Hướng tới đa dạng nuôi trồng thủy sản

Thúy Hằng (thực hiện) 29/12/2022 10:31

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo để nhanh chóng gỡ được thẻ vàng, nhằm tăng cường xuất khẩu hải sản vào thị trường châu Âu.

Ông Trương Đình Hòe.

PV: Thưa ông, sau 5 năm nỗ lực khắc phục những nội dung cảnh báo của Ủy ban châu Âu (thẻ vàng); xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU có bị ảnh hưởng?

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE: Gỡ thẻ vàng là vấn đề không hề đơn giản, chúng ta phải có quyết tâm thật cao trong chuyện này. Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ để nhanh chóng gỡ được được thẻ vàng. Khi thẻ vàng được gỡ thì việc xuất khẩu hải sản đánh bắt qua châu Âu chắc chắn tốt hơn. Quan trọng hơn, khi đó ngoài việc trở lại thị trường châu Âu, cũng tạo tâm lý hơn khi xuất khẩu vào các thị trường khác, cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản tăng tốc xuất khẩu.

Dư địa tăng trưởng xuất khẩu của thị trường đối với thủy sản còn nhiều, nhưng để giành được điều đó trong bối cảnh phải phát triển bền vững và phải cạnh tranh với không ít quốc gia không đơn giản, thưa ông?

- Sản lượng thủy sản hàng năm của Việt Nam có thể đạt 10 triệu tấn, trong trong đó nuôi trồng hơn 7 triệu tấn cung cấp 70% nguyên liệu cho xuất khẩu. Lợi thế về tính đa dạng trong nuôi trồng thủy sản phù hợp xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới sẽ giúp xuất khẩu thủy sản tăng thị phần tại các nước phát triển.

Việt Nam hiện có công suất chế biến thực tế 3 triệu tấn/năm so với mức xuất khẩu xấp xỉ 2 triệu tấn hiên nay. Hiện có 20 công ty trong câu lạc bộ 100 triệu USD và sẽ gia tăng trong vài năm tới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có công nghệ chế biến thủy sản hiện đại nhất. Hơn 700 cơ sở chế biến đạt chứng nhận bắt buộc của EU, Trung Quốc. USDA công nhận tương đương cho ngành xuất khẩu cá tra. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp (DN) có chứng nhận bền vững quốc tế ngày càng tăng. Nếu DN nuôi theo quy mô trang trại sẽ dễ có các chứng nhận quốc tế như ASC, BAP… là những loại giấy thông hành giúp DN thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính như EU.

Theo ông, để tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới cần lưu ý gì?

- Thứ nhất là sự chủ động trong cả nguyên liệu và sản xuất. Khi dịch Covid-19 lên đỉnh điểm, doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã chủ động kiến nghị các cơ quan ban ngành, Chính phủ cần phải tiếp tục hỗ trợ DN nuôi trồng thuỷ sản trong giai đoạn đó. Thực tế, việc này giúp DN phục hồi nhanh hậu Covid-19, việc chủ động giúp DN nắm bắt các cơ hội. Tiếp theo là tính linh hoạt, kiên trì với thị trường, xu hướng tiêu dùng. Tiếp đến là tính hiện đại để giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có trình độ chế biến cao trên thế giới. Cuối cùng là tính bền vững bao gồm sản xuất xanh đi kèm trách nhiệm xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng tới đa dạng nuôi trồng thủy sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO