Hợp tác Nga-Iran: Thông điệp mới cho Washington

Khánh Duy 18/08/2016 08:05

Trong ngày 17/8, Nga tiếp tục không kích từ một căn cứ quân sự trên lãnh thổ Iran, và dường như đang gửi đi một thông điệp mới cho Washington trong thời điểm nước này đang cân nhắc hợp tác quân sự với Moscow: Tham gia cùng với chúng tôi hoặc chúng tôi sẽ tìm tới kẻ địch của bạn.

Hợp tác Nga-Iran: Thông điệp mới cho Washington

Máy bay ném bom chiến lược Su-34 của Nga cất cánh
từ căn cứ Hamadan của Iran hôm 17/8. (Nguồn: Sputnik).

Trong hôm 17/8, Nga cho hay các máy bay ném bom chiến lược Su-34 của họ tiếp tục không kích trên lãnh thổ Syria trong ngày thứ hai liên tiếp, cất cánh từ căn cứ không quân Hamadan ở miền Tây Iran. Chiến dịch đã tiêu diệt được ít nhất 150 kẻ cực đoan ở tỉnh Deir ez-Zor.

Động thái này hóa ra lại ít được biết đến ở nước Mỹ bởi giới chức nước này đang bận đối phó với tình trạng bạo lực leo thang ở Aleppo, thành phố lớn nhất Syria. Từ trước đó, Washington cũng đã đề xuất liên minh với Moscow để chống lại tổ chức phiến quân IS và các nhóm cực đoan khác.

Tuy nhiên, các vòng đàm phán đã kéo dài trong suốt nhiều tuần qua và khiến nước Nga mất kiên nhẫn. Giới chức chóp bu của Nga từng vài lần tiết lộ rằng thỏa thuận này đang đến gần, trong khi giới chức Mỹ lại phản bác điều này. Bởi vậy, việc Nga sử dụng căn cứu tại Hamedan đã trở thành một lời nhắc nhở mà Moscow gửi tới chính quyền Tổng thống Barack Obama rằng họ hoàn toàn có thể lựa chọn Iran trong trường hợp Washington không đồng hành cùng họ.

“Nga đang cho thấy họ có nhiều lựa chọn ở Syria trong khi Washington lại đang nồi trên thùng thuốc súng ở Aleppo” - ông Andrew Tabler, một chuyên gia về Syria đến từ Viện nghiên cứu chính sách Cận Đông tịa Washington, nhận định.

Nga và Iran đều cùng quan điểm ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Mỹ và các đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ hay Arab Saudi lại ủng hộ phe nổi dậy “ôn hòa” ở nước này.

Trước đây, phương Tây từng hy vọng rằng chiến dịch không kích của Nga ở Syria sẽ giúp loại bỏ sự can thiệp của Iran cùng lực lượng Hezbollah đang tham chiến ở nước này, từ đó dọn đường cho hòa bình.

Nhưng sự hợp tác giữa Nga và Iran hiện nay lại cho thấy Tehran không hề bị loại bỏ, trong khi lại đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử Iran khi lần đầu tiên nước này cho phép một cường quốc sử dụng căn cứ để tổ chức chiến dịch tấn công. Đối với Nga, đây cũng là lần đầu tiên họ sử dụng phần lãnh thổ của một nước khác ngoài nước họ và Syria để thực hiện chiến dịch không kích. Và một khi Nga tiến gần hơn với khối liên minh Syria-Iran, đó sẽ là thảm họa đối với phe nổi dậy mà phương Tây hậu thuẫn bấy lâu nay.

Mỹ, phương Tây bối rối

Ngay sau động thái này, trong hôm 16/8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov để thảo luận về vấn đề này. Thể hiện sự bất ngờ của Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã nói trước báo giới rằng Washington “vẫn đang cố gắng đánh giá xem chính xác thì họ đang làm gì”.

Đại tá Christopher Garver, đại diện quân đội Mỹ ở Baghdad (Iraq), cũng cho hay phía Nga đã thiết lập một mạng lưới thông tin với liên minh mà Mỹ dẫn đầu ngay trước khi thực hiện chiến dịch của mình từ căn cứ ở Iran. Động thái của Nga diễn ra rất nhanh chóng khiến giới chức ở Mỹ bất ngờ.

Bước đi mới của Nga sẽ giúp họ có được lợi ích đáng kể, nhất là về khối lượng đạn dược mà mỗi máy bay mang theo khi không kích và giúp giảm chi phí.

Việc Nga sử dụng căn cứ ở Iran cũng xuất hiện chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói rằng Washington và Moscow đã gần đạt được thỏa thuận hợp tác quân sự, trong khi giới chức Mỹ lại bác bỏ điều này, khiến giới quan sát không khỏi cảm thấy khó hiểu.

Tuy nhiên, dù vậy, ông Toner cho hay việc Nga hợp tác với Iran không ảnh hưởng tới các vòng đàm phán hướng tới thiết lập một liên minh giữa Nga và Mỹ, dù sự việc này sẽ khiến cho các vòng đàm phán thêm phần khó khăn.

Vị quan chức này còn cho rằng Nga đã vi phạm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra hồi năm ngoái liên quan tới thỏa thuận hạt nhân của Iran. Nghị quyết này cấm việc cung cấp, bán và chuyển giao máy bay chiến đấu đến Iran trừ khi được Hội đồng Bảo an phê chuẩn.

Điều khiến các nước phương Tây lo ngại hơn trong thời điểm này là, nhân chiến dịch không kích của Nga thực hiện từ lãnh thổ của họ, Tehran cũng thực hiện riêng các chuyến bay của họ trên bầu trời Iraq và Syria mà không được sự cho phép. Rất khó để chính quyền Baghdad có thể ngăn chặn được các chuyến bay này, trong khi Washington thường ngoảnh mặt làm ngơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hợp tác Nga-Iran: Thông điệp mới cho Washington

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO