Huy động nội lực để giảm nghèo bền vững - Bài 3: Sớm xóa nghịch lý giảm nghèo

Minh Quang Ảnh: Mạnh Dũng 24/07/2019 15:43

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, ước đến cuối năm 2018, tỉ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%. Kết quả giảm nghèo trong 2 năm (2016-2017) đạt mục tiêu Quốc hội giao.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững. Đáng chú ý, tỉ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, bằng 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo, do các nguyên nhân tách hộ, do hậu quả của thiên tai, lũ lụt, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Kết quả giảm nghèo chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Những con số này đáng suy ngẫm, đặt ra những vấn đề cần có giải pháp sớm xóa nghịch lý giảm nghèo vẫn tồn tại lâu nay.

Huy động nội lực để giảm nghèo bền vững - Bài 3: Sớm xóa nghịch lý giảm nghèo

Cây chanh leo giúp người dân giảm nghèo ở Mộc Châu - Sơn La.

Chữa bệnh “không muốn thoát nghèo”

Ông Đào Ngọc Dung cho hay, mặc dù tỉ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỉ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%. Tỉ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Tại phiên họp Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (giai đoạn 2017-2018), đưa ra dẫn chứng về thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phân tích: Đến tháng 3/2018, tuy đã có 8/64 huyện 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020. Đặc biệt, 12 tỉnh có tỉ lệ tái nghèo tăng rõ rệt tăng từ 0,03% trở lên, trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi; số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo; nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỉ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao. Như vậy tốc độ giảm nghèo không đồng đều. Tình trạng không muốn thoát nghèo, chưa kịp thời chuyển đổi chính sách để khắc phục sự ỷ lại, hiệu quả của việc nhân rộng các mô hình sinh kế còn hạn chế.

Một băn khoăn lớn cũng được đặt ra, từ sau khi áp dụng theo chuẩn nghèo mới là chuẩn nghèo đa chiều thì người nghèo đã được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản của Nhà nước theo chuẩn nghèo mới hay chưa? Mấy năm qua đã cải thiện được vấn đề thu nhập như thế nào?...Trong khi muốn người dân thoát nghèo thì phải có đất ở và đất cho người dân sản xuất. Nhưng tỉ lệ này trong thời gian qua rất thấp, chỉ đạt 11,7% số hộ được giao đất, tức là bình quân 10 hộ mới có 1 hộ. Theo các con số thống kê, hiện miền núi, vùng sâu vùng xa tỷ lệ tái nghèo vẫn cao. Vậy nguyên nhân do đâu, còn vướng ở chỗ nào?

Thực tế cho thấy, đang tồn tại nghịch lý trong giảm nghèo hiện nay. Đó là phải được công nhận là hộ nghèo thì mới có được những chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Cũng chính bởi lý do này mà có tình trạng nhiều cán bộ đưa người thân vào danh sách hộ nghèo, hoặc được hưởng hỗ trợ về nhà ở, cây, con giống… để trục lợi. Vẫn còn tình trạng phấn đấu thành xã nghèo, huyện nghèo, trong khi cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, tập trung chăm lo cho giảm nghèo nhưng số huyện nghèo cơ bản vẫn "giữ như cũ". Hay nói cách khác đó là bệnh không muốn thoát nghèo, cần sớm được chữa trị...

Bớt đầu tư dàn trải

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giảm nghèo chưa được kéo giảm là hệ thống hoá, tích hợp, ban hành văn bản, chính sách về giảm nghèo. Nhiệm vụ này phải kết thúc trong năm 2015. Tuy nhiên đến năm 2018 mới chỉ xong 4/12 nhiệm vụ (đạt 33%) mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo lần 2. Các văn bản chưa được tích hợp thuộc trách nhiệm của 6 Bộ. Hay văn bản quy định hoặc hướng dẫn thống nhất về chính sách hỗ trợ có điều kiện để tích hợp, gia tăng giá trị và hiệu quả tác động của các chính sách, nguồn lực hỗ trợ cũng chưa được ban hành.

Một thống kê cũng cho thấy, hiện có 13 nhóm chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, nhưng lại có tới 14 Bộ được phân công chủ trì. Chính sách dàn trải, nhiều đầu mối hướng dẫn, quản lý, thực hiện chính sách nhưng không rõ trách nhiệm nên không tránh khỏi chồng chéo, trùng lặp về đối tượng và phạm vi thực hiện. Ở các phiên chất vấn tại Quốc hội, vấn đề này được nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ra, đó là câu chuyện điện thắp sáng cho thôn bản, thì phải chất vấn các dự án, nhà máy thủy điện thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương; hay nguồn vốn phân bổ đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phải hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…

Phân tích từ các chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng, hiện công tác giảm nghèo bền vững vùng DTTS còn hạn chế, trong đó có nguyên nhân từ việc đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo dàn trải, lãng phí. Theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải, lãng phí trong chương trình giảm nghèo ở nhiều địa phương, trước hết là do từ khi xác định các chương trình hỗ trợ đã không khảo sát đúng nhu cầu của đối tượng cần hỗ trợ; quá trình đề xuất, triển khai dự án, đối tượng thụ hưởng không được tham gia, đánh giá; việc giám sát tác động trước, trong và sau đầu tư còn bỏ ngỏ. Đầu tư xóa đói giảm nghèo thiếu hiệu quả, không chỉ gây lãng phí ngân sách Nhà nước, tiền thuế của nhân dân mà còn ít nhiều làm mất niềm tin trong xã hội. Người dân mong chờ các chương trình, mô hình giúp họ thoát nghèo nhưng nguồn đầu tư lại bị sử dụng lãng phí, không tạo động lực để họ vươn lên thoát nghèo…

Huy động nội lực để giảm nghèo bền vững - Bài 3: Sớm xóa nghịch lý giảm nghèo - 1

Mô hình vườn cam giảm nghèo ở Cao Phong - Hòa Bình.

Như vậy, để việc đầu tư giảm nghèo mang lại hiệu quả, điều đầu tiên là cần lựa chọn được những dự án đầu tư đúng, khả thi, hữu ích, sát với nhu cầu và khả năng của người dân. Những người nghèo phù hợp với tiêu chí của dự án thì lựa chọn chứ không nên ngẫu nhiên. Tiếp đó là cần một quy trình quản lý quá trình đầu tư để không thất thoát, lãng phí. Quy trình đó cần phải coi trọng công tác quản lý, đánh giá, kiểm tra, giám sát. Ngoài việc thông qua hội đồng, cơ quan thẩm tra, cơ quan phê duyệt, rất cần công khai, minh bạch dự án, trong đó hết sức coi trọng sự tham gia giám sát của chính cộng đồng người nghèo thụ hưởng. Họ cần phải biết dự án đó làm gì, làm như thế nào, hiệu quả ra sao, triển khai từng bước như thế nào…

Qua kết quả kiểm toán, kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra và kiến nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan chỉ đạo khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai các dự án, chương trình hỗ trợ giảm nghèo. Điển hình như, công tác phân bổ vốn cho mục tiêu giảm nghèo còn chung chung, phân bổ theo bình quân, không có thứ tự ưu tiên; việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn còn bị động, lúng túng... Do đó, việc chấn chỉnh những bất cập nêu trên, nâng cao hiệu quả của các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ giảm nghèo sẽ góp phần tăng cường tính hiệu quả của công tác giảm nghèo trong thực tế.

Cần sớm có Đề án tổng thể

Cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2019, Ủy ban Dân tộc (UBDT) cũng đã tổ chức các Hội thảo tham vấn các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ góp ý nội dung “Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi và vùng KT-XH đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030”.

Theo dự thảo Đề án, vùng DTTS, miền núi và vùng KT-XH ĐBKK là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, KT-XH, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái; nhưng thực tế hiện nay lại là vùng có điều kiện KT-XH phát triển khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất... Do vậy, việc xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT- XH vùng DTTS và KT-XH ĐBKK là rất cần thiết, qua đó xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển.

Mục tiêu của Đề án hướng tới việc khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn ĐBKK; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; gia tăng đầu tư nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển... Định hướng đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh trong vùng DTTS đạt 8-10%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,5 lần, tỉ lệ hộ nghèo giảm 4-5%/năm, giảm 30% số xã ĐBKK và 50% số thôn ĐBKK so với năm 2019; trên 90% số xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa...

Dẫu thế, để có thể coi Đề án là một bước đi tiếp nối các chương trình giảm nghèo của giai đoạn 2010-2020, đặc biệt của Chương trình 135 các giai đoạn trước, các đại biểu đề nghị Đề án cần nhấn mạnh tới việc tiếp nối các nguyên tắc chủ đạo, xuyên suốt, các sáng kiến, điểm sáng của các chương trình giảm nghèo của các giai đoạn trước.

Theo đại diện Bộ LĐTB&XH, Đề án cần đề cập tới việc phải tạo ra được thị trường hàng hóa và thị trường lao động để tạo sự đột phá lớn, thúc đẩy phát triển vùng DTTS và miền núi. Trong đó cần quan tâm đến vấn đề thu hút nguồn lực, thu hút đầu tư vào các vùng này; vấn đề đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm; các vấn đề về an sinh xã hội, giao rừng, làm đường giao thông... phải sát với yêu cầu thực tiễn. Các chính sách thuộc đề án cần có sự khảo sát kỹ, phù hợp với trình độ tiếp nhận của người dân và đi vào lòng dân; với thời gian thực hiện đề án trong 5 năm (2021 – 2025) là khá ngắn hạn, UBDT nên cân nhắc việc đề xuất với Chính phủ về thời hạn thực hiện đề án đến năm 2030 để đề án thực sự phát huy hiệu quả; nội dung Đề án cũng cần khẳng định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với việc đầu tư phát triển vùng DTTS, làm cơ sở cho sự đảm bảo về nguồn lực khi đi vào triển khai.

Nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trong tình hình hiện nay đang ngày càng khó khăn hơn. Trong khi chờ đợi đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS nói trên, các địa phương cần chủ động sáng tạo, huy động nhiều nguồn lực hơn nữa để giảm nghèo bền vững.

Huy động nội lực để giảm nghèo bền vững - Bài 1: Lấy cộng đồng làm định hướng

Huy động nội lực để giảm nghèo bền vững - Bài 2: Kỳ vọng giảm nghèo bền vững

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huy động nội lực để giảm nghèo bền vững - Bài 3: Sớm xóa nghịch lý giảm nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO