Huy động nội lực để giảm nghèo bền vững - Bài 1: Lấy cộng đồng làm định hướng

Minh Quang 22/07/2019 15:33

LTS: Nếu tính theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, hiện cả nước vẫn còn hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hàng nghìn thôn bản, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và nhiều huyện nghèo cần được quan tâm, hỗ trợ.

Thời gian qua, công tác giảm nghèo trên cả nước đã đạt được nhiều thành tựu, nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ những nỗ lực “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau”. Dẫu thế, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi phải có cách làm chủ động, sáng tạo và huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa.

Huy động nội lực để giảm nghèo bền vững - Bài 1: Lấy cộng đồng làm định hướng

Còn nhiều việc phải làm để đồng bào DTTS thoát nghèo theo chuẩn đa chiều. Ảnh: Mạnh Dũng.

Trên 7.860 công trình cở sở hạ tầng thiết yếu được hoàn thiện, 192.000 hộ thuộc 259 xã được hưởng lợi trực tiếp, hơn 18.000 hoạt động sinh kế được hình thành… đó là những kết quả quan trọng từ Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2 do Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cùng Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp triển khai từ năm 2010 – 2018. Những số liệu được công bố mới đây tại Hội nghị tổng kết dự án nói trên đã cho thấy những tín hiệu vui từ 6 tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Lào Cai.

Hàng trăm ngàn hộ gia đình đã thoát nghèo

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2010 – 2018 được thực hiện tại 6 tỉnh miền núi phía Bắc. Dự án huy động nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới là 250 triệu USD, gồm 150 triệu USD cho giai đoạn 2 (2010 – 2015) và 100 triệu USD cho giai đoạn vay bổ sung (AF – 2015 – 2018). Ngoài ra, nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam khoảng 25 triệu USD.

Dự án được thực hiện theo phương pháp tiếp cận “lấy cộng đồng làm định hướng”, được thiết kế với các hợp phần và can thiệp ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác nhau, bao gồm cải thiện tiếp cận kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng phục vụ sản xuất, tiếp cận các dịch vụ sản xuất, phát triển sinh kế bền vững cho người dân nhằm phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế đa dạng, tăng thêm việc làm, tạo thu nhập ổn định.

Dự án can thiệp đến 192.000 hộ của 259 xã (trong đó trên 98.500 hộ nghèo) với trên 732.500 lượt hưởng lợi trực tiếp; hoàn thiện 7.861 công trình cở sở hạ tầng gồm: xây mới và cải tạo tại 2.594 thôn bản, gần 4.000 công trình đường giao thông với 3844km đường, 1.335 công trình thủy lợi phục vụ trên 16.000 ha sản xuất…

Đáng chú ý, Dự án đã tạo hơn 18.000 hoạt động sinh kế cho 222.000 hộ hưởng lợi và có trên 62.000 lượt nông dân được cung cấp kiến thức, kỹ thuật sản xuất và kỹ năng xã hội khác…

Theo đánh giá của ông Achim Fock, Giám đốc Điều phối danh mục và hoạt động dự án - WB Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, qua 8 năm triển khai thực hiện, những thành công và kết quả tốt của Dự án đã đem lại những đổi thay đáng kể tại 6 tỉnh thuộc vùng Dự án. Từ đó, đã góp phần nâng cao mức sống của người dân, cải thiện việc tiếp cận cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, hỗ trợ các hoạt động phát triển sinh kế, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập bền vững cho người cho người hưởng lợi. Đặc biệt, Dự án đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ các tỉnh đạt được mục tiêu chung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho khu vực miền núi phía Bắc và Việt Nam nói chung.

Bà Nguyễn Thị Thu Lan - đại diện WB, đồng thời là chủ nhiệm dự án cho biết: Tất cả các dự án WB tài trợ đều chọn cách tiếp cận tạo cho người dân ở thế chủ động trong tự tổ chức sản xuất, gắn kết thị trường, sản xuất theo nhu cầu thị trường nhằm tăng thu nhập và đa dạng nguồn thu nhập. Thông qua các dự án giảm nghèo, WB đặt kỳ vọng các cách làm hay được thể chế hóa và nhân rộng mô hình hướng tới mục tiêp giúp Chính phủ Việt Nam hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững. Từ việc được Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc tạo “sức bật” cho cộng đồng vươn lên thoát nghèo, các nhóm cùng sở thích sẽ tiếp tục hỗ trợ nhau duy trì sinh kế, phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững ngay khi dự án này kết thúc.

Huy động nội lực để giảm nghèo bền vững - Bài 1: Lấy cộng đồng làm định hướng - 1

Tập trung hỗ trợ cộng đồng

Tiêu chí “lấy cộng đồng làm định hướng” của Dự án nói trên - cũng chính là một trong những yêu cầu quan trọng trong công cuộc giảm nghèo đang triển khai thời gian qua. Mới đây trong quá trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành - Phó Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH cho rằng, thời gian qua, việc tập trung đầu tư riêng lẻ cho từng hộ nghèo, chưa chú trọng thay đổi phương thức, mô hình sản xuất khiến giảm nghèo chưa bền vững. Do đó tới đây, giảm nghèo cần lấy sự phát triển của cộng đồng làm trung tâm. Nói không với tổ chức sản xuất đơn lẻ, tạo sự liên kết giữa người làm sản xuất giỏi với hộ nghèo, hộ cận nghèo; kết nối giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ và thị trường, có vậy mới tạo động lực cho người dân thoát nghèo.

Cụ thể, Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018 đã làm việc với 12 tỉnh, thành phố. Sau quá trình giám sát, ông Nguyễn Lâm Thành đánh giá: Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm, khả năng tiếp cận các điều kiện dịch vụ xã hội cơ bản của người dân từng bước nâng cao. Cơ sở hạ tầng ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi có sự thay đổi, hệ thống giao thông đã mở đến trung tâm xã và một số thôn, bản. Hệ thống cơ sở vật chất về trường học được xây dựng khang trang. Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng được trường mầm non ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đây là cơ sở để cải thiện điều kiện, chất lượng giáo dục, tăng số lượng trẻ em đến trường. Tỉ lệ số xã đạt chuẩn về y tế đã tăng lên, nhiều xã có bác sĩ và bảo đảm những điều kiện cơ bản về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chỉ số tiếp cận điện năng ở vùng miền núi tăng lên (khoảng 95 - 96% số hộ dân tộc thiểu số có điện). Chúng ta cũng phủ sóng phát thanh, truyền hình và sóng điện thoại đến nhiều khu vực, giúp người dân tiếp cận khoa học công nghệ mới, tri thức mới, phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.

Dẫu thế, theo ông Nguyễn Lâm Thành, thực tiễn giám sát cho thấy, chúng ta chưa hoàn toàn thay đổi được tập quán, phương thức sản xuất của người dân. Vì thế, thu nhập của một bộ phận người dân chưa tăng lên. Tỷ lệ người dân có nước sạch và nước hợp vệ sinh còn rất ít. Một số nơi người dân vẫn sử dụng nguồn nước tự nhiên. Nhiều nơi, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không có nhà vệ sinh, có nơi có thì không sử dụng, kéo theo vấn đề môi trường vệ sinh làng, bản. Việc tổ chức lại không gian sống trong gia đình và sinh hoạt của cộng đồng chưa thực sự biến đổi. Công tác đào tạo nghề chưa góp sức vào việc nâng cao trình độ, kỹ năng cho cộng đồng... Do đó tới đây, chính sách, pháp luật về giảm nghèo cần sửa đổi. Trước hết, mỗi địa phương phải xác định được những cây, con chủ lực và có lợi thế. Bởi thực tế đã có trường hợp các địa phương thử nghiệm quá nhiều, mông lung, lúng túng trong việc xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư cho cộng đồng thông qua các chương trình, dự án (vấn đề này chính sách, pháp luật đã quy định, nhưng quá trình thực hiện chưa tốt). Cùng với đó không đầu tư dàn trải cho riêng đối tượng là người nghèo nữa, mà lấy sự phát triển của cộng đồng làm trung tâm. Bên cạnh sự hỗ trợ vật tư, tiền vốn, phải có hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, kết nối giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ và thị trường. Nói không với tổ chức sản xuất đơn lẻ, thay đổi phương thức sản xuất, lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Nhận thức từ gốc của vấn đề thì bài toán hỗ trợ sản xuất mới thành công, qua đó mới có được sức sản xuất mới, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đồng quan điểm này, theo phân tích từ các chuyên gia, khi đã chuyển sang hỗ trợ cho cộng đồng, hỗ trợ có điều kiện thì sẽ giảm dần, tiến tới cắt bỏ hỗ trợ trực tiếp. Chỉ hỗ trợ trực tiếp với nhóm đối tượng có hoàn cảnh thực sự đặc biệt. Quan trọng là hỗ trợ bằng các chương trình vay vốn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tổ chức sản xuất cho người dân; nâng cao nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng lao động.

Trước những băn khoăn rằng, liệu rằng sau giám sát, có giải pháp nào khắc phục được những tồn tại trong công tác giảm nghèo hiện nay, cùng đó là tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ Nhà nước của người dân hay không? Ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng: Chính sách nhà nước phải thay đổi, tạo hiệu ứng cho người dân thay đổi. Và chính người dân cũng phải vượt khó, vươn lên. Chính sách và tổ chức thực hiện là khâu quyết định giúp người dân loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Trên thực tế hiện nay một số chính sách còn chồng chéo. Đơn cử như hỗ trợ người dân phải đưa khuyến nông, khuyến lâm vào, thay vì việc đào tạo nghề không phù hợp và không gắn với cuộc sống người dân…

Như đã đề cập, dù được Liên hợp quốc đánh giá là một trong những quốc gia hoàn thành trước thời hạn thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ và là điểm sáng về thực hiện Mục tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt nhiều thách thức trong việc bảo đảm tính bền vững của kết quả đã đạt được. Một trong những nội dung quan trọng mà Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đặt ra là đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở, cộng đồng, phát huy tinh thần tự lực của người dân trong quá trình thực hiện giảm nghèo tại địa phương. Để thực hiện thành công Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cũng như Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, thì cần phải có giải pháp phát huy tinh thần tự lực của người dân, trong đó cốt lõi là thay đổi các chính sách của Nhà nước từ việc hỗ trợ bao cấp sang huy động nội lực của người dân là chủ yếu, hỗ trợ của Nhà nước chỉ là chất xúc tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huy động nội lực để giảm nghèo bền vững - Bài 1: Lấy cộng đồng làm định hướng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO