Huyện Quốc Oai: “Biến” đất nhà văn hóa thành ki ốt kinh doanh và bãi trông giữ xe

PV 19/04/2021 20:52

Nhiều năm trôi qua, không gian sinh hoạt văn hóa của người dân thôn Ngọc Than bị lấn chiếm bởi hàng quán, ki ốt và dãy cho thuê trông giữ xe ô tô. Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã thanh tra và yêu cầu giải quyết, nhưng đến nay tình trạng trên vẫn tiếp tục diễn ra.

Nhà văn hóa thôn Ngọc Than được xây dựng từ năm 2008 trên diện tích đất công của UBND xã Ngọc Mỹ, tiền xây dựng từ nguồn ngân sách của UBND huyện Quốc Oai; thể hiện bản đồ VLap đo vẽ năm 2012, tờ bản đồ số 14, thửa đất số 9, diện tích 2.462,2m2; Sổ mục kê đất đai năm 2014 lọi đất văn hóa. Năm 2010, HTXNN Ngọc Than có sử dụng một phần diện tích của nhà văn hóa thôn Ngọc Than để làm việc.

Năm 2017, UBND xã Ngọc Mỹ có văn bản số 378/UBND ngày 21/11/2017 cho phép HTXNN Ngọc Than tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất chuyên dùng của nhà văn hóa thôn để xây dựng 9 ki ốt, khoảng 210 m2 và 12 gian cho thuê để ô tô và bán hàng kinh doanh là vi phạm điểm g, khoản 1 Điều 157 Luật đất đai năm 2013 “các trường hợp chuyển mục đất sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gồm: chuyển đất xây dựng công trình sự nghiêp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ”. Trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ và Giám đốc HTX Ngọc Than, kết luận thanh tra nêu rõ.

Trong vai người có nhu cầu thuê chỗ gửi xe, chúng tôi được ông H bảo vệ nhà văn hóa hướng dẫn tỉ mỉ: 150 nghìn cho một ngày đêm, trông ban ngày là 100, còn thuê cả tháng là 600 nghìn đồng. Hiện nay hợp tác xã không được thu nữa, chúng tôi là bảo vệ sẽ tự thu...

Những ngày hội họp thì không gửi được, xe dài quá không gửi được. Tất cả các ô gửi xe tháng đã kín hết muốn chờ lốt trống cũng không có, muốn gửi ngày chúng tôi còn phải xếp chỗ. Bây giờ cứ gửi ngày nào tính tiền ngày đấy. Ông H cho biết thêm.

Một ô trông giữ xe như thế này có giá 600 nghìn đồng/tháng.

Ông Nguyễn Duy Sáu – người dân tại thôn Ngọc Than cho hay: Người dân ở đây bức xúc lắm, chúng tôi gửi đơn đi khắp nơi để tố cáo chính quyền không chỉ về việc sử dụng đất của nhà văn hóa để kinh doanh mà cả việc tự ý chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất xây chợ và trường học nay bỗng dưng thành đất dự án, đang làm hạ tầng phân lô để bán rồi.

Đang hí hửng tưởng có chợ cho bà con giao thương, xây trường cho các cháu đi học. Giờ lại thành dự án, mà nhiều hộ dân còn chưa được nhận đền bù. Chúng tôi cứ như bị lừa. Ông Đỗ Lai Cương bức xúc nói.

Kết luận số 166/KL-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2020 cũng nêu rõ: Nội dung tố cáo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho phép HTX NN Ngọc Than tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng 09 ki ốt và 12 gian cho thuê để ô tô và thu tiền và UBND xã Ngọc Mỹ là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013, là tố cáo đúng.

Ông Nguyễn Duy Sáu trầm tư nói: Thanh tra thành phố vào cuộc rồi, kết luận sự việc chúng tôi phản ánh là đúng. Mấy tháng nay chúng tôi đang chờ xem các anh ấy thực hiện như thế nào?

Báo Đại Đoàn Kết có đặt lịch liên hệ làm việc vưới UBND huyện Quốc Oai thì nhận được phản hồi rất ráo hoảnh: Tôi đã chuyển lên lãnh đạo ủy ban và không thấy lãnh đạo có bút phê gì xuống. Quy trình chuyển lên nếu có bút phê của lãnh đạo thì chúng tôi một là gửi email, hai là zalo, ba là tôi sẽ gọi điện trực tiếp cho chị. Của chị không có thông tin xử lý gì chị nhé

Và đến nay, số tiền 693.000.000 đồng do HTXNN Ngọc Than thu từ việc cho thuê ki ốt để các hộ dân kinh doanh và các gian để xe ô tô, UBND xã Ngọc Mỹ đã sử dụng vào việc gì? Và khi nào người dân ở thôn Ngọc Than được trả lại nguyên hiện trạng đất của nhà văn hóa để người dân có nơi sinh hoạt cộng đồng? Người dân vẫn đang chờ câu trả lời từ phía chính quyền.

Trước đó UBND xã Ngọc Mỹ và UBND huyện Quốc Oai cũng sử dụng gần chín tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước để xây chợ Ngọc Mỹ trên đất nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huyện Quốc Oai: “Biến” đất nhà văn hóa thành ki ốt kinh doanh và bãi trông giữ xe

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO