Hương ước và vai trò chủ thể của cộng đồng

Ngọc Anh 06/03/2023 09:00

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đang soạn thảo Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Dự thảo nghị định gồm 4 chương, 22 Điều. Đáng chú ý trong đó có việc mở rộng các nhóm đối tượng được đề xuất ngoài trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, còn có công dân cư trú tại thôn, tổ dân phố; bổ sung hình thức thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội, hoạt động hợp pháp khác theo quy định; thay đổi thẩm quyền công nhận từ UBND cấp huyện, xuống UBND cấp xã; phân định rõ trường hợp hương ước, quy ước vi phạm thì UBND cấp xã quyết định sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, tạm ngừng thực hiện...

Trước tiên, cần phải hiểu hương ước, quy ước là gì.

Theo Quyết định 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Nội dung của hương ước, quy ước bao gồm một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nguyên tắc; ghi nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; phù hợp với yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư.

Mặt khác, hương ước, quy ước được thể hiện dưới hình thức văn bản, có chữ ký xác nhận của Trưởng ban Công tác Mặt trận, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố. Hương ước, quy ước sau khi được công nhận có đóng dấu giáp lai của UBND cấp huyện. Việc lựa chọn tên gọi “hương ước” hoặc “quy ước” do cộng đồng dân cư thống nhất, quyết định.

Như vậy, có thể thấy hương ước, quy ước trước tiên phải dựa trên tinh thần tự nguyện của cộng đồng; phát huy quyền làm chủ của nhân dân phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư.

Đặc biệt hương ước, quy ước không được đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất.

Trên khắp cả nước, nhiều thôn xóm có hương ước, quy ước. Có khi đã tồn tại vài chục năm trên cơ sở hương ước của làng đã có từ cả trăm năm. Xã hội phát triển, một số hương ước đã lạc hậu, trở thành gánh nặng cho cộng đồng, hay còn được gọi là “lệ làng”.

Người Việt Nam ta dù đã ở thành thị vài ba đời nhưng đều có quê hương là làng xóm. Trong ký ức vẫn đọng lại hình bóng cây đa, bến nước, sân đình và cả những “lệ” riêng của làng.

Nhưng rồi, theo đà tiến của xã hội, bộ mặt làng quê biến đổi, những tập tục cũng ít dần đi, nhất là với những quy định riêng của làng đã trở thành gánh nặng. Xây dựng nông thôn mới, làng quê thực sự đổi khác, vì thế hương ước (hay quy ước) cũng cần phải đổi mới.

Vì vậy, việc có Nghị định mới về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư là cần thiết. Nhưng thiết nghĩ rất cần tuân thủ hai việc: Một là trên tinh thần tự nguyện cộng đồng, phát huy vai trò chủ thể của người dân. Và hai là không nên quá “hành chính hóa” theo kiểu “đồng phục” hương ước, quy ước vì mỗi thôn, mỗi làng đều có những đặc điểm riêng cần được tôn trọng, gìn giữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hương ước và vai trò chủ thể của cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO