Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ: Anh hùng không chỉ một thời...

Trần Ngọc Kha 12/05/2017 09:35

Những năm trước đây, đến thôn Cao Bình, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc hỏi thăm ông Nguyễn Văn Thoa, người từng bắn rơi 13 chiếc máy bay Mỹ, không phải ai cũng biết. Họ chỉ biết có một ông Thoa – bác sĩ thú y, một ông Thoa cựu chiến binh hết lòng với công tác Mặt trận.

Ông Thoa cùng vợ làm kinh tế gia đình.

Lịch sử quân đội nhân dân ta ghi nhận có 2 người từng bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất. Đó là ông Hoàng Văn Quyết (14 chiếc) và ông Nguyễn Văn Thoa (13 chiếc). Ông Quyết đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang từ ngay sau những ngày đầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mãi sau này, ông Nguyễn Văn Thoa mới được phong Anh hùng lực lượng vũ trang thời chống Mỹ. Ông Thoa còn làm Ủy viên Ban Chấp hành Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhập ngũ năm 1971, 19 tuổi, ông Thoa được biên chế vào đơn vị phòng không tầm thấp. Đầu năm 1972, đơn vị được lệnh đi B, trực tiếp chiến đấu, phối thuộc với các đơn vị bộ binh Sư đoàn 77 trên chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Từ đó đến khi kết thúc chiến tranh năm 1975, bằng 18 quả đạn tên lửa A72 vác vai, trong 6 trận đánh, riêng ông đã diệt 13 chiếc máy bay Mỹ. Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975, ông cùng biệt động Sài Gòn luồn sâu, ém sẵn chờ thời cơ nổ súng bảo vệ các binh chủng của bộ đội ta chiếm lĩnh chốt Tân Thới Hiệp, đồng thời khống chế máy bay địch lên, xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Cũng chính tại đây, ông bị thương vào đầu, mảnh đạn đến nay vẫn chưa lấy ra được.

Kết thúc chiến tranh, trước khi chia tay, đồng đội cùng đơn vị đề nghị cấp trên làm thủ tục xét duyệt phong tặng danh hiệu Anh hùng cho 4 người từng lập công lớn bắn nhiều máy bay Mỹ, trong đó có ông Thoa. Tuy nhiên, vì lý do sau đó ông được ra quân, đi học Đại học Nông nghiệp I rồi về làm việc nhiều nơi nên vẫn chưa được bộ phận làm công tác chính sách của Quân chủng phòng không quan tâm đúng mức. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Thoa vẫn lặng lẽ sống và làm việc giữ đúng phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ, không đòi hỏi cho mình bất kỳ quyền lợi nào.

Mãi đến những năm 1990, trong một cuộc họp mặt của Tiểu đoàn 172, các đồng đội cũ của ông mới biết chuyện và lại tiếp tục làm đơn xác nhận, kiến nghị gửi lên các cấp đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho ông. Cùng với sự trợ giúp của báo chí, kiến nghị này đã được cấp trên chấp thuận. Ông đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang. Cùng lúc đó, ông cũng mới được hưởng chế độ thương tích (do trước đó đánh mất giấy chứng thương nên chưa được hưởng chế độ này).

Xuất ngũ về quê ông Thoa bươn chải làm đủ mọi việc, trở thành bác sĩ thú y, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm để kiếm sống vực dậy cả một gia đình từ đói nghèo vươn lên làm giầu. Đến nay, gia đình ông đã có của ăn của để, có nhà tầng khang trang, con cái học hành, thành đạt.

Không những vậy, ông còn tích cực tham gia công tác xã hội, làm chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, làm công tác Mặt trận thôn, xã huyện, và là ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc. Ở cương vị nào ông Thoa cũng hết lòng vì công việc.

Ông xứng danh anh hùng không chỉ một thời, một thuở…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ: Anh hùng không chỉ một thời...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO