Hồng giòn: Dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao

Vỹ An 11/09/2021 19:53

Đầu tháng 9, Sơn La vào vụ thu hoạch hồng giòn ngon có tiếng. Mọi năm, dịp này, du khách khi đến hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ (tỉnh Sơn La) thế nào cũng mua những trái hồng giòn đặc sản về làm quà…

Những quả hồng giòn có hình vuông, hơi bẹt, nên đôi khi mọi người gọi là hồng vuông. Quả hồng giòn khác với hồng ngâm hay hồng chát, cũng khác với hồng đỏ là có thể ăn ngay khi vừa hái trên cây xuống mà không cần ngâm, hay giấm chín.

Hồng giòn còn được gọi là hồng Fuyu, có nguồn gốc Nhật Bản. Loài cây này được trồng thử nghiệm ở Mộc Châu vào khoảng từ năm 2000. Vì thế cây còn có tên gọi “hồng giòn MC 1”.

Hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, cây hồng giòn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Từ chỗ có vài hecta trồng thử nghiệm đến nay diện tích hồng giòn ở huyện Mộc Châu đã lên tới hơn 50 hecta. Sau hơn 20 năm, cây hồng giòn đã giúp bà con làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quả hồng giòn khi chín có vị ngọt, mát, thanh, hương thơm dịu nhẹ. Càng để chín ăn càng ngọt, nhưng tùy khẩu vị, có người thích ăn kiểu giòn tan thì ăn xanh sẽ hợp hơn là để quả chín mềm có màu vàng cam.

Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày hàng tấn hồng giòn được thu hái rồi chuyển đi các nơi. Mong muốn đưa hồng giòn Mộc Châu trở thành thương hiệu nổi tiếng, các nhà vườn đã chủ động canh tác bằng phương pháp hữu cơ, một phần diện tích khác được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Nhờ vậy mà sản phẩm luôn tạo sự chú ý mỗi khi tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại nông sản của tỉnh Sơn La. Sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, khách hàng có thể an tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm.

Những năm gần đây, cây hồng giòn được nhiều hộ gia đình trồng tăng diện tích để phát triển kinh tế. Một số hộ đã chuyển đổi nhiều hecta nương rẫy sang trồng hồng giòn, cho thu lời hàng trăm triệu đồng/năm.

Hồng giòn là loại cây có tán khá rộng nên người trồng cần đảm bảo khoảng cách giữa các cây trên 7m, để tạo sự thông thoáng về mặt ánh sáng. Khi mới trồng hồng giòn, nên cắm cọc tre để giữ cây không bị đổ do tác động từ bên ngoài.

Cây hồng giòn ít sâu bệnh, nên cách chăm sóc khá đơn giản, ít chi phí, không cầu kỳ như các loại cây ăn quả khác. Mỗi năm cây hồng giòn chỉ cần bón phân 2 lần.

Năm nay, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các hộ dân ở Vân Hồ và Mộc Châu vẫn không lo đầu ra khi đến vụ thu hoạch hồng giòn. Thị trường tiêu thụ hồng giòn năm nay chủ yếu tại Hà Nội và một vài tỉnh lân cận. Ngoài ra, bà con ở các bản như Hua Tạt, Tân Lập… còn chủ động bán hàng qua mạng facebook. Giá bán tại khoảng 35.000 - 36.000 đồng/kg.

Bên cạnh bán quả tươi, đặc sản này còn được chế biến thành một trong những sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La, đó là hồng giòn sấy dẻo.

Có thể nói, so với các cây trồng khác, hồng giòn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi hecta hồng giòn có thể cho thu hàng trăm triệu đồng.

Hướng dẫn trồng

Cây giống hồng giòn MC 1 là cây ghép được trồng trong bầu PE, chiều cao cây từ 45-55cm, gốc ghép đường kính 1cm. Nên mua cây giống ở các cơ sở uy tín.

Thời điểm trồng tốt nhất vào tháng 1-2 âm lịch hàng năm, hoặc trước mùa mưa 1 tháng. Mật độ trồng 400 cây/ha: Hàng cách hàng 5 mét, cây cách cây 5m đối với đất vườn. Sau 4-5 năm, cây hồng giòn cho thu hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồng giòn: Dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO