Hy vọng gì ở thuốc kháng Covid-19?

Mai Phương 20/10/2021 06:00

Rút kinh nghiệm từ sự mất cân bằng trong việc tiếp cận mà vaccine Covid-19 đang vướng phải, hãng dược Merck đã có bước đi nhằm tạo điều kiện cho các nước nghèo tiếp cận được với thuốc kháng Covid-19 Molnupiravir. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều rào cản đối với việc phân phối rộng rãi loại “thần dược” này.

Sự tích cực từ nhà sản xuất

Khác với Pfizer and Moderna - hai công ty dược cho đến thời điểm này vẫn từ chối những lời đề nghị chuyển giao giấy phép sản xuất cho các công ty nước ngoài để tăng sản lượng vaccine toàn cầu, Merck chọn cách tiếp cận hài hòa hơn. Công ty dược có trụ sở tại bang New Jersey (Mỹ) sẽ cho phép các nhà sản xuất thuốc gốc ở Ấn Độ bán Molnupiravir ra thị trường với mức giá thấp hơn, áp dụng cho hơn 100 nước nghèo. Điều khoản này được thực hiện qua hợp đồng chuyển quyền sở hữu trí tuệ.

Merck & Co đã đưa ra một số loại thuốc generic (bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự nhau) của thuốc kháng virus molnupiravir. Hãng này cho phép 8 nhà sản xuất thuốc tại Ấn Độ bào chế các loại thuốc generic của molnupiravir nhưng có giá thành rẻ hơn để cung cấp cho 109 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có các nước ở châu Phi.

Trước đó, Financial Times đưa tin cho biết, công ty dược phẩm Merck có kế hoạch tăng mạnh sản lượng thuốc kháng Covid-19 dạng viên molnupiravir trong năm tới do nhu cầu tăng vọt. Cụ thể, Merck dự định tăng gấp đôi năng lực bào chế molnupiravir trong năm 2022, từ mức 10 triệu liệu trình lên 20 triệu liệu trình. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ nhu cầu tăng vọt trên toàn cầu.

Thời gian gần đây, Merck đã ký các hợp đồng cung ứng với Singapore, New Zealand, Australia và Hàn Quốc. Nhiều nước cũng đang đàm phán với Merck để tiếp cận được nguồn cung molnupiravir ngay ở thời điểm thuốc kháng Covid-19 này vẫn chưa được cấp phép sử dụng chính thức.

Theo ông Nicholas Kartsonis - Phó Chủ tịch cấp cao của Merck, hãng này đang hoàn tất các hợp đồng cung ứng đặc biệt đối với Molnupiravir, coi đây là bước đi đầu tiên để liệu trình mới này tiếp cận được càng nhanh càng tốt những người cần được điều trị bệnh. Công ty sẽ nỗ lực hết mức để đáp ứng nhu cầu của người bệnh trên thế giới.

Vẫn là chưa đủ

Các nhóm y tế quốc tế đã đánh giá cao động thái trên của Merck & Co, song cho rằng điều này vẫn chưa đủ để các nước thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận được loại thuốc này với số lượng đủ lớn. Họ cũng cho rằng những thiếu sót và thủ tục rườm rà của các tổ chức toàn cầu cũng có thể làm chậm hơn nữa tốc độ phân phối thuốc. Hơn nữa, hợp đồng của Merck cũng bỏ qua nhiều nước có tỷ lệ tiêm vaccine thấp.

Ngoài ra, thuốc Molnupiravir cũng phải kết hợp với biện pháp xét nghiệm vừa túi tiền, đáng tin cậy - điều nhiều nước hiện vẫn còn gặp hạn chế. Điều này có nghĩa là phương pháp điều trị mới này có thể sẽ chỉ đến được các nước có khả năng chi trả, đặt mua sớm - một thực tế đã từng xảy ra với vaccine.

Theo ông John Amuasi - chuyên gia bệnh truyền nhiễm và sức khỏe toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh nhiệt đới Kumasi ở Ghana, Molnupiravir có thể cứu sống hàng trăm nghìn người, giúp nhiều người không phải nhập viện. “Nhưng rào cản sẽ đến từ yếu tố giá cả. Hãy xem phải mất bao nhiêu thời gian châu Phi mới tiếp cận được vaccine. Tôi lo ngại chúng ta lại đang đi vào vết xe đổ như từng xảy ra với vaccine” - chuyên gia này chia sẻ.

Cùng với đó, theo các nhóm y tế quốc tế, việc hãng dược phẩm Merck & Co của Mỹ công bố loại thuốc kháng virus được cho là hiệu quả trong điều trị Covid-19 đang có nguy cơ làm lặp lại tình trạng bất bình đẳng giống như trong việc phân phối vaccine, theo đó các nước thu nhập thấp và trung bình khó có thể tiếp cận được loại thuốc này.

Theo báo cáo gần đây của chương trình hợp tác toàn cầu Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với đại dịch Covid-19 (ACT-Accelerator) của Liên hợp quốc, tổ chức có nhiệm vụ mua những liệu pháp điều trị Covid-19 cho các nước nghèo, cơ quan này thể hiện quan ngại rằng, các cơ quan của Liên hợp quốc hành động chưa đủ nhanh để đảm bảo đầy đủ những liệu pháp điều trị mới tiềm năng trước thời hạn, trong đó có cả thuốc của Merck & Co.

Trong khi đó, Quỹ Sáng chế dược phẩm chung (MPP), tổ chức y tế được Liên hợp quốc hậu thuẫn, cho biết, đã có 24 công ty sẵn sàng sản xuất thuốc nếu Merck & Co cho phép.

Một chuyên gia thuộc MPP cho rằng, nếu Merck & Co không mở rộng các nhà sản xuất loại thuốc này sẽ dẫn đến nguy cơ các nước giàu hơn có thể trả nhiều tiền hơn để mua được thuốc, gây ra tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận liệu pháp điều trị Covid-19 đối với những nước nghèo hơn.

Thêm một lý do nữa khiến cho việc phân phối công bằng thuốc kháng Covid-19 bị đặt nhiều nghi vấn đó là hiện cũng chưa rõ các nhà sản xuất thuốc ở Ấn Độ đã được Merck & Co cho phép sẽ bào chế được số lượng thuốc generic như thế nào, trong khi các công ty này lại từ chối nêu chi tiết về kế hoạch sản xuất.

Thêm nữa, việc sản xuất thuốc gốc theo hợp đồng không đồng nghĩa với bảo đảm tiếp cận toàn cầu. 50% số ca nhiễm Covid-19 trong 6 tháng đầu năm nay xảy ra ở 32 quốc gia không nằm trong diện cấp phép của Merck. Trong số này có Brazil, Malaysia, Mexico, Peru, Trung Quốc, Nga... Giấy phép sản xuất thuốc gốc chỉ hạn chế trong một số vùng lãnh thổ có thể đẩy các nước thu nhập trung bình có hệ thống y tế yếu kém phải chấp nhận mức giá thuốc cao như tại các nước giàu.

Hơn 18 tháng sau khi đại dịch xuất hiện, thế giới vẫn đang trong tình cảnh ứng phó cam chịu và chưa thể chuyển sang giai đoạn chủ động điều trị. Một số ít các loại thuốc có khả năng trị bệnh hiệu quả, nhưng lại có giá cao và quy trình sử dụng phức tạp và gần như khan hiếm, vắng bóng tại những nước nghèo. Nếu không có bước tiến về tiêm chủng diện rộng, nhiều cộng đồng dân cư vẫn dễ bị tổn thương trước Covid-19 và họ cần các loại thuốc điều trị với mức giá chấp nhận được.

Ngày 19/10, Reuters trích dẫn một tài liệu dự thảo về một chương trình do WHO quản lý cho biết, Chương trình tăng tốc tiếp cận công cụ Covid-19 nhằm đảm bảo các nước nghèo được tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19, các xét nghiệm và phương pháp điều trị và đảm bảo cung cấp thuốc kháng virus cho bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ với giá ít nhất là 10 đô la cho mỗi liệu trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hy vọng gì ở thuốc kháng Covid-19?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO