IMF cảnh báo về hậu quả của Brexit với nền tài chính toàn cầu

Linh Chi 21/04/2017 08:35

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 20/4 đã lên tiếng cảnh báo rằng việc Anh rời khỏi EU - Brexit - sẽ gây ra những rủi ro lớn đối với ổn định tài chính toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bị thách thức bởi khối nợ khổng lồ của các tập đoàn Mỹ, bong bóng tín dụng ở Trung Quốc và ngân hàng suy yếu ở châu Âu.

Ngành ngân hàng được cho là sẽ chịu rủi ro lớn nhất
từ quá tình đàm phán Brexit. (Nguồn: PA).

Cảnh báo rằng ngân hàng sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ vụ “ly hôn cay đắng” giữa Anh và EU, IMF nói rằng chi phí vận hành kinh doanh sẽ gia tăng trong khi các quy định cũng trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Báo cáo Bình ổn Tài chính Toàn cầu - báo cáo được IMF thực hiện hiện nửa năm một lần - cho hay lợi ích mà London có được với tư cách trung tâm tài chính toàn cầu đến từ các nền kinh tế lớn và chuyên môn của họ về hàng loạt các ngành công nghiệp khác nhau.

Dù đã nhấn mạnh về tình trạng bất ổn có thể xảy ra trong quá trình 2 năm đàm phán về Brexit, IMF nhận định rằng “những thách thức nảy sinh từ Brexit có thể làm mất ổn định tài chính toàn cầu theo những cách rất khó để dự đoán hay dự báo”.

IMF còn nhấn mạnh rằng, sẽ có sự ổn định về tài chính nếu như châu Âu có một hệ thống ngân hàng ít tập trung hơn. Nhưng họ cũng thể hiện quan ngại về khả năng chi các khoản đầu tư lớn của các tập đoàn Mỹ, vốn đang ngập trong nợ nần, trong bối cảnh tỷ lệ lãi suất đang gia tăng.

Theo IMF, việc Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách, hay chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy, có thể thêm phần ảnh hưởng tới các công ty ở nhiều quốc gia đang phát triển, nâng tổng các khoản nợ của họ lên khoảng từ 130 tỷ - 230 tỷ USD.

IMF đặc biệt nêu về tình hình ở Trung Quốc như một mối quan ngại lớn nhất trong số các nền kinh tế đang trỗi dậy, nói rằng tài sản ngân hàng giờ còn lớn hơn gấp 3 lần quy mô nền kinh tế. “Trung Quốc đang phải đối mặt với rủi ro lớn về sự ổn định nền tài chính khi mà tín dụng tăng trưởng nhanh chóng”, theo báo cáo của IMF.

Trong khi đó, về châu Âu, IMF cho rằng đã phục hồi kinh tế ở khối đồng tiền chung (Eurozone) hiện chưa đủ để giải quyết các vấn đề liên quan đến hệ thống ngân hàng đang suy yếu của họ.

“Các ngân hàng ở châu Âu sẽ sớm nhận ra sự khó khăn trong việc bắt kịp các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu, và trong một số trường hợp, họ sẽ phải đối mặt với các vấn đề về lợi nhuận ngay ở trong nước” - báo cáo của IMF nêu rõ.

IMF thêm rằng: “Nếu không được giải quyết, các vấn đề lợi nhuận thấp, không thể tiếp cận các nguồn vốn tư nhân, và gánh nặng từ các khoản nợ xấu sẽ gây ra nhiều rủi ro hệ thống đối với khu vực châu Âu”.

Hiện nay, do không thể biết trước về kết quả các vòng đàm phán Brexit mà các ngân hàng châu Âu đang phải chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất - không có thỏa thuận nào đạt được - để tránh việc phải tạm ngừng các dịch vụ tài chính của họ. Việc phải hoạt động theo một hệ thống quy định mới thay vì quy định của EU như trước kia cũng sẽ làm tăng gánh nặng đối với các ngân hàng.

Ngay cả khi Anh và EU đạt được một thỏa thuận về quy định kinh doanh, thì hai bên cũng sẽ sớm phải tách rời các hệ thống quy định của nhau. Các tổ chức tài chính ở châu Âu bởi vậy sẽ bị buộc phải đưa ra chiến lược mới để hoạt động và cạnh tranh, trong khi cấu trúc kinh doanh cũng trở nên rắc rối hơn; theo báo cáo của IMF.

Trước khi công bố báo cáo Bình ổn Tài chính Toàn cầu, hôm 18/4, IMF cũng công bố dự báo kinh tế toàn cầu trong năm 2017, trong đó đưa ra mức dự báo tăng trưởng 3,5%, cao hơn 0,1% so với mức dự báo trong tháng 1 vừa qua, nhờ thành quả thương mại và sản xuất tại khu vực châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.

Đồng thời, IMF cũng cảnh báo rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ đe dọa sự phục hồi toàn cầu. Theo bản báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất của IMF, các nền kinh tế thường xuyên tăng trưởng kém sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi theo chu kỳ của thương mại và sản xuất vốn bắt đầu từ mùa hè năm ngoái.

IMF đã nâng dự báo mức tăng trưởng 2017 của nền kinh tế Nhật Bản lên 1,2%, cao hơn 0,4% so với mức dự báo trong tháng 1. Trong khi đó, mức dự báo tăng trưởng đối với kinh tế Khu vực đồng tiền chung Châu Âu và Trung Quốc chỉ tăng 0,1% so với dự báo trước đó, lên mức lần lượt 1,7% và 6,6%.

Đối với kinh tế Mỹ, IMF vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 2,3%, tăng mạnh so với mức tăng trưởng 1,6% của năm 2016. IMF dự báo mức tăng trưởng cao của nền kinh tế Mỹ một phần là do sự kỳ vọng rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cắt giảm thuế và tăng chi tiêu Chính phủ.

Ủy ban châu Âu (EC) hôm 20/4 cho hay, các cuộc đàm phán về việc Brexit sẽ bắt đầu sau cuộc bầu cử sớm của Anh, dự kiến diễn ra ngày 8-6 tới. Trước đó, trong hôm 19/4, với 522 phiếu thuận và 13 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua đề xuất tổ chức bầu cử sớm của Thủ tướng Anh Theresa May. Do kế hoạch trên không cần sự phê chuẩn của Thượng viện nên các thủ tục liên quan tiến trình giải tán Quốc hội trước bầu cử vào ngày 3/5 tới sẽ được triển khai lập tức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    IMF cảnh báo về hậu quả của Brexit với nền tài chính toàn cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO