Hướng Phùng, nước mắt chan mưa         

Thanh Tùng 20/10/2020 09:00

Ngày 19/10, mưa vẫn tiếp tục trút nước xuống thung lũng Hướng Phùng huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nhạt nhòa trong mưa là hình ảnh người Vân Kiều bản Cợp lặng im nhìn theo 22 chuyến xe chở thi thể những người lính Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 (Quân khu 4) bị đất đá vùi lấp vào rạng sáng 18/10, về xuôi. Lẫn trong mưa là tiếng nấc nghẹn  của các pả (cha), pỉ (mẹ) Vân Kiều, tiếc thương những người lính xa nhà, coi bản Cợp như quê hương.

Đưa thi thể cán bộ, chiến sỹ Đoàn 337 bị vùi lấp ra khỏi khu vực sạt lở, trưa ngày 19/10. Ảnh: Thanh Tùng.

Nằm cạnh đường 9, gần cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, thung lũng Hướng Phùng hứng trọn tất cả những gì nghiệt ngã nhất của thời tiết khắc nghiệt vùng Tây Quảng Trị. Nắng thì gió thổi ràn rạt, mưa thì ào ạt từng cơn như trút nước.

Sáng 19/10, dưới mưa rừng tầm tã là hàng chục chiếc máy đào và hơn 300 người lính Đoàn 337 dò dẫm kiếm tìm thi thể của 3 đồng đội còn nằm sâu dưới lớp đất đá. Sau gần 2 ngày tìm kiếm, đến trưa ngày 19/10, đã có 19 thi thể được tìm thấy, đưa ra khỏi thung lũng Hướng Phùng, về xuôi.

Không chỉ có hàng trăm người lính dùng tay trần, bới móc đất đá kiếm tìm đồng đội; cuộc tìm kiếm 3 thi thể cuối cùng còn có sự tham gia của dân bản Cợp.

Bất chấp kẻng báo động mỗi khi có tiếng ùng ục, ầm ầm từ ngọn đồi thấp có tên là đồi Tạc, dân bản mải miết sục tay xuống lớp bùn đất sâu với hy vọng tìm thấy người mất tích.

Rạng sáng 18/10, sau chuỗi tiếng nổ ùng ục, rền vang, đất đá từ đồi Tạc ào ào trượt xuống, cuốn phăng 3 dãy nhà ở và làm việc của Đoàn 337 đang có 27 cán bộ, chiến sỹ nghỉ ngơi sau một ngày làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. 5 người được đồng đội cứu thoát, 22 người vĩnh viễn ra đi.

Nằm gọn trong thung lũng Hướng Phùng nhưng bản Cợp lại ở vị trí cao và cách xa các đỉnh núi. Những người được dân bản Cợp kính trọng gọi bằng pả như pả Hồ Trú, pả Hồ Xanh không thể ngờ một ngày ngọn đồi Tạc lại gây nên thảm họa kinh hoàng.

Bao mùa mưa lũ, đồi Tạc cứ trơ trơ, vậy mà chỉ qua một đêm, ngọn đồi biến dạng, chỉ còn như gò đất cao lở loét, trơ trụi. Trong buổi sáng ngày 19/10 khi mà những người lính tham gia kiếm tìm, đứng nghiêm trang chào vĩnh biệt đồng đội, người dân Hướng Hóa, Đakrông nhìn hút theo từng chuyến xe cứu thương đưa thi thể cán bộ chiến sỹ Đoàn 337 xuôi về Nghĩa trang Quốc gia Đường 9; đồi Tạc vẫn tiếp tục ùng ục, ầm ầm đầy đe dọa.

Sự nỗ lực của hơn 500 người trong lực lượng tìm kiếm và người dân Hướng Hóa đã được đền đáp: vào thời điểm 14 giờ 30 khi thi thể cuối cùng trong số 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn 337 được nhẹ nhàng đưa lên từ lớp đất đá dày, sâu hơn 1 m.

Hướng Phùng, trong cơn mưa của đất trời còn có những giọt nước mắt lăn dài, tuôn chảy từ khóe mắt bao người khi chứng kiến thi thể Thượng úy Trương Văn Thắng (31 tuổi, công an xã biên giới Hướng Việt, huyện Hướng Hóa) phải di chuyển theo một lộ trình đầy khó nhọc là băng qua rừng sâu đến sát biên giới Việt - Lào rồi men theo triền sông Sê Băng Hiêng đến chân núi Tà Rùng.

Từ chân núi Tà Rùng, thi thể người sỹ quan công an hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ giúp dân trong mưa lũ lại tiếp tục được khiêng băng qua các cánh rừng già đầy hiểm nguy trong mưa lũ để về nơi anh công tác là xã Hướng Việt.

Sau nhiều cân nhắc, đắn đo, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an có mặt tại hiện trường chỉ đạo cứu nạn đã quyết định lựa chọn phương án khá mạo hiểm nhưng an toàn cho chính những người đưa Thượng úy Trương Văn Thắng về làm lễ truy điệu ở xã Hướng Việt do tất cả các tuyến đường đều bị sạt lở và lũ chia cắt!

Hướng Phùng, nước mắt chan mưa trong tiếng khóc xé lòng của thân nhân 22 người lính Đoàn 337; đồng đội, người thân sỹ quan công an trẻ Trương Văn Thắng.

Miền Trung, mỗi năm một mùa mưa lũ nhưng thiệt hại về người và tài sản có thể không là con số quá lớn, không dồn dập tiếp nối thương đau từ Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế) đến Hướng Phùng, Hướng Hóa (Quảng Trị) chỉ trong vài ngày nếu như các cánh rừng còn cây để che chắn.

Trong hành trình di chuyển từ Đông Hà đến khu vực sạt lở vùi lấp 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn 337 ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, chúng tôi đã phải không dưới 2 lần đối mặt với hiểm nguy khi đất đá từ ta luy dương cao hàng chục m QL9 bất ngờ đổ ập xuống.

Gần 80 km QL9 từ Đông Hà đến Hướng Hóa, chúng tôi đếm được hàng chục điểm sạt lở vô cùng nguy hiểm, trong đó có 2 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm là khu vực cầu Cu Pua (xã Đakrông, huyện Đakrông) và cầu Xóm Ró (km45 +878).

Đứng từ cầu Cu Pua trông lên, chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến chiếc xe cứu thương chở thi thể cán bộ chiến sỹ Đoàn 337 phải lách qua khe hẹp giữa một bên là hàng trăm khối đất đá chực chờ đổ ập xuống từ ta luy dương và sạt lở lấn sâu và tim đường của taluy âm.

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Trị cho biết, tính đến sáng 19/10, địa phương này có 41 người chết, 16 người mất tích, 20 người bị thương trong đợt mưa lũ từ đầu tháng 10 đến nay…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng Phùng, nước mắt chan mưa         

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO