Kê khai tài sản không trung thực thì nên ra khỏi bộ máy...

Đức Sơn 06/07/2016 11:15

Cá nhân đã xác định kê khai tài sản không trung thực theo tôi không nên ở trong bộ máy nữa. Vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập là vấn đề quan trọng nhưng khó, phức tạp, không nên đòi hỏi có ngay được kết quả tốt và cũng không phải là đũa thần trong phòng, chống tham nhũng, ông Phí Ngọc Tuyển - Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng.

Kê khai tài sản không trung thực thì nên ra khỏi bộ máy...

Ông Phí Ngọc Tuyển.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang xây dựng Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo có điểm mới là tách nhóm quy định về Minh bạch tài sản, thu nhập thành 1 Chương riêng (thay vì một mục tại Chương II về Phòng ngừa tham nhũng tại Luật hiện hành) với tên gọi “Minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập” với nhiều quy định mới, có tính đột phá. Xung quanh vấn đề này, PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Phí Ngọc Tuyển - Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ).

PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả công tác minh bạch tài sản, thu nhập trong thời gian vừa qua?

Ông Phí Ngọc Tuyển: Việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện ở nước ta từ năm 2007 đến nay. Qua 10 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả sau:

Hầu hết người có nghĩa vụ kê khai đều đã coi việc kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân nộp cho tổ chức là việc làm bình thường. Những năm đầu tiên thực hiện việc này là hết sức khó khăn, những năm sau việc kê khai dễ dàng và có nề nếp hơn, đến nay 99% người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai.

Quy định về minh bạch tài sản, thu nhập dần rõ ràng và đầy đủ hơn từ chỗ người có nghĩa vụ kê khai tự chịu trách nhiệm về nội dung kê khai và chỉ bị xác minh với điều kiện rất ngặt nghèo đến việc phải giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm, bản kê khai được công khai trong cơ quan, đơn vị và cho phép người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức chủ động xác minh khi cần thiết. Kết quả 98 % bản kê khai đã công khai trong cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, nhìn chung hiệu quả phòng, chống tham nhũng của biện pháp minh bạch tài sản thu nhập còn thấp thông qua các con số như tỷ lệ bản kê khai được xác minh còn thấp. Ngoài ra, số bản kê khai được kết luận không trung thực rất ít. Chưa có trường hợp nào phát hiện tham nhũng thông qua biện pháp này.

Minh bạch tài sản, thu thập được đánh giá là công cụ đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, nhưng hiệu quả của việc thực hiện công cụ này ở nước ta còn nhiều hạn chế, nguyên nhân vì sao, thưa ông?

- Hiệu quả của việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập ở nước ta còn nhiều hạn chế có nhiều nguyên nhân. Trong đó, Nhóm nguyên nhân thứ nhất: là do các quy định pháp luật chưa đồng bộ.

Cụ thể, Công ước của LHQ về phòng, chống tham nhũng yêu cầu pháp luật phải quy định hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính do đó có thể áp dụng các biện pháp hành chính, hình sự để thu hồi tài sản mà người đang sở hữu có được từ hành vi pháp luật cấm hoặc không giải trình được. Pháp luật của ta quy định chưa đầy đủ về nội dung này.

Mặt khác, quy định về tổ chức thực hiện, quản lý bản kê khai, quyền yêu cầu giải trình, xác minh trong minh bạch tài sản, thu nhập của nước ta còn dàn trải, không chuyên nghiệp chưa phù hợp với tính chất đa dạng, phức tạp của tài sản, thu nhập cá nhân. Ngoài ra, các quy định về đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch về tài sản còn nhiều kẽ hở.

Về Nhóm nguyên nhân thứ 2 thuộc về tổ chức thực hiện. Mặc dù từ năm 2012 Luật PCTN đã cho phép người có thẩm quyền chủ động xác minh với điều kiện đã được nới lỏng, tuy nhiên chưa có trường hợp nào xác minh từ sự chủ động của người có thẩm quyền; số trường hợp xác minh chủ yếu thông qua tố cáo.

Đa số người tham gia cho rằng các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập còn nhiều bất cập. Theo thống kê mới nhất của Thanh tra Chính phủ về kê khai tài sản từ năm 2007-2014, đã có trên 5,55 triệu lượt kê khai tài sản, xác minh được 2.632 trường hợp. Tuy nhiên, số người sau kê khai bị phát hiện vi phạm, bị xử lý kỷ luật chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân ít phát hiện và xử lý kê khai không trung thực là gì, thưa ông!

- Như trên tôi đã nêu một số nguyên nhân chủ yếu hạn chế hiệu quả biện pháp minh bạch tài sản thu nhập trong phòng, chống tham nhũng cũng là nguyên nhân dẫn đến ít phát hiện và xử lý kê khai không trung thực. Nguyên nhân trực tiếp có thể thấy rõ là thiếu sự chủ động của người có thẩm quyền ở các cấp trong việc xác minh tài sản, thu nhập. Người được giao nhiệm vụ xác minh thiếu chuyên nghiệp. Nước ta chưa có cơ sở dữ liệu tập trung về minh bạch tài sản, thu nhập.

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng, các đối tượng phải minh bạch tài sản, thu nhập là khá nhiều, liệu có gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát minh bạch tài sản, thu nhập?

- Đúng vậy, số đối tượng phải kê khai lớn dẫn đến khối lượng công tác kiểm tra, kiểm soát lớn vì thế phải phân cấp cho các cơ quan, đơn vị từ đó việc kiểm tra, kiểm soát thiếu tính chuyên nghiệp, thậm chí có thể xảy ra nể nang, né tránh, tiêu cực.

Nhiều ý kiến cho rằng, sắp tới khi tiến hành sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, cần nghiên cứu để hạn chế bớt số đối tượng phải minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng “ít mà hiệu quả”, quan điểm của ông về vấn đề này?

-Hiện nay còn có những ý kiến khác nhau về diện đối tượng phải kê khai. Ý kiến cho rằng cần phải mở rộng diện kê khai vì hầu như cán bộ, công chức, viên chức của ta đều có thể tham nhũng do đó cần phải kiểm soát.

Thực tế khi xin ý kiến xây dựng nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập, chúng tôi đã lược bỏ một số đối tượng không giữ chức vụ trong dự thảo, nhưng nhiều bộ, ngành lại yêu cầu bổ sung đối tượng phải kê khai.

Ý kiến khác thì cho rằng cần thu hẹp đối tượng kê khai và dành nguồn lực tăng cường các biện pháp kiểm tra, xác minh sự trung thực trong kê khai cũng như xử lý tài sản kê khai không trung thực. Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng cần thu hẹp lại số đối tượng phải kê khai.

Theo ông, làm thế nào để minh bạch tài sản, thu nhập có hiệu quả nhất?

- Thu nhập cá nhân là vấn đề rất đa dạng về hình thức, phức tạp về ranh giới pháp lý, hình thức sở hữu. Trong điều kiện nền kinh tế mở và giao lưu quốc tế mạnh như hiện nay thì các yếu tố trên càng tăng lên.

Việc nâng cao hiệu quả thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập cần tiến hành tập trung nguồn lực kiểm soát đối với với diện đối tượng kê khai hẹp và sau đó mở rộng dần khi có điều kiện. Việc thiết lập cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập là rất cần thiết. Chế tài xử lý với người kê khai không trung thực cần mạnh mẽ hơn, tài sản kê khai không trung thực, hoặc giải trình nguồn gốc không hợp lý cần phải thu hồi.

Đối với những tổ chức, cá nhân kê khai tài sản không trung thực, thì cần có biện pháp xử lý nào để răn đe?

- Cá nhân đã xác định kê khai tài sản không trung thực theo tôi không nên ở trong bộ máy nữa. Vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập là vấn đề quan trọng nhưng khó, phức tạp, không nên đòi hỏi có ngay được kết quả tốt và cũng không phải là đũa thần trong phòng, chống tham nhũng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kê khai tài sản không trung thực thì nên ra khỏi bộ máy...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO