm việc có ký kết hợp đồng lao động, nhưng không tham gia BHXH trong các hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, Sở đã có văn bản báo cáo UBND thành phố để trình Bộ LĐTBXH xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ với đối tượng này để thống nhất áp dụng trên toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hơn 3 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO