Italy cấm ChatGPT

Bảo Thư 03/04/2023 08:30

Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italy (Garante) đã tạm thời cấm chatbot ChatGPT của Công ty OpenAI và tiến hành cuộc điều tra vì nghi ngờ việc vi phạm các quy tắc thu thập dữ liệu của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) này. Garante cáo buộc ChatGPT được Tập đoàn Microsoft đầu tư đã không kiểm tra độ tuổi của những người dùng từ 13 tuổi trở lên. OpenAI có 20 ngày để phản hồi bằng các biện pháp khắc phục hoặc có thể chịu rủi ro bị phạt lên đến 4% doanh thu hàng năm trên toàn thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Technology.com.

Phía OpenAI chưa phản hồi về quyết định của Garante. Trong khi đó, người phát ngôn chính quyền Italy cho biết: "Nếu họ phớt lờ lệnh cấm sẽ bị phạt tiền".

Như vậy, Italy đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên có hành động chống lại một chatbot sử dụng AI. Tới nay, chatbot này cũng không được sử dụng ở Trung Quốc, Iran, Nga và một số khu vực của châu Phi.

Tuy nhiên, trong một diễn biến liên quan, ngày 2/4, Ủy ban châu Âu - nơi đang tranh luận về Đạo luật AI của EU có thể chỉ điều chỉnh việc sử dụng AI. Trước đó, hôm 30/3, tỷ phú Elon Musk và một nhóm các chuyên gia trí tuệ nhân tạo cùng giám đốc điều hành trong ngành này đã kêu gọi tạm dừng 6 tháng trong việc phát triển các hệ thống mạnh hơn phiên bản GPT-4 mới vừa ra mắt do những rủi ro tiềm ẩn cho xã hội.

Bà Johanna Bjorklund - nhà nghiên cứu AI và phó giáo sư tại Trường Đại học Umea ở Thụy Điển, cho biết: "Sự thiếu minh bạch là vấn đề thực sự. Nếu bạn thực hiện nghiên cứu về AI, bạn nên minh bạch về cách thực hiện nó".

Còn theo giáo sư Michael I. Kotlikoff - Hiệu trưởng Đại học Cornell (đại học thuộc khối Ivy League, top 20 trường đại học xuất sắc nhất thế giới theo bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023) cho rằng việc cấm học sinh, sinh viên dùng ChatGPT là không khả thi, bởi bất cứ ai cũng có thể truy cập chatGPT trên điện thoại. Ông Kotlikoff so sánh ChatGPT với máy tính thông minh cầm tay đã được giới thiệu cách đây 20 năm. Vào thời điểm đó, có nhiều ý kiến đưa ra về việc nên cấm máy tính trong các lớp học. Họ muốn học sinh tự mình giải quyết các câu hỏi và thực hiện các phương trình, lo sợ về việc học sinh sẽ không học được cách giải phương trình nếu sử dụng máy tính bỏ túi. “Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, chúng ta đều biết rằng máy tính bỏ túi là công cụ hữu ích giúp con người đạt được mục đích sử dụng của mình” - giáo sư Kotlikoff nói.

ChatGPT ước tính đã đạt mốc 100 triệu người dùng hoạt động hằng tháng vào tháng 1 năm nay, chỉ 2 tháng sau khi ra mắt khiến nó trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Italy cấm ChatGPT

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO