[Infographic] Gần 14.600 'chiến sĩ áo trắng' giúp miền Nam chống dịch

P.Vân 21/08/2021 20:01

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP HCM, các tỉnh phía Nam và một số tỉnh Nam Trung Bộ, thực hiện lệnh huy động của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, gần 14.600 cán bộ, y bác sĩ, sinh viên ngành y đã "Nam tiến" chống dịch.

Trong chuyến bay cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh cuối tuần trước có hơn 110 y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Mắt Trung ương và Viện Huyết học truyền máu Trung ương vào hỗ trợ Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách và Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai tại Bệnh viện dã chiến 16.

Các "chiến sĩ" chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Y tế rằng họ tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam chống dịch Covid-19 "vì mệnh lệnh của trái tim" vì muốn đồng hành cùng các đồng nghiệp chăm sóc, điều trị tốt nhất cho người bệnh Covid-19...

Ngay sau đó, từ 18/8 đến nay, nhiều đoàn công tác khác của các bệnh viện tuyến trung ương, của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Bắc Trung Bộ cũng đã tiếp tục đến đồng hành, hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam chống dịch.

Cùng với đội ngũ nhân lực y tế này, trước đó ngay từ đầu tháng 7/2021, hàng nghìn "chiến sĩ" áo trắng đã gác lại niềm riêng tình nguyện "Nam tiến" đồng hành cùng một số tỉnh Nam Trung Bộ, TP Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam chống dịch COVID-19.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến trưa 21/8 đã có 14.543 cán bộ, y bác sĩ, sinh viên ngành y thuộc Bộ Y tế, các Cục/Vụ/ Viện/Trường/Bệnh viện của Bộ Y tế và tại 35 tỉnh, thành phố đã đến một số tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đồng hành, hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể:

Tổng hợp nhân lực y tế huy động hỗ trợ chống dịch tại Miền Nam từ 1/7/2021

(Cập nhật lúc 12h ngày 21/8/2021 và sẽ được tiếp tục cập nhật)

1. Bộ Y tế: 195 người, bao gồm lãnh đạo Bộ và lãnh đạo, chuyên viên các Cục/Vụ/Viện

Bộ phận thường trực Bộ Y tế tại TP HCM, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện của TP HCM (48);

Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ (30);

Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ 12 tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ (50);

7 tổ công tác hỗ trợ các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ (67).

2. Khối các địa phương: 35 tỉnh, thành phố huy động 1.983 người tới TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

3. Khối các Trường Y Dược: 12 trường huy động 7.573 người tới TP HCM, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu.

4. Khối các Bệnh viện Trung ương: 27 bệnh viện huy động 2.731 người tới TP HCM, Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp.

5. Các Bệnh viện Trung ương thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực: 10 bệnh viện huy động 1.246 người tới các Trung tâm Hồi sức tích cực tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long.

6. Khối các Viện trực thuộc Bộ Y tế: 8 viện huy động 815 người tới TP HCM, Long An, Bình Dương, Tiền Giang, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Đồng Nai, Cần Thơ.

Tổng cộng: 14.543 người (số liệu này không bao gồm lực lượng y tế tại chỗ của các tỉnh, thành phố đang trực tiếp chống dịch).

Toàn cảnh cuộc huy động nhân lực vì miền Nam ruột thịt của ngành Y:

Toàn cảnh nhân lực y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam chống dịch Covid-19 cập nhật đến trưa 21/8. Nguồn: Bộ Y tế.

Trong thời gian qua, với tinh thần Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương cần là Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ, thực tế cho thấy cùng với hỗ trợ về nhân lực, Bộ Y tế đã triển khai một hoạt động như thiết lập 10 trung tâm hồi sức tích cực tại khu vực miền Nam với khả năng tăng năng lực thu dung lên khoảng 10.000 bệnh nhân nặng, trong đó có các trung tâm đa tầng của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thống Nhất và phân công các cơ sở điều trị tuyến trên trực tiếp hỗ trợ, tổ chức giao ban chuyên môn hàng ngày với các cơ sở điều trị tuyến dưới theo địa bàn các quận, huyện, thành phố tại TP Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế thiết lập Kho dã chiến tại TP Hồ Chí Minh để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đợt dịch thứ 4 đến nay, đã quản lý, cấp phát 4.975 máy thở (trong đó có 4080 máy HFNC), 191 máy xét nghiệm RT-PCR, 93 máy tách chiết, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu và hàng triệu sinh phẩm xét nghiệm.

Bộ Y tế thường xuyên cập nhật các giải pháp, mô hình mới trong phòng, chống dịch như mô hình trạm y tế lưu động để hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương; Hướng dẫn triển khai chương trình điều trị tại cộng đồng có kiểm soát, triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người nhiễm Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ 16/8/2021, nâng cao năng lực thu dung, cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế theo mô hình 3 tầng để quản lý, điều trị các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 một cách hiệu quả nhất, nhằm từng bước giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch xét nghiệm 2716/KH-UBND và Kế hoạch 5811/SYT-NVY về hoạt động của Trạm Y tế lưu động với 389 Trạm Y tế lưu động để quản lý 50-100 trường hợp F0/trạm để đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế khi có nhu cầu và phục vụ quản lý, điều trị, chuyển tuyến người bệnh tại cộng đồng.

Bộ Y tế cũng tập trung chỉ đạo các địa phương chuẩn bị các phương án ứng phó theo diễn biến tình hình dịch; tổ chức mua, huy động, tiếp nhận viện trợ các trang thiết bị, thuốc, vật tư, chuẩn bị năng lực sản xuất, cung cấp oxy… cho công tác xét nghiệm, điều trị và liên tục chi viện, hỗ trợ các địa phương có dịch. Thành lập Tổ công tác ô xy để hỗ trợ kịp thời các đơn vị y tế trong việc thiết lập các hệ thống cung cấp ô xy tại các cơ sở y tế và tiếp cận các nguồn cung cấp ô xy, đảm bảo không để thiếu ô xy tại các bệnh viện...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Infographic] Gần 14.600 'chiến sĩ áo trắng' giúp miền Nam chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO