Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu

Toàn Nghĩa 11/07/2020 16:49

Tại hướng dẫn, Bộ Y tế cho biết, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch.

Bệnh thường găp ở trẻ em dưới 15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc xin đầy đủ, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae (còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler) gây nên.

Vi khuẩn thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim.

Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD) và có thể dự phòng bệnh bằng vắc xin. Trực khuẩn bạch hầu sống lâu ở giả mạc và họng của bệnh nhân.

Trong điều kiện thiếu ánh sáng vi khuẩn sống tới 6 tháng và tồn tại lâu trên các đồ chơi của trẻ bị bạch hầu, áo choàng của nhân viên y tế...

Vi khuẩn bạch hầu chết ở nhiệt độ 58 độ C trong vòng 10 phút, dưới ánh sáng mặt trời vi khuẩn chết trong vài giờ. Hay gặp nhất là bạch hầu họng (70%), bạch hầu thanh quản (20-30%), bạch hầu mũi (4%), bạch hầu mắt (3-8%), bạch hầu da...

Cũng tại Hướng dẫn, Bộ Y tế cho biết, tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính.

Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.

Để đề phòng dịch bệnh bạch hầu, Bộ Y tế yêu cầu dùng vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho trẻ từ 2 – 3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1 ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau tiêm nhắc lại mỗi năm 1 lần cho đến 5 tuổi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO